Multimedia Đọc Báo in

Chỉ dẫn của "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản" trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay

09:01, 24/02/2020

“Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” được Mác và Ăng-ghen viết chung, ra đời mùa xuân năm 1848, là tác phẩm đánh dấu sự chín muồi về mặt tư tưởng của chủ nghĩa Mác, cuốn sách gối đầu giường của những người cộng sản và công nhân quốc tế, cương lĩnh cách mạng đầu tiên của những người cộng sản và công nhân bị áp bức.

Giá trị của “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” là ở chỗ, dù chỉ gồm 4 chương ngắn gọn nhưng đã trình bày hết sức cơ bản, hệ thống, có chiều sâu những vấn đề lý luận cơ bản về triết học, kinh tế chính trị học, chủ nghĩa xã hội khoa học. Đặc biệt tinh thần bút chiến trong phản bác các luận điệu sai trái, thù địch của các thế lực phản động ngày nay vẫn mang tính thời sự, là những chỉ dẫn quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” hiện nay.

Ngay từ những dòng đầu tiên, “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” đã trịnh trọng tuyên bố chính thức về sự hiện diện hiện thực, chứ không phải “bóng ma” của những người cộng sản, tập hợp xung quanh đảng của mình – đảng cộng sản và đối lập với những người tư sản và các đảng tư sản. Đây là tuyên bố có ý nghĩa về mặt tư tưởng và hiện thực sâu sắc, bởi nó “công khai trình bày trước toàn thế giới những quan điểm, mục đích, ý đồ của mình… để đập lại câu chuyện hoang đường về bóng ma cộng sản”, khẳng định vị thế và góc nhìn về những vấn đề hiện thực của những người cộng sản và chính đảng của mình trong tâm thế đối lập với những nhà tư bản và các chính đảng của giai cấp tư sản.

Tiếp đó, đi sâu vào phân tích những vấn đề lý luận và hiện thực về mối quan hệ và sự khác nhau giữa tư sản với những người vô sản và những người cộng sản, Mác và Ăng-ghen đã nhận định và chỉ ra các thế lực thù địch của những người cộng sản và đảng cộng sản, đó là: giai cấp tư sản, những nhà tư bản công nghiệp, các chính đảng tư sản với giới học giả tư sản là những người bồi bút. Mác và Ăng-ghen khẳng định, đây là cuộc đấu tranh một mất một còn, trong đó: “Sự sụp đổ của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản đều là tất yếu như nhau”. Tuyên bố này có tính bút chiến sâu sắc, nó khẳng định và củng cố niềm tin cho những người cộng sản trên toàn thế giới trong cuộc đấu tranh lâu dài và gian nan chống lại các thế lực tư sản phản động.

Khi nói đến thái độ của những người cộng sản đối với các đảng đối lập ở các nước, Mác và Ăng-ghen luôn nhắc nhở những người cộng sản không ngừng cảnh giác, không được thiển cận, không say men chiến thắng mà quên đi nhiệm vụ đấu tranh lâu dài và thực hiện mục đích cao cả của mình là “đào huyệt” chôn chủ nghĩa tư bản, xây dựng xã hội mới – xã hội cộng sản chủ nghĩa. Muốn được như vậy, Mác và Ăng-ghen không quên nhắc những người vô sản là “Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại!”; với các đảng cộng sản thì không quên giáo dục cho công nhân ý thức về sự đối kháng kịch liệt giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản.

Những phân tích và nhận định trên đây trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” là những chỉ dẫn quan trọng trong cuộc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay. Gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị thì có thể rút ra mấy vấn đề sau: Trong nhận diện các thế lực thù địch tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng ta hiện nay thì phạm vi là trên toàn thế giới; chủ thể là các học giả tư sản, các đảng của giai cấp tư sản, các lực lượng người Việt cực đoan ở nước ngoài, các đảng phái và tổ chức phản động do người Việt tự thành lập ở nước ngoài; trong nội bộ thì đó là những đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, một bộ phận nhân dân bất mãn, có tư tưởng chống đối, tư lợi…

Nội dung chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch là phủ nhận hệ tư tưởng Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; chống quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực; phủ nhận lịch sử vẻ vang của dân tộc ta, phủ nhận những thành tựu kinh tế - xã hội chúng ta đã đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Phương thức chống phá của các thế lực thù địch chủ yếu là thông qua mạng Internet và phương tiện thông tin đại chúng ở nước ngoài để tuyên truyền, kích động bạo lực, lôi kéo, tập hợp các lực lượng phản động, bất mãn trong nước để chờ thời cơ thuận lợi thì tổ chức thành các hoạt động thực tế tạo điểm nóng, tụ tập đông người, biểu tình… Bên cạnh đó, chúng cũng lợi dụng những sơ hở trong bộ máy của chúng ta và những cán bộ, đảng viên thiếu cảnh giác, tham lam để mua chuộc, dụ dỗ họ phục vụ cho những mưu đồ của chúng.

Thiết nghĩ, để công cuộc đấu tranh chống các luận điệu sai trái, thù địch thành công theo tinh thần Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị, cần đổi mới, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân theo hướng thiết thực, phù hợp đối tượng, có chất lượng; tránh tính hình thức, rập khuôn, máy móc. Bên cạnh đó, từng bước nâng cao ý thức chính trị, tinh thần tự giác, nêu gương trong cán bộ, đảng viên để tự họ nhận diện, phân biệt được những luận điệu sai trái, thù địch, phản động, từ đó tự hướng mình đến những hành động đúng, phù hợp, không “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Các cơ quan chức năng và những người có trách nhiệm không được chủ quan trong việc nắm tình hình, nhận diện các thủ đoạn chống phá, cũng như tự mãn với những thành tích đạt được mà phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, chấp hành chủ trương, mệnh lệnh của cấp trên; tăng cường kiểm soát tình hình trên thực tế và trên không gian ảo.

Mặt khác, cần từng bước quản lý hoạt động trên mạng Internet một cách hiệu quả, hoàn thiện hệ thống pháp luật và có chế tài xử lý thật nghiêm khắc, đích đáng đối với những đối tượng và tập thể có hoạt động chống phá, xuyên tạc, bóp méo sự thật trên mạng xã hội gây phương hại đến lợi ích của Đảng, Nhà nước và nhân dân, có lời nói và hành động gây mất tinh thần đoàn kết giữa Đảng với nhân dân.

TS Ngô Khắc Sơn

(Học viện Chính trị khu vực III)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.