Multimedia Đọc Báo in

Phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo người dân tộc thiểu số tại huyện Krông Pắc

08:18, 24/06/2019

Thực hiện Nghị quyết 05 ngày 14-1-2005 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS trên địa bàn tỉnh”, những năm qua huyện Krông Pắc đã quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng đội ngũ cán bộ DTTS phù hợp với trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Huyện Krông Pắc có tổng dân số trên 220.000 người, trong đó người DTTS là 71.651 người, chiếm 32,54% dân số. Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Krông Pắc Huỳnh Văn Bổn cho biết, ngay sau khi có Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy đã có Chương trình hành động “Về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS trên địa bàn huyện”, xây dựng các kế hoạch, nội dung, giải pháp thực hiện cụ thể. Theo đó Huyện ủy chỉ đạo Ban Tổ chức Huyện ủy, Phòng Nội vụ huyện tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ DTTS trên địa bàn huyện, qua đó tham mưu cho Huyện ủy để tạo nguồn, bồi dưỡng, bố trí sử dụng theo lộ trình cụ thể, phù hợp với cơ cấu, nhu cầu sử dụng của địa phương.

Trên cơ sở quy hoạch cán bộ nguồn, Huyện ủy quan tâm tạo điều kiện để đội ngũ này tham gia những khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ theo chức danh được quy hoạch, bảo đảm năng lực công tác đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Bên cạnh đó Huyện ủy đặc biệt chú trọng đến công tác bồi dưỡng lý luận chính trị, phẩm chất đạo đức, xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS có bản lĩnh chính trị vững vàng, tận tâm, trách nhiệm với công việc. Kết quả từ năm 2009 đến nay, về chuyên môn nghiệp vụ, toàn huyện có 26 cán bộ được đào tạo trình độ thạc sĩ, đại học; về lý luận chính trị có 7 cán bộ có trình độ cao cấp, 22 cán bộ có trình độ trung cấp và 136 cán bộ trình độ sơ cấp.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Krông Pắc Y Blốc Byă (ngồi) bàn bạc nội dung công việc cùng lãnh đạo Ban Tổ chức Huyện ủy.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Krông Pắc Y Blốc Byă (ngồi) bàn bạc nội dung công việc cùng lãnh đạo Ban Tổ chức Huyện ủy.

Đối với việc tuyển dụng, bố trí, bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử các chức danh người DTTS, trên cơ sở định biên được phân bổ hằng năm, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo lập kế hoạch tuyển dụng cán bộ công chức bổ sung cho cơ quan Đảng, Mặt trận phù hợp với từng vị trí, trình độ chuyên môn được đào tạo. Quy trình tuyển dụng, bố trí cán bộ người DTTS tiến hành chặt chẽ, công khai, dân chủ, chú trọng tiêu chuẩn chất lượng. Kết quả từ năm 2009 đến nay huyện đã tiếp nhận được 184 cán bộ công chức cho khối Đảng, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội huyện, trong đó có 61 cán bộ người DTTS .

Nhìn chung, cán bộ người DTTS đều nỗ lực công tác, phát huy năng lực, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Như anh Y Blốc Byă, năm 2005, sau khi tốt nghiệp Đại học Hành chính (Học viện Hành chính Quốc gia, Phân viện Tây Nguyên) đã nộp đơn và được tuyển dụng vào công tác tại Huyện Đoàn. Trải qua quá trình công tác, phấn đấu, anh được tạo điều kiện học trung cấp, cao cấp chính trị và được tín nhiệm giữ chức Phó Bí thư Huyện Đoàn.

Đến năm 2014, Ban Thường vụ Huyện ủy có quyết định điều động, bổ nhiệm anh giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, phụ trách lĩnh vực Dân tộc, tôn giáo và đối ngoại nhân dân. Nhờ am hiểu phong tục tập quán, tín ngưỡng của bà con, anh đã phối hợp triển khai có hiệu quả các chính sách về dân tộc, tôn giáo, phân tích cho bà con nhận thức được những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo hòng chia rẽ các dân tộc anh em, qua đó góp phần tăng cường, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc trên địa bàn huyện. Qua kết quả đánh giá, xếp loại hằng năm, anh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Cán bộ DTTS Phòng Dân tộc huyện, xã Vụ Bổn cùng cán bộ Huyện ủy trao đổi về Dự án định cư làng Mông tại xã Vụ Bổn.
Cán bộ DTTS Phòng Dân tộc huyện, xã Vụ Bổn cùng cán bộ Huyện ủy trao đổi về Dự án định cư làng Mông tại xã Vụ Bổn.

Hoặc như chị H'Yen Knul, Trưởng Phòng dân tộc UBND huyện. Với lợi thế am hiểu địa bàn các buôn làng, ham học hỏi, nghiên cứu các chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước liên quan đến công tác dân tộc, chị đã phối hợp triển khai hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trong vùng dân tộc thiểu số, các chương trình 135, đặc biệt là đã tham mưu thực hiện công tác giảm nghèo tại xã Ea Yiêng (xã có đến 82% dân số là người dân tộc Xê đăng) qua các mô hình: nuôi bò sinh sản, giếng nước khoan, cải tạo vườn tạp... góp phần cải thiện thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã ...

Theo số liệu thống kê, số lượng cán bộ người DTTS trong Ban Chấp hành Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020 hiện có 7 đồng chí, chiếm tỷ lệ 15,91%; trong Ban Chấp hành Đảng bộ các xã, thị trấn là 13 đồng chí, chiếm tỷ lệ 15,15%; cán bộ chủ chốt các xã, thị trấn có 15 đồng chí, chiếm tỷ lệ 12,09%. Nhiều cán bộ DTTS hiện đang giữ cương vị lãnh đạo trong Ban Dân vận Huyện ủy, Phòng Dân tộc UBND huyện, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... “Một trong những giải pháp trọng tâm chúng tôi quyết liệt thực hiện để tiếp tục nâng tỷ lệ cán bộ người DTTS thời gian tới là khẩn trương rà soát, khảo sát số sinh viên DTTS đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng trên địa bàn huyện, từ đó có kế hoạch đào tạo, tuyển dụng và sử dụng hợp lý”, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Krông Pắc Huỳnh Văn Bổn khẳng định.

Nếu trong nhiệm kỳ 2010-2015, cán bộ người DTTS có trong quy hoạch lãnh đạo cấp xã, thị trấn của huyện Krông Pắc là 31 đồng chí (chiếm tỷ lệ 13,53%) thì đến nhiệm kỳ 2015-2020 đã tăng lên 37 đồng chí, chiếm tỷ lệ 18,22%.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.