Multimedia Đọc Báo in

Cư Kuin đẩy mạnh thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở

09:21, 18/01/2019

Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, mặt trận và các đoàn thể, việc thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở trên địa bàn huyện Cư Kuin ngày càng đem lại hiệu quả thiết thực và đi vào nền nếp.

Để nâng cao chất lượng việc thực hiện QCDC ở cơ sở, Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện QCDC; tăng cường kiểm tra, giám sát các chương trình, dự án liên quan đến quyền, lợi ích, nghĩa vụ của nhân dân. Cùng với đó, những chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cũng được thông tin rộng rãi đến người dân bằng nhiều hình thức.

Điển hình như ở xã Ea Ktur, khi thực hiện quy hoạch điểm khu dân cư tại thôn 11 và buôn Pu Huê, xây dựng Trường Mẫu giáo Sơn Ca, giải phóng mặt bằng, mở rộng đường giao thông thôn 13… đều được chính quyền xã thông báo rộng rãi trên hệ thống loa truyền thanh, gửi văn bản đến các thôn, buôn để tổ chức họp dân và niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã. Bà Nguyễn Thị Oanh, một người dân ở thôn 13 phấn khởi cho biết: “Từ khi có chủ trương làm đường giao thông nông thôn, Ban tự quản thôn đã tổ chức họp dân nhiều lần để nhân dân cùng tham gia bàn bạc, thống nhất cách làm, mức đóng góp, hạch toán cụ thể chi phí; bầu ban vận động, ban thanh tra nhân dân, ban giám sát để kiểm tra, giám sát tiến độ, chất lượng công trình. Chính nhờ công khai, minh bạch như vậy nên hầu như mọi chủ trương ở trên đưa về đều được người dân chúng tôi đồng tình”.

Cán bộ Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả xã Ea Ktur giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.
Cán bộ Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả xã Ea Ktur giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Nhờ thực hiện tốt QCDC ở cơ sở nên các phong trào, cuộc vận động ở địa phương đều được nhân dân đồng thuận, hưởng ứng tích cực. Đặc biệt, trong chương trình xây dựng nông thôn mới, chỉ riêng năm 2018, xã Ea Ktur đã huy động nhân dân đóng góp gần 1,5 tỷ đồng và hàng nghìn ngày công xây dựng 720 m đường nhựa, 3.879 m đường bê tông và 2.400 m đường cấp phối đá dăm (vượt chỉ tiêu đề ra 223%).

Thực hiện tốt QCDC ở Cư Kuin còn thể hiện rõ qua việc tập trung cải cách hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ làm việc của mỗi cán bộ, công chức, viên chức. Các thủ tục liên quan đến đất đai, nhà ở, chứng thực đều được công khai tại trụ sở UBND xã và có cán bộ trực tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hướng dẫn, tư vấn nhiệt tình để người dân và tổ chức doanh nghiệp giải quyết công việc nhanh gọn, giảm bớt phiền hà. Công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo tiếp tục được quan tâm triển khai ở các địa phương. Trong năm 2018, các xã trên địa bàn huyện đã xây dựng kế hoạch và tổ chức 18 cuộc đối thoại liên quan đến những vấn đề nhân dân quan tâm, thu hút gần 1.800 lượt người tham gia; tiếp nhận, xử lý 125 đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân, trong đó trên 82% số đơn đã được giải quyết xong.

 
“Việc thực hiện tốt QCDC đã phát huy vai trò, quyền làm chủ thực sự của người dân, qua đó tạo nên "sức sống mới" trong đời sống kinh tế - xã hội của địa phương”.
 
 Ông Lê Văn Xuân, Phó Ban Dân vận huyện Cư Kuin

Cùng với đó, việc thực hiện QCDC trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định 04/2015/NĐ-CP của Chính phủ cũng được Huyện ủy, UBND huyện Cư Kuin quán triệt, thực hiện nghiêm túc. Những quy chế, quy định do các cơ quan, đơn vị đặt ra đã tạo điều kiện pháp lý để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phát huy tốt quyền và nghĩa vụ của mình. Theo ông Nguyễn Đức Hanh, Chủ tịch UBND xã Dray Bhăng, trong quá trình thực hiện QCDC ở cơ sở, Đảng bộ và chính quyền xã luôn tạo điều kiện để người lao động được tham gia ý kiến vào xây dựng nội quy, quy chế của cơ quan và giám sát, quyết định những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích, nghĩa vụ của mình như: quy chế về tuyển dụng, nâng lương, nâng ngạch đối với cán bộ, công chức, viên chức; quy chế thi đua, khen thưởng; chi tiêu nội bộ, quản lý tài sản công...

Tuyến đường nội thôn 1, xã Ea Ktur được người dân đóng góp để nhựa hóa.
Tuyến đường nội thôn 1, xã Ea Ktur được người dân đóng góp để nhựa hóa.

Theo ông Lê Văn Xuân, Phó Ban Dân vận Huyện ủy Cư Kuin, để việc thực hiện QCDC có chiều sâu, ngày càng đi vào cuộc sống, thời gian tới, Ban Dân vận sẽ xây dựng kế hoạch gắn thực hiện QCDC ở cơ sở với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện triển thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị về quy chế giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, đặc biệt là những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích thiết thực của nhân dân, nhằm hạn chế tiêu cực, củng cố lòng tin của người dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Như Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.