Những cống hiến vĩ đại của V.I.Lênin và sự vận dụng của Đảng ta
V.I.Lênin là nhà tư tưởng vĩ đại, nhà lý luận chính trị kiệt xuất, lãnh tụ lỗi lạc của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới. V.I.Lênin đã có những đóng góp vô cùng to lớn cho sự nghiệp cách mạng vô sản thế giới, đấu tranh vì hòa bình, độc lập, tự do của các dân tộc, vì hạnh phúc của con người.
Công lao, cống hiến vĩ đại của Lênin đối với lịch sử thế giới cận đại
Một trong những cống hiến vĩ đại của V.I.Lênin đối với sự nghiệp phát triển của học thuyết Mác, cũng như đối với sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân là lý luận về Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân. V.I.Lênin cho rằng “Đảng tức là đội tiên phong của giai cấp công nhân”; mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của Đảng là cách mạng vô sản, lật đổ chủ nghĩa tư bản, thiết lập chuyên chính vô sản. Hình thức và tính chất đấu tranh của Đảng không chỉ đơn thuần là đấu tranh kinh tế, mà cơ bản hơn là đấu tranh chính trị. Lênin nêu ra những nguyên tắc cơ bản về Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân gồm: lấy chủ nghĩa Mác làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động; là người lãnh đạo quảng đại quần chúng giai cấp công nhân; là trí tuệ, danh dự và lương tâm đối với quần chúng; tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản trong xây dựng tổ chức của Đảng, tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng, đoàn kết thống nhất là quy luật trong xây dựng và phát triển của Đảng; tích cực kết nạp những đại biểu ưu tú của giai cấp công nhân và nhân dân lao động vào Đảng và phải thường xuyên đưa những người không đủ tiêu chuẩn và những phần tử cơ hội ra khỏi Đảng; chủ nghĩa quốc tế vô sản là một trong những nguyên tắc quan trọng của việc xây dựng tổ chức, hoạt động của Đảng.
Lênin phát biểu trên Quảng trường Đỏ trước đông đảo quần chúng và các đồng chí năm 1920. |
Với tư cách là Lãnh tụ của Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga 1917, V.I.Lênin là người mác-xít đầu tiên vận dụng sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác vào thực tiễn nước Nga, lãnh đạo thành công cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại và lãnh đạo sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực ở nước Nga Xô viết. Tên tuổi vĩ đại của V.I.Lênin đã gắn liền với những cải biến cách mạng vĩ đại nhất trong xã hội loài người từ đầu thế kỷ 20 đến nay. Chính V.I.Lênin là người đã làm cho chủ nghĩa Mác từ lý luận trở thành hiện thực; lần đầu tiên trong lịch sử thế giới Đảng Cộng sản trở thành đảng cầm quyền, lãnh đạo nhà nước và xã hội.
Lênin cũng là Tổng công trình sư đầu tiên của những phương hướng, kế hoạch xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước Nga Xô viết, đặc biệt là chính sách kinh tế mới (NEP). Nước Nga trong những năm 1917 - 1921 thực hiện “Chính sách kinh tế cộng sản thời chiến” với cơ sở nền kinh tế phi hàng hóa, phân phối sản phẩm trực tiếp, đã tiến hành quốc hữu hóa công nghiệp, thương nghiệp, trưng thu lương thực thừa của nông dân, đình chỉ tự do buôn bán và trao đổi sản phẩm ở địa phương… Chính sách cộng sản thời chiến đã bộc lộ những sai lầm tạo ra tình trạng khủng hoảng vô cùng trầm trọng, dẫn đến tình hình cực kỳ nguy hiểm cho nước Nga Xô viết. V.I.Lênin đã kịp thời phát hiện ra sai lầm đó. Người đã chỉ ra chính sách kinh tế mới (NEP), với nội dung cụ thể, như: Tăng cường cơ sở kinh tế của liên minh giữa giai cấp công nhân và nông dân, kiến lập mối quan hệ đúng đắn giữa công nghiệp xã hội chủ nghĩa với kinh tế sản xuất hàng hóa nhỏ của nông dân thông qua việc sử dụng rộng rãi quan hệ hàng hóa - tiền tệ dưới sự kiểm soát của Nhà nước; khẳng định thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội có thể chia thành nhiều bước quá độ; các dân tộc đi lên chủ nghĩa xã hội mà không phải là nước tư bản phát triển cao thì phải thừa nhận nền kinh tế hàng hóa, thừa nhận quy luật giá trị, nhiều thành phần của nền kinh tế, nhiều hình thức sở hữu, phân phối, áp dụng cơ chế hạch toán kinh tế trong sản xuất kinh doanh, sử dụng các đòn bẩy kinh tế như kích thích lợi ích vật chất, thưởng, phạt, khoán, thuế… giải quyết đúng đắn các quan hệ hàng - tiền, cung - cầu, kế hoạch - thị trường… Phải thỏa hiệp với tiểu nông, vận dụng đúng đắn chế độ hợp tác, mạnh dạn sử dụng tri thức và chuyên gia tư sản, sử dụng chủ nghĩa tư bản nhà nước. Đây là vấn đề mà Mác và Ăngghen trước kia hoàn toàn chưa đặt ra.
Với “Chính sách kinh tế mới”, V.I.Lênin đã đưa nước Nga ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng sau Cách mạng Tháng Mười, làm cho chính quyền Xô viết non trẻ đứng vững và nước Nga xã hội chủ nghĩa nhanh chóng hồi sinh. Song sâu xa hơn, đó còn là khởi đầu kiến tạo mô hình phát triển mới của chủ nghĩa xã hội, giải phóng lực lượng sản xuất, giải phóng mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân trong xã hội để thúc đẩy phát triển.
Vận dụng sáng tạo tư tưởng của Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam
- Vận dụng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu và vận dụng sáng tạo những tư tưởng của V.I.Lênin và bài học từ Cách mạng Tháng Mười Nga vào điều kiện thực tiễn cách mạng Việt Nam. Người sáng lập, rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành đội tiên phong của giai cấp công nhân, đủ uy tín, năng lực lãnh đạo nhân dân Việt Nam giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
- Vận dụng vào sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế: Vận dụng sáng tạo “Chính sách kinh tế mới” (NEP) của V.I.Lênin vào thực tiễn Việt Nam, Đảng đã đổi mới tư duy, khởi xướng và lãnh đạo nhân dân ta tiến hành sự nghiệp đổi mới đất nước. Qua các kỳ Đại hội, Đảng ta đều khẳng định nền kinh tế nước ta có nhiều hình thức sở hữu và nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đồng thời cũng khẳng định khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có vai trò là cầu nối quan trọng với thế giới về chuyển giao công nghệ, giao thương quốc tế. “Sợi chỉ đỏ” xuyên suốt về nhận thức nền kinh tế nước ta trong thời kỳ quá độ là một nền kinh tế nhiều thành phần đã được khẳng định từ Đại hội VI của Đảng và được các đại hội từ Đại hội VII đến nay kế thừa, đặc biệt gần đây nhất là các nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII của Đảng tiếp tục khẳng định, bổ sung và hoàn thiện với nhiều nội dung, biện pháp, chính sách mới.
Lênin trong cuộc diễu binh trên Quảng trường Đỏ năm 1919. |
- Vận dụng vào xây dựng Đảng: Vận dụng tư tưởng của Lênin, từ khi thành lập đến nay, Đảng ta đặc biệt coi trọng việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Qua các nhiệm kỳ đại hội, Đảng ta đã ban hành hàng loạt các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định về công tác xây dựng Đảng. Chỉ tính riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta đã ban hành 4 nghị quyết và 1 quy định; Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành 124 văn bản (nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định, quy chế, kế hoạch, hướng dẫn...) để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả hai nhiệm vụ trọng tâm về công tác xây dựng Đảng được nêu trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Nhờ đó, bản lĩnh chính trị, trình độ, năng lực lãnh đạo của Đảng ngày càng được nâng lên, đặc biệt trước mọi khó khăn, thách thức, Đảng luôn vững vàng và có những quyết sách phù hợp để chỉ đạo xử lý kịp thời, hiệu quả.
- Vận dụng vào xây dựng tổ chức và bộ máy của toàn hệ thống chính trị Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả: Đảng, Nhà nước ta luôn chú trọng xây dựng tổ chức bộ máy trong toàn hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Đặc biệt gần đây, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận về vấn đề này, như: Nghị quyết 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017 về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết 19-NQ/TW, ngày 25-10-2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 37-NQ/TW, ngày 24-12-2018 về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã, Nghị quyết 39-NQ/TW, ngày 17-4-2015 về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Để công tác xây dựng tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Nhà nước tiếp tục đạt được nhiều kết quả cơ bản và to lớn hơn nữa, cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp và cán bộ, đảng viên cần tiếp tục học tập, quán triệt và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Cụ thể: Tiếp tục đổi mới nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội, về tổ chức bộ máy hệ thống chính trị trong điều kiện mới; không ngừng nghiên cứu, làm rõ nhận thức lý luận về vai trò, phương thức lãnh đạo và cầm quyền của Đảng trong điều kiện mới; nghiên cứu xây dựng mô hình tổng thể tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam đáp ứng những yêu cầu đặt ra trong thời kỳ mới; xây dựng và thực hiện chiến lược mới về công tác cán bộ.
Ban Tuyên giáo Trung ương
Ý kiến bạn đọc