Multimedia Đọc Báo in

Đảng bộ xã Ea Pil chú trọng nâng cao thu nhập cho người dân

09:14, 04/01/2019

Cùng với việc triển khai thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, những năm qua, Đảng bộ xã Ea Pil (huyện M’Đrắk) đã tập trung lãnh đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với thế mạnh của xã. Nhờ đó, kinh tế địa phương không ngừng phát triển, thu nhập của người dân ngày càng được nâng cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Bí thư Đảng ủy xã Ea Pil Nguyễn Văn Tám cho biết: Để nâng cao thu nhập cho người dân, Đảng ủy xã đã xây dựng Nghị quyết số 22 – NQ/ĐU ngày 28-3-2017 về lãnh đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2030.

Theo đó, Đảng bộ xã tập trung chỉ đạo thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chú trọng phân bổ diện tích các loại cây trồng hợp lý, có hiệu quả; đẩy mạnh việc áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa các giống mới năng suất cao vào sản xuất. Trong đó, chú trọng tuyên truyền, vận động người dân phát triển mạnh cây ăn quả có giá trị kinh tế cao; xác định khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tập trung tại khu vực các thôn 3, 4, 5,10 với các cây trồng chủ lực như nhãn, vải, bơ và một số cây có múi…

Đến nay, toàn xã đã có hơn 400 ha cây ăn quả, chủ yếu là nhãn, vải, tập trung nhiều ở thôn 4, 5 và 10.  Cùng với đó, xã cũng khuyến khích người dân sản xuất cây trồng theo hướng sản phẩm sạch, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có hại cho sức khỏe, hướng tới hàng hóa chất lượng cao và hướng dẫn người dân lựa chọn nguồn giống tốt, có chất lượng đưa vào sản xuất.

Mô hình trồng vải mang lại thu nhập cao cho người dân xã Ea Pil.
Mô hình trồng vải mang lại thu nhập cao cho người dân xã Ea Pil.

Trước đây, người dân thôn 10 chủ yếu trồng mía, ngô, sắn, giá trị kinh tế thấp mà giá cả lại lên xuống thất thường nên thu nhập không ổn định. Thực hiện Nghị quyết của Đảng ủy xã về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, người dân thôn 10 đã đưa cây nhãn, vải vào trồng trong vườn, đất bãi, bước đầu đã cho hiệu quả kinh tế đáng kể. Ông Văn Quốc Huy, Bí thư Chi bộ thôn 10 cho biết: “Hiện thôn có hơn 37 ha nhãn và vải, gần 50% số hộ trong thôn đã chuyển qua trồng cây ăn trái. Nhà trồng nhiều lên đến vài héc-ta, nhà trồng ít cũng vài sào. Cây nhãn và vải đã trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân trong thôn. Vụ 2017 vừa qua có hộ thu nhập được 300 - 400 triệu đồng".

 

Đảng ủy xã sẽ tạo điều kiện, hỗ trợ để triển khai thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác xã dịch vụ đầu tư phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cây trồng, tạo đầu ra ổn định cho nông dân yên tâm sản xuất”.

 
Bí thư Đảng ủy xã Ea Pil  Nguyễn Văn Tám

Chị Hà Thị Tới, một người dân trong thôn chia sẻ: “Được sự vận động của chi bộ, ban tự quản thôn, năm 2016 gia đình tôi chuyển đổi 8 sào đất trồng hoa màu qua trồng 400 gốc nhãn. Nhờ hợp thổ nhưỡng và chăm sóc đúng kỹ thuật nên cây nhãn phát triển tốt và năm nay sẽ cho thu bói. Dự tính với giá khoảng 25 - 30 nghìn đồng/kg như năm ngoái thì gia đình tôi sẽ thu về hơn 300 triệu đồng".

Tương tự, gia đình anh Nguyễn Đình Phố ở thôn 4 cũng chuyển đổi gần 3 ha đất trồng cà phê và tiêu kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn trái như nhãn, vải, bơ, các loại cây có múi... Năm 2017, vườn gồm 1.000 gốc nhãn và 100 gốc vải của anh cho thu nhập hơn 600 triệu đồng. Theo Trưởng thôn 4 Châu Vĩnh Thịnh thì hiện nay trong thôn trồng được trên 70 ha cây ăn trái các loại, trong đó kết quả thu hoạch cho giá trị kinh tế cao và đầu ra ổn định là cây nhãn và vải.

Bí thư Đảng ủy xã Ea Pil Nguyễn Văn Tám cho biết thêm: Thực hiện tốt việc đưa Nghị quyết Đảng bộ các cấp vào cuộc sống, Đảng ủy xã đã khuyến khích người dân phát triển đa dạng các thành phần kinh tế, không chỉ trồng trọt mà còn tập trung đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo quy mô gia trại, chú trọng nuôi trâu, bò, heo, gà ta thả vườn để tận dụng triệt để được đất đai và phụ phẩm nông nghiệp. Hiện nay, tổng đàn trâu, bò của xã có 2.017 con, 5.670 con heo và 53.470 con gia cầm. Xã có 17 trang trại tổng hợp với tổng diện tích 274,7 ha, nhiều trang trại đang phát huy hiệu quả mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Cán bộ xã Ea Pil đi thăm mô hình trồng cây ăn trái của gia đình anh Nguyễn Đình Phố ở thôn 4.
Cán bộ xã Ea Pil đi thăm mô hình trồng cây ăn trái của gia đình anh Nguyễn Đình Phố ở thôn 4.

Nhờ đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đời sống của người dân xã Ea Pil từng bước cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người của xã tăng từ 21 triệu đồng/người/năm vào năm 2016 lên 31 triệu đồng/người/năm vào năm 2018. Bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, đến nay xã Ea Pil đã cơ bản đạt 14/19 tiêu chí nông thôn mới, dẫn đầu huyện M’Đrắk.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.