UBND tỉnh trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri (Tiếp theo và hết)*
[links(left)]
*Cử tri xã Dur Kmăl (huyện Krông Ana) đề nghị cần thắt chặt công tác quản lý thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), tránh tình trạng trục lợi từ tiền bảo hiểm và đề nghị hỗ trợ chi trả một phần cho công tác khám định kỳ của người có bảo hiểm.
Thực hiện Luật BHYT năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014, tại Điều 28 quy định thủ tục khám chữa bệnh BHYT: Người tham gia BHYT khi đến khám, chữa bệnh phải xuất trình thẻ BHYT có ảnh; trường hợp thẻ BHYT khi chưa có ảnh thì phải xuất trình thẻ BHYT cùng với giấy tờ chứng minh về nhân thân của người đó (có nghĩa là phải đúng người bệnh). Tuy nhiên, ngày 17-10-2018 Chính phủ ban hành Nghị định số 146/2018/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT có quy định đến năm 2020, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam sẽ phải hoàn thành việc cấp thẻ BHYT điện tử cho người dân. Đối với cơ quan BHXH, việc cấp thẻ BHYT điện tử giúp giải quyết tình trạng trục lợi lạm dụng quỹ BHYT do người đi khám chữa bệnh phải thực hiện xác thực nhân thân của chủ thẻ thông qua thông tin sinh trắc học sẽ ngăn chặn tình trạng mượn thẻ BHYT.
Đối với đề nghị hỗ trợ chi một phần cho công tác khám định kỳ của người có bảo hiểm: Theo quy định tại Điều 23 Luật BHYT thì các trường hợp khám sức khỏe định kỳ không được hưởng chế độ BHYT.
Người bệnh có BHYT khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Năng. Ảnh minh họa: Kim Oanh |
* Cử tri một số địa phương trong tỉnh phản ánh, mức phụ cấp cho cán bộ xã còn quá thấp, thậm chí không có phụ cấp (như chức danh Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi cấp xã, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi ở khu dân cư) chưa đảm bảo thu nhập và cuộc sống. Đề nghị tỉnh xem xét điều chỉnh chế độ, tăng phụ cấp để họ yên tâm hơn trong công tác.
Trong thời gian qua, việc chi trả phụ cấp cho cán bộ xã đang được thực hiện theo các quy định: Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21-10-2003 của Chính phủ về chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn; Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22-10-2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; Nghị định số 29/2013/NĐ-CP ngày 8-4-2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2009/NĐ-CP quy định khoán quỹ phụ cấp đối với các thôn, tổ dân phố.
Thực hiện các quy định nêu trên, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 33/2010/NQ-HĐND ngày 10-12-2010; trong đó, ở thôn, buôn, tổ dân phố quy định 5 chức danh hoạt động không chuyên trách hưởng hệ số phụ cấp, gồm: Bí thư, Phó Bí thư, Trưởng thôn, Phó trưởng thôn và công an viên thường trực (tăng 2 chức danh so với quy định); ngoài ra còn quy định thêm 6 chức danh hưởng sinh hoạt phí, gồm: Trưởng Ban công tác mặt trận, Trưởng các chi hội: Cựu chiến binh, Nông dân, Phụ nữ, Liên hiệp Thanh niên và Bí thư đoàn thôn. Do đó đã tăng hệ số phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, buôn, tổ dân phố đảm bảo tăng tương ứng theo quỹ khoán ngân sách do Trung ương hỗ trợ theo từng loại thôn, buôn.
Ngày 24-4-2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 34/2019/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố. Trong đó quy định số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được bố trí theo Quyết định phân loại đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn như sau: xã loại 1 tối đa 14 người; xã loại 2 tối đa 12 người; xã loại 3 tối đa 10 người. Ở thôn, buôn, tổ dân phố quy định không quá 3 người được hưởng phụ cấp hằng tháng từ ngân sách nhà nước và chỉ áp dụng đối với các chức danh: bí thư chi bộ; trưởng thôn hoặc tổ trưởng tổ dân phố; trưởng ban công tác mặt trận.
Như vậy, Chính phủ đã ban hành Nghị định mới điều chỉnh một số nội dung liên quan đến cán bộ, công chức cấp xã; UBND tỉnh đã có văn bản giao Sở Nội vụ nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh để triển khai thực hiện theo quy định.
* Hiện trên thị trường phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) rất nhiều, bà con nông dân khó phân biệt thật – giả. Đề nghị cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, xử lý những hộ kinh doanh những mặt hàng kém chất lượng.
Để phân biệt thuốc BVTV, phân bón thật – giả, bà con nông dân cần lưu ý đến một số đặc điểm phân biệt: đọc kỹ nhãn mác trước khi mua: sản phẩm giả thường in thiếu các thông tin quy định như: bao bì không đúng mẫu đăng ký, logo của nhà sản xuất không có hoặc không đúng, không có chứng nhận hợp quy đăng ký sản phẩm, không có hạn sử dụng, không có số đăng ký sản xuất và không có cơ quan cho phép sản xuất, không có thời hạn sản xuất. Bên cạnh đó, giá cả chênh lệch nhiều so với giá chính thức công bố của các công ty sản xuất và phân phối; số điện thoại đăng ký trên bao bì thường không liên lạc được… Ngoài ra, người dân nên mua các loại vật tư nông nghiệp (VTNT) tại các cơ sở kinh doanh được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán VTNN tại địa phương.
Về kiến nghị tăng cường công tác kiểm tra, xử lý những hộ kinh doanh các mặt hàng kém chất lượng, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 23 doanh nghiệp sản xuất phân bón; 948 tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc BVTV và 1.167 tổ chức, cá nhân kinh doanh phân bón. Hằng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức từ 3 - 5 đợt thanh tra, kiểm tra VTNN. Trong 6 tháng đầu năm 2019, Sở đã tổ chức 2 đợt thanh tra các quy định về quản lý thuốc BVTV và 1 đợt thanh tra việc sản xuất, kinh doanh phân bón. Qua thống kê chưa đầy đủ của đơn vị, hằng năm UBND huyện, thị xã, thành phố tổ chức 1-2 đoàn kiểm tra liên ngành; Cục Quản lý thị trường tổ chức từ 3-4 đợt kiểm tra; Đoàn kiểm tra liên ngành 389 của tỉnh 1 đợt; Cảnh sát Kinh tế 1-2 đợt; Cảnh sát Môi trường 1-2 đợt…
Với kết quả trên phần nào cho thấy sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng từ tỉnh đến địa phương trong việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh VTNN nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tòa soạn
Ý kiến bạn đọc