Phát huy sức mạnh đại đoàn kết – Nhân tố quyết định thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước
Đại thắng mùa Xuân 1975 đã kết thúc vẻ vang 30 năm đấu tranh bảo vệ nền độc lập, thống nhất của Tổ quốc; chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, đế quốc trên đất nước ta; mở ra một kỷ nguyên mới: kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước.
Báo cáo chính trị do Tổng Bí thư Lê Duẩn trình bày tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng ngày 14-12-1976 đã khẳng định: "Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc".
Trong thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, có nhân tố hàng đầu là sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam. Bên cạnh đó, nhân dân và các lực lượng vũ trang nhân dân đã phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, một lòng đi theo Đảng, đi theo Bác Hồ, chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, bền bỉ, lao động quên mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội và vì quyền con người. Bên cạnh đó, điều không thể phủ nhận và đã được lịch sử chứng minh chính là tinh thần đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, toàn dân tộc triệu người như một, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Xe tăng quân giải phóng húc đổ cổng Dinh Độc lập ngày 30-4-1975. Ảnh tư liệu |
Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được Đảng ta dày công xây dựng và phát huy mạnh mẽ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước có nguồn gốc trước hết từ đường lối cách mạng độc lập, tự chủ, đúng đắn của Đảng. Đó là đường lối tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam nhằm thực hiện một mục tiêu chung là hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trên phạm vi cả nước, thực hiện thống nhất nước nhà, mở đường đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Với việc giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, Đảng ta đã phản ánh được nguyện vọng và lợi ích chính đáng của tuyệt đại đa số nhân dân cả nước; nhờ đó, đã động viên và kết hợp được sức mạnh của chủ nghĩa xã hội với chủ nghĩa yêu nước - truyền thống lâu đời của dân tộc ta; đã tập hợp được một cách vững chắc và rộng rãi nhất mọi lực lượng của cả dân tộc vào sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước. Với đường lối ấy, Đảng cũng đã kết hợp được sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại, tạo nên sức mạnh tổng hợp có sức tiến công mạnh mẽ để đánh thắng đế quốc Mỹ.
Bên cạnh đó, việc phát huy cao độ truyền thống yêu nước của nhân dân ta cũng là một nhân tố quan trọng tạo nên sức mạnh đại đoàn kết của cả dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; bởi như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. Truyền thống yêu nước ấy bắt gặp đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng và ngọn cờ đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh nên đã phát huy mạnh mẽ và rộng rãi hơn bất cứ thời kỳ nào trong lịch sử của dân tộc, thúc đẩy mọi người dân Việt Nam kết thành một khối vững chắc, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, sáng tạo ra nhiều hình thức đấu tranh, nhiều cách đánh giặc độc đáo và có hiệu quả. Cũng từ lòng yêu nước, từ ý thức dân tộc, căm thù sự tàn bạo của Mỹ - ngụy, các giai tầng trong xã hội đều tự nguyện tập hợp lại trong các tổ chức khác nhau, dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, để thực hiện hai chiến lược cách mạng của đất nước cho đến ngày toàn thắng.
Không thể bỏ qua một nhân tố quan trọng khác cho phép xây dựng và phát huy được khối đại đoàn kết toàn dân tộc một cách rộng rãi và vững chắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đó là phương thức tập hợp quần chúng vô cùng sáng tạo của Đảng. Với chủ trương “Đoàn kết bất cứ người nào có thể đoàn kết được”, Đảng đã vận dụng nhiều hình thức, biện pháp phù hợp với yêu cầu, mục tiêu của từng chiến lược cách mạng ở mỗi miền để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân mà không dập khuôn, máy móc. Mặc dù việc xây dựng khối đoàn kết toàn dân ở mỗi miền vẫn trên cơ sở lấy liên minh công - nông làm nền tảng cho mặt trận dân tộc thống nhất, song mặt trận dân tộc thống nhất ở mỗi miền lại có mục tiêu, cương lĩnh, hình thức tổ chức, cơ cấu thành phần không giống nhau. Ở miền Nam, việc đặt ra mục tiêu của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam là: “thực hiện một miền Nam Việt Nam độc lập, dân chủ, hòa bình, trung lập, tiến tới hòa bình thống nhất nước nhà” là một chủ trương hết sức mềm dẻo, linh hoạt nên đã tập hợp được mọi lực lượng, mọi người dân yêu nước ở miền Nam tham gia vào cuộc đấu tranh chống Mỹ - ngụy, thực hiện mục tiêu chung là giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Do vậy, có thể khẳng định rằng: xây dựng, phát triển mặt trận dân tộc thống nhất trên cả hai miền, với hình thức mặt trận khác nhau, nhưng vẫn do một Đảng lãnh đạo, là nét độc đáo của Đảng ta về tổ chức tập hợp lực lượng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Nhìn lại lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chúng ta càng thấm nhuần sâu sắc tư tưởng đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, càng tự hào với sự lãnh đạo tài tình của Đảng. Ngày nay, việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được Đảng ta tiếp tục coi trọng; bởi đó không chỉ là bài học thành công của quá khứ, mà tiếp tục là động lực chủ yếu, nhân tố có ý nghĩa quyết định, bảo đảm cho thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.
Đinh Duy Linh
(Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)
Ý kiến bạn đọc