Cải cách hành chính ở huyện Krông Pắc: Vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập
Những năm qua, chính quyền các cấp của huyện Krông Pắc đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp cải cách hành chính (CCHC) và đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, quá trình thực hiện CCHC tại địa phương vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập.
Huyện Krông Pắc hiện có 16 đơn vị hành chính cấp xã (15 xã, 1 thị trấn), với 284 thôn, buôn, tổ dân phố; 6 doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần; 106 trường học và một số đơn vị quân đội đóng chân trên địa bàn. Thực hiện nhiệm vụ CCHC, từ ngày 1-1-2017 đến 15-9-2018, huyện đã thành lập và kiện toàn Ban chỉ đạo CCHC cấp huyện; kiện toàn các bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; thực hiện tốt công tác niêm yết thủ tục hành chính (TTHC); 100% cán bộ công chức cấp xã, cấp huyện được mở tài khoản idesk và email… Tổng số TTHC cấp huyện đã tiếp nhận và giải quyết đúng hạn là 4.324 hồ sơ (1.450 hồ sơ lĩnh vực Tư pháp, 1.428 hồ sơ đăng ký Giấy phép kinh doanh, 442 hồ sơ lĩnh vực lao động, thương binh xã hội, 250 hồ sơ lĩnh vực đăng ký Giấy phép xây dựng, 754 hồ sơ lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường).
Cán bộ đoàn kiểm tra cải cách hành chính nhà nước năm 2018 kiểm tra bảng niêm yết thủ tục hành chính tại xã Ea Hiu. |
Tuy nhiên, trong số 190.715 hồ sơ TTHC cấp xã vẫn có 10 hồ sơ quá hạn (xã Ea Hiu 7 hồ sơ, thị trấn Phước An 3 hồ sơ), nhưng chưa ban hành văn bản xin lỗi. Nguyên nhân là do các hồ sơ trên đã hoàn thành, trả kết quả cho người dân, nhưng công chức nhập dữ liệu vào máy tính chậm trễ dẫn đến quá hạn; một số hồ sơ quá hạn tại xã Ea Hiu do công chức nghỉ có thời hạn theo chế độ lao động, việc bàn giao công việc còn thiếu sót hồ sơ và công chức đã trực tiếp trả kết quả, xin lỗi người dân. Tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện có 65/71 hồ sơ quá hạn và đã niêm yết công khai 65 văn bản xin lỗi người dân. Tuy nhiên việc đăng tải văn bản xin lỗi trên trang thông tin điện tử của các đơn vị nói trên chưa thực hiện do các đơn vị chưa có trang thông tin điện tử riêng.
Chưa hết, theo kết quả kiểm tra của Đoàn kiểm tra kết quả thực hiện CCHC nhà nước năm 2018 (Đoàn kiểm tra 1228) tại xã Ea Hiu, Tân Tiến, thị trấn Phước An và UBND huyện Krông Pắc trong hai ngày 11 và 12-10-2018 cho thấy, các đơn vị cấp xã, thị trấn chưa ban hành kế hoạch kiểm tra, tuyên truyền CCHC hằng năm; việc niêm yết các TTHC chưa đầy đủ; không niêm yết bảng tiếp nhận phản ánh kiến nghị theo chỉ đạo của UBND tỉnh; tỷ lệ sử dụng văn bản giấy còn lớn (trên 30%); chưa triển khai thực hiện đồng bộ việc tiếp nhận và trả kết quả qua hệ thống iGate của tỉnh; số lượng tiếp nhận và xử lý hồ sơ thấp, không có hồ sơ phát sinh mức độ 3,4; vị trí, diện tích, bố trí sắp xếp bộ phận tiếp nhận và trả kết quả chưa bảo đảm… Đặc biệt, xã Ea Hiu hiện nay chưa bố trí công chức đầu mối kiểm soát TTHC; công chức làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả chưa được hưởng chế độ phụ cấp theo quy định; chưa thực hiện hình thức lấy ý kiến khảo sát người dân, doanh nghiệp tại bộ phận một cửa.
Cán bộ Đoàn kiểm tra cải cách hành chính nhà nước tại xã Tân Tiến. |
Ở cấp huyện, UBND huyện đã ban hành kế hoạch CCHC năm 2017, năm 2018 và triển khai đầy đủ các kế hoạch trên, có báo cáo tự chấm điểm kết quả thực hiện, thực hiện kế hoạch tuyên truyền đầy đủ. Tuy nhiên, năm 2017 địa phương không ban hành kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra CCHC đối với các xã; không thực hiện xếp hạng các xã; quản lý hồ sơ công chức, viên chức còn thiếu sót…
Lý giải về những thiếu sót, bất cập trong công tác CCHC trên địa bàn, đại diện UBND xã Ea Hiu cho rằng, cơ sở hạ tầng của xã chưa được đầu tư đồng bộ, việc thu ngân sách hạn chế nên không có đủ kinh phí để trả cho cán bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Bên cạnh đó, hệ thống máy móc chưa được đầu tư dẫn đến tình trạng nhiều cán bộ cùng sử dụng một máy tính; trình độ cán bộ vẫn chưa được đào tạo tương xứng...
Còn theo ông Nguyễn Hùng Thi, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc thì nguồn nhân lực tham mưu phụ trách lĩnh vực CCHC của huyện hiện tại vẫn chưa đáp ứng yêu cầu; lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị trực thuộc chưa nhận thức hết ý nghĩa, tầm quan trọng của CCHC, chưa chủ động nghiên cứu, tìm giải pháp đổi mới CCHC nên tâm lý vẫn còn ngại khó và duy trì cách làm cũ. Phần lớn cán bộ làm nhiệm vụ CCHC hiện tại là kiêm nhiệm nên tính chuyên nghiệp, chuyên sâu, kỹ năng hành chính còn hạn chế. Do đó, để cải thiện việc thực hiện công tác CCHC, thời gian tới huyện sẽ tập trung khắc phục các nhược điểm thuộc thẩm quyền giải quyết mà Đoàn kiểm tra 1228 chỉ ra. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền CCHC đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người dân; chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước để giải quyết minh bạch, có hiệu quả các TTHC cho người dân, doanh nghiệp. Huyện cũng kiến nghị tỉnh bố trí kinh phí tổ chức tập huấn cho các đơn vị sử dụng hệ thống iGate vào tiếp nhận và giải quyết TTHC; bố trí kinh phí để thực hiện có hiệu quả Nghị định số 61/2018/NĐ-CP, ngày 23-4-2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC…
Kế hoạch CCHC nhà nước của tỉnh giai đoạn 2016-2020 phấn đấu đến năm 2020 có 100% văn bản không mật trình UBND tỉnh dưới dạng điện tử; 80% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước dướti dạng điện tử; 30% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến tại mức độ 4; tỷ lệ cấp đăng ký doanh nghiệp qua mạng đạt 20%; tỷ lệ cấp giấy chứng nhận đầu tư qua mạng đạt 10%; mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp về TTHC trên 80%... |
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc