Multimedia Đọc Báo in

Krông Pắc vững tin trên đà phát triển

08:23, 18/06/2020

Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Krông Pắc đã tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIII với nhiều thành tựu vượt bậc về kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh...

Giai đoạn 2015 – 2020, kinh tế của huyện có bước tăng trưởng khá với tốc độ bình quân 9,78%/năm; trong đó, nông - lâm nghiệp tăng 5,73%; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xây dựng tăng 16,72%; thương mại - dịch vụ tăng 15,48%. Tổng giá trị sản xuất toàn ngành kinh tế (theo giá hiện hành) đến năm 2020 ước đạt 13.335 tỷ đồng, bằng 101,43% so với nghị quyết đề ra. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là 618,702 tỷ đồng (bình quân mỗi năm thu được 123,74 tỷ đồng); thu nhập bình quân đầu người đạt 45,48 triệu đồng/năm, tăng 17,48 triệu đồng so với đầu nhiệm kỳ.

Nhờ đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, ứng dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất nông nghiệp đạt nhiều kết quả quan trọng, từng bước đổi mới tổ chức, liên kết, xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp an toàn, bền vững và có khả năng cạnh tranh, góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng đời sống của người dân. Ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp từng bước khẳng định vai trò quan trọng, phục vụ sản xuất và đời sống người dân. Toàn huyện có 1.217 cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, chủ yếu phát triển các ngành có lợi thế về nguồn nguyên liệu như: chế biến nông, lâm sản, thực phẩm; khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí...

Thị trấn Phước An, trung tâm của huyện Krông Pắc đang ngày càng đổi mới phát triển. Ảnh: Lê Hương
Thị trấn Phước An, trung tâm của huyện Krông Pắc đang ngày càng đổi mới phát triển. Ảnh: Lê Hương

Trong nhiệm kỳ qua, huyện cũng đã sử dụng hiệu quả các nguồn vốn từ Trung ương, tỉnh, ngân sách huyện và khai thác các nguồn lực trong xã hội để lồng ghép đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng... Đến năm 2020, tỷ lệ nhựa hóa, bê tông hóa đường huyện đạt 92%; tỷ lệ nhựa hóa, bê tông hóa đường xã, liên xã ước đạt 67%. Giai đoạn này, nguồn vốn huy động toàn xã hội của toàn huyện đạt 4.621 tỷ đồng, so với nghị quyết đạt 100,17%. Trong đó, ngân sách Trung ương và của tỉnh là 777 tỷ đồng; ngân sách huyện 847 tỷ đồng; ngân sách xã 23 tỷ đồng; các nguồn người dân đóng góp và huy động khác là 2.974 tỷ đồng. Huyện có 10/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 8 xã so với đầu nhiệm kỳ, đạt 100% nghị quyết đề ra. Trong đó có 1 xã nông thôn mới kiểu mẫu, 2 xã nông thôn mới nâng cao; số xã còn lại đạt ít nhất 10 tiêu chí/xã.

Đi đôi với phát triển kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng, Đảng bộ huyện Krông Pắc cũng luôn chăm lo phát triển văn hóa, giáo dục, y tế. Cơ sở vật chất giáo dục tiếp tục được quan tâm, đầu tư. Toàn huyện đã có 59/102 trường học đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 57,8% (tăng 27,61% so với năm 2015). Chất lượng khám chữa bệnh từng bước được nâng cao, đáp ứng yêu cầu phục vụ người bệnh ngay tại tuyến xã với 16/16 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế. Thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững, các chính sách an sinh xã hội, đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 5,54% (giảm 11,96%), đạt 100,06% so với nghị quyết, hộ cận nghèo còn 3,82%.

          Bí thư Huyện ủy Krông Pắc  Trần Hồng Tiến (thứ hai  từ phải sang)  tham quan  Trang trại  điện mặt trời ở xã Ea Phê (huyện Krông Pắc).  Ảnh: Hoàng Gia
Bí thư Huyện ủy Krông Pắc Trần Hồng Tiến (thứ hai từ phải sang) tham quan Trang trại điện mặt trời ở xã Ea Phê (huyện Krông Pắc). Ảnh: Hoàng Gia

Công tác xây dựng Đảng được chú trong cả về ba mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng không ngừng được nâng lên. Công tác phát triển đảng viên được chú trọng cả số lượng và chất lượng. Trong nhiệm kỳ đã phát triển 1.272 đảng viên mới, nâng tổng số đảng viên trong toàn Đảng bộ lên 7.016 đồng chí. Đến nay có 283/284 thôn, buôn, tổ dân phố có đảng viên là người tại chỗ đạt 99,64%; 100% trường học và trạm y tế có chi bộ và đảng viên là người tại chỗ, đạt 100% so với nghị quyết.

Thời gian tới, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp về xây dựng chính quyền điện tử, cải thiện môi trường đầu tư, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ tạo thuận lợi cho huyện trong hiện đại hóa hành chính, từ đó huy động tốt hơn các nguồn lực cho phát triển. Cùng với kết quả đạt được trong các nhiệm kỳ qua là những tiền đề quan trọng, cơ sở vững chắc cho huyện Krông Pắc phát triển trong tương lai.

Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Krông Pắc đã thực hiện tốt 3 khâu đột phá của Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIII đề ra là: tập trung, đẩy mạnh đồng bộ các giải pháp cải cách hành chính, trong đó đặc biệt chú trọng cải cách thủ tục hành chính, xây dựng, nâng cao chất lượng hoạt động của bộ phận “một cửa” tại 16 xã, thị trấn; tích cực đầu tư, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, khuyến khích người dân sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao; phát huy hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, nhất là trong xây dựng nông thôn mới.

Trần Hồng Tiến

(Bí thư Huyện ủy Krông Pắc)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.