Multimedia Đọc Báo in

Phát huy vai trò làm chủ của nhân dân

09:47, 12/02/2019

Những năm qua, việc triển khai xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở trên địa bàn tỉnh đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Qua đó, người dân đã phát huy quyền làm chủ cũng như thể hiện vai trò, trách nhiệm trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Có thể nói rằng, việc thực hiện QCDC ở cơ sở thời gian qua luôn được các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh xem là nhiệm vụ quan trọng. Các đơn vị, địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai các cơ chế chính sách đồng bộ với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đẩy mạnh việc xây dựng chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong sạch, vững mạnh, gắn với cải cách hành chính và thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ sở.

Ban Công tác mặt trận thôn 8, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin kiểm tra công trình đường giao thông nông thôn mới được bê tông hóa.
Ban Công tác mặt trận thôn 8, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin kiểm tra công trình đường giao thông nông thôn mới được bê tông hóa.

 

 

“Thông qua việc thực hiện QCDC ở cơ sở, các tổ chức đoàn thể đã khẳng định vai trò là "cầu nối" giữa nhân dân và chính quyền, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân thực hiện quyền làm chủ trực tiếp trên nhiều lĩnh vực”.

 
 
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị

Xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) là một điển hình trong thực hiện QCDC ở cơ sở. Bà Phạm Thị Huệ, Bí thư Chi bộ thôn 3, xã Ea Tu cho biết: "Ở thời buổi “tấc đất, tấc vàng”, để vận động người dân hiến đất làm đường giao thông không phải chuyện dễ. Tuy nhiên, thấy được lợi ích thiết thực của việc làm đường, nhiều hộ dân đã chủ động hiến đất, phá dỡ tường rào, góp ngày công để con đường nội thôn 100 m sớm được bê tông hóa. Đây là kết quả của việc thực hiện QCDC cơ sở, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng tại địa bàn”.

Theo bà Huệ, trước khi bắt đầu triển khai bất cứ công trình nào, người dân đều được nêu suy nghĩ, quan điểm thông qua phiếu đóng góp ý kiến. Sau đó, các ý kiến được chi bộ, ban tự quản thôn tổng hợp đưa ra họp bàn trước dân để thống nhất. Nhờ vậy, đã tạo được sự đồng thuận cao, tiến độ thực hiện các công trình được đẩy nhanh, chi phí được tiết giảm... Ngoài việc hiến đất làm đường, xây dựng hạ tầng thiết yếu, thôn 3 cũng là một trong những đơn vị đầu tiên của xã Ea Tu chủ động xây dựng mô hình tổ an ninh tự quản. Đến nay, toàn thôn đã có 11 tổ tự quản an ninh trật tự, trong đó có nhiều cán bộ, đảng viên, cán bộ hưu trí, cán bộ nữ tham gia tuần tra, chốt giữ an ninh trong các dịp lễ, Tết, mùa thu hái nông sản. Nhờ vậy tình hình an ninh trật tự tại địa bàn luôn được giữ ổn định.

Thanh niên tình nguyện tham gia góp công làm đường giao thông nông thôn tại xã Tân Tiến (huyện Krông Pắc).
Thanh niên tình nguyện tham gia góp công làm đường giao thông nông thôn tại xã Tân Tiến (huyện Krông Pắc).

Việc triển khai QCDC tại các xã, phường, thị trấn được thực hiện nghiêm túc, hoạt động tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân được thực hiện thường xuyên. Đến nay, 100% các đơn vị cấp xã trong toàn tỉnh đã thành lập ban thanh tra nhân dân, tổ chức cho các thôn, buôn, tổ dân phố thực hiện bầu ban tự quản, kiện toàn các tổ chức, các tổ hòa giải và lực lượng hòa giải viên ở các địa phương. Cùng với đó, những vấn đề bức xúc trong nhân dân như: kế hoạch sử dụng đất, phương án giải tỏa đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng, phương án quy hoạch khu dân cư... đều được tổ chức lấy ý kiến nhân dân trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định.

Theo đánh giá của Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị, thông qua việc thực hiện QCDC ở cơ sở, người dân đã thể hiện quyền giám sát hoạt động của cán bộ và chính quyền cơ sở. Nhờ vậy, hoạt động của chính quyền các cấp dần đi vào nền nếp, trách nhiệm của cán bộ, người đứng đầu cơ quan đơn vị được nâng cao, tạo dựng niềm tin của nhân dân với Đảng, chính quyền trong việc thực hiện các phong trào thi đua yêu nước để hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.