Multimedia Đọc Báo in

Hội thảo về xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên

16:03, 28/03/2019
Sáng 28-3, Tỉnh uỷ phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội thảo cấp quốc gia nhằm đánh giá kết quả thực hiện Kết luận số 60-KL/TW, ngày 27-11-2009 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên giai đoạn 2010-2020 và chiến lược xây dựng, phát triển TP. Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm đặc sắc riêng của vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
 
Tham dự hội thảo, về phía Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Thượng tướng Nguyễn Phương Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; Y Thanh Hà Niê Kđăm, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành hữu quan. 
 
Về phía tỉnh có các đồng chí: Êban Y Phu, Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Minh Tấn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Trần Quốc Cường, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ; Y Biêr Niê, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Ngọc Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương …
 
a
Các đồng chí chủ trì Hội thảo

Theo báo cáo tại hội thảo, sau 10 năm thực hiện Kết luận số 60-KL/TW, TP. Buôn Ma Thuột đã có những bước tiến đáng kể trong công tác xây dựng và phát triển đô thị; tình hình phát triển kinh tế - xã hội phát triển ở mức khá, cơ bản đạt các chỉ tiêu đề ra. Cụ thể như: tổng vốn đầu tư huy động toàn xã hội đạt 61.566 tỷ đồng; tăng trưởng kinh tế đạt khá với mức bình quân hằng năm đạt 9,38%, riêng trong năm 2018, giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn đạt 18.852 tỷ đồng, tăng gấp 2,04 lần so với năm 2010; công nghiệp - xây dựng, thương mại – dịch vụ giữ vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế và chuyển dịch theo hướng tiến bộ; thu nhập bình quân đầu người ngày càng nâng cao, tính đến cuối năm 2018 đạt 78 triệu đồng/năm, tăng 3,17 lần so với năm 2009.

Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, quản lý đô thị, đất đai cũng được tăng cường. Từ năm 2010 đến nay, diện tích khu vực nội thành được phủ quy hoạch phân khu đô thị 9.322 ha, chiếm 91,82%, tăng 2,74 lần so với giai đoạn trước năm 2010. Hạ tầng giao thông đô thị được đầu tư tương đối đồng bộ, bước đầu hình thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên. Các lĩnh vực, chính sách văn hoá, an sinh xã hội được đảm bảo; an ninh – quốc phòng, an toàn xã hội ổn định; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. 

a
Đại biểu tham dự Hội thảo

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, Hội thảo đã đề ra một số mục tiêu trong thời gian tới. Theo đó, đến năm 2030, phấn đấu xây dựng TP. Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên. Trong đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân hằng năm đạt trên 13,5%; thu nhập bình quân đầu người đạt 85 triệu đồng/năm; thu ngân sách Nhà nước tăng bình quân hằng năm trên 12%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 395.000 tỷ đồng; phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, nâng cao năng lực chống chịu ứng phó biến đổi khí hậu, phấn đấu đạt tỷ lệ đất cây xanh công cộng đô thị tối thiểu 15 m2/người… Tầm nhìn đến năm 2045, phấn đấu xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. 

a
Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Bình đánh giá cao những thành tựu đạt được trong thời gian qua của địa phương cũng như những ý kiến đóng góp của các đại biểu tại chương trình hội thảo. Về cơ bản TP. Buôn Ma Thuột đã được phát triển theo hướng Kết luận số 60-KL/TW của Bộ Chính trị đã đề ra; tuy nhiên nhiều nội dung chưa đạt được so với mục tiêu, yêu cầu. Do đó, trong thời gian tới địa phương cần tập trung thực hiện các nội dung: rà soát, đánh giá lại những tiềm năng, lợi thế trên các lĩnh vực của thành phố nhằm tiếp tục đề ra các giải pháp hiệu quả để phát triển bền vững, mang tính lâu dài, đảm bảo quyền lợi tối đa cho tỉnh Đắk Lắk nói riêng và cả vùng Tây Nguyên nói chung; đầu tư có trọng điểm, trọng tâm, theo chiều sâu vào các khâu, lĩnh vực, các khu vực có thể tạo hiệu quả và sức lan tỏa, phù hợp với nguồn nhân lực từ ngân sách; ban hành đồng bộ các cơ chế chính sách đột phá để thu hút các nguồn lực đầu tư; xây dựng TP. Buôn Ma Thuột mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc ở Tây Nguyên… 

a
Bí thư Tỉnh ủy Êban Y Phu phát biểu tại Hội thảo
 
Phát biểu bế mạc hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Êban Y Phu ghi nhận và tiếp thu những đánh giá, sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Văn Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương và ý kiến, góp ý của các đại biểu tại hội thảo. Đồng chí khẳng định, những vấn đề đúc rút khách quan, khoa học gắn với thực tiễn từ cuộc hội thảo này là cơ sở để tham mưu cho Trung ương xem xét ban hành chủ trương cũng như giúp địa phương ban hành những kế hoạch, giải pháp thực hiện phù hợp với việc phát triển TP. Buôn Ma Thuột trở thành đô thị vùng Tây Nguyên.
 
Thúy Hồng
 
 
 
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.