Multimedia Đọc Báo in

UBND tỉnh trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri (Tiếp theo)

10:56, 24/07/2019

[links(left)]

*Cử tri huyện Cư Kuin đề nghị các cấp quan tâm, tăng cường công tác giám sát công trình đường giao thông của Nhà nước đầu tư không bảo đảm chất lượng mới đưa vào sử dụng đã hư hỏng nặng và có văn bản chỉ đạo buộc các nhà thầu phải cam kết, bảo hành và chịu trách nhiệm đối với những công trình đó.

UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 24/2018/QĐ-UBND ngày 18-9-2018 về việc ban hành Quy định phân công, phân cấp quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Trong đó, quy định việc phân công, phân cấp quản lý nhà nước cho Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông vận tải, Sở Công thương (sau đây gọi tắt là Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành); UBND các huyện, thị xã, thành phố (gọi tắt là UBND cấp huyện). Sở Xây dựng là cơ quan đầu mối giúp UBND tỉnh thống nhất quản lý nhà nước về chất lượng xây dựng trên địa bàn.

Trên cơ sở phân công, phân cấp, Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành và UBND cấp huyện có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng chuyên ngành trên địa bàn. Tuy nhiên, việc kiểm tra của Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành và UBND cấp huyện không thay thế, không làm giảm trách nhiệm của chủ đầu tư và của các nhà thầu về chất lượng công trình xây dựng đối với phần việc do mình thực hiện theo quy định của pháp luật.

Trách nhiệm quản lý chất lượng công trình xây dựng của chủ đầu tư được quy định tại Điều 2 Thông tư số 26/2016/TT-BXD ngày 26-10-2016 của Bộ Xây dựng. Theo đó, chủ đầu tư có trách nhiệm lựa chọn tổ chức, cá nhân đủ điều kiện năng lực để thực hiện các hoạt động xây dựng theo quy định của pháp luật và hợp đồng xây dựng.

Đối với công trình giao thông nói riêng, các công trình xây dựng khác nói chung, sau khi được nghiệm thu, bàn giao đưa vào khai thác sử dụng phải được bảo hành theo quy định tại Điều 125 Luật Xây dựng 2014. Việc bảo hành là trách nhiệm của nhà thầu thi công xây dựng và thực hiện theo quy định tài Điều 35, Điều 36 Nghị định 46/2015NĐ-CP ngày 12-5-2015 của Chính phủ, trong đó thời gian bảo hành tối thiểu là 12 tháng và được quy định trong hợp đồng xây dựng. Trong thời gian bảo hành, nhà thầu thi công xây dựng phải có trách nhiệm khắc phục, sửa chữa các trường hợp hư hỏng, khiếm khuyết phát sinh có thể xảy ra trong quá trình khai thác, sử dụng công trình và chịu mọi chi phí liên quan nếu các hư hỏng, khiếm khuyết phát sinh này là do lỗi của nhà thầu gây ra. Trường hợp nhà thầu không thực hiện bảo hành thì chủ đầu tư có quyền sử dụng tiền bảo hành (quy định trong hợp đồng) để thuê tổ chức, cá nhân khác thực hiện bảo hành.

Vì vậy, đề nghị nhân dân và cử tri huyện Cư Kuin khi phát hiện các công trình xây dựng mới đưa vào sử dụng đã bị hư hỏng thì sớm có kiến nghị cụ thể về địa điểm gửi đến chủ đầu tư công trình và cấp có thẩm quyền để xem xét, xử lý theo quy định.

Công nhân rải đá dăm Tỉnh lộ 9 đoạn qua xã Cư Kty (huyện Krông Bông). Ảnh minh họa: Hoàng Tuyết
Công nhân rải đá dăm Tỉnh lộ 9 đoạn qua xã Cư Kty (huyện Krông Bông). Ảnh minh họa: Hoàng Tuyết

* Cử tri và nhân dân trên địa bàn một số huyện kiến nghị về việc thủy điện xả lũ phải có kế hoạch trước và thông báo cho nhân dân được biết.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 24 nhà máy thủy điện đang vận hành, phát điện, trong đó 17 công trình thủy điện có hồ chứa. Hằng năm, các công trình thủy điện đều xây dựng phương án phòng, chống lụt bão bảo đảm an toàn đập và phương án phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du đập do xả lũ hồ chứa hoặc sự cố đập, được cấp có thẩm quyền phê duyệt; theo đó quy định cụ thể trách nhiệm của chủ đầu tư công trình và sự phối hợp với chính quyền địa phương trong việc vận hành phát điện, xả lũ… trong các tình huống.

Theo phương án được duyệt, tất cả các đập thủy điện đều thực hiện việc lắp đặt hệ thống cảnh báo vùng hạ du khi vận hành phát điện, xả lũ; hình thức cảnh báo như sau: Cảnh báo bằng còi khi vận hành trong mùa lũ. Cảnh báo bằng còi khi vận hành trong mùa khô. Một số hình thức cảnh báo khác: xây dựng mốc và bảng cảnh báo ngập lụt tại vùng hạ du; lắp đặt biển cảnh bảo nguy hiểm tại các vị trí người dân hay lui tới (có đường mòn) thuộc vùng hạ du đập và lòng hồ; phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền đến người dân hiệu lệnh cảnh báo vận hành trong mùa lũ và mùa khô.

Do vậy, đề nghị nhân dân trong các vùng hạ du thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin, nắm bắt thời gian xả lũ để có biện pháp ứng phó kịp thời. Trường hợp phát hiện các nhà máy thủy điện xả lũ nhưng không có thông báo theo quy định, đề nghị có văn bản phản ánh cụ thể về địa điểm, thời gian, đơn vị xả lũ gửi về Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện liên quan để chỉ đạo xử lý theo quy định.

* Cử tri thị xã Buôn Hồ kiến nghị UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét việc thu phí đo đạc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) quá cao và đề nghị xem xét, có hướng giảm bớt nhằm tạo điều kiện cho nhân dân, đặc biệt là những hộ còn khó khăn.

Thực hiện Quyết định số 16/2018/QĐ-UBND ngày 17-7-2018 của UBND tỉnh quy định giá dịch vụ đo đạc, lập bản đồ địa chính; đăng ký cấp giấy CNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, Văn phòng Đăng ký đất đai đã tổ chức thực hiện dịch vụ đo đạc địa chính, trích đo địa chính thửa đất và hợp đồng dịch vụ đo đạc theo quy định. Điều này đã làm phát sinh chi phí đo đạc, trích đo địa chính mà người sử dụng đất phải chi trả.

Tuy nhiên, để thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật đất đai, từng bước cập nhật, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai thống nhất trên toàn tỉnh, đồng thời tiến tới thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính đối với Văn phòng Đăng ký đất đai theo quy định, việc làm trên là cần thiết và đúng quy định của pháp luật.

Để góp phần giảm chi phí cho người sử dụng đất đối với các trường hợp đo đạc, trích đo địa chính nêu trên, thực hiện chính sách ưu đãi đối với hộ nghèo và cận nghèo trong hoạt động dịch vụ đo đạc địa chính của đơn vị, ngày 10-10-2018, Văn phòng Đăng ký đất đai đã ban hành Công văn số 515/VPĐKĐĐ-HCTH về việc thực hiện miễn, giảm giá dịch vụ đo đạc địa chính. Theo đó, miễn 100% giá dịch vụ đối với trường hợp chủ sử dụng đất là hộ nghèo; giảm 50% giá dịch vụ đối với trường hợp chủ sử dụng đất là hộ cận nghèo. Việc xác định chủ sử dụng đất là hộ nghèo và cận nghèo phải có bản sao chứng thực sổ hộ nghèo và cận nghèo hoặc có xác nhận chính quyền địa phương kèm theo hồ sơ.

 (Còn nữa)

 Tòa soạn

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.