Những "rường cột" của buôn làng
Gương mẫu, đi đầu trong các phong trào, những người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã phát huy tinh thần đoàn kết, làm cầu nối vững chắc giữa cấp ủy, chính quyền với người dân. Không những vậy, họ còn là "hạt nhân" góp phần thay đổi nhận thức, khơi dậy ý thức tự lực vươn lên trong cộng đồng người dân tộc thiểu số...
Đã gần chạm ngưỡng "xưa nay hiếm" nhưng ông Y Bhem Knul (SN 1953) ở buôn Jắt B, xã Ea Hiu (huyện Krông Pắc) vẫn luôn chân luôn tay với việc nhà và việc của buôn.
Kiến thức và kinh nghiệm về sản xuất nông nghiệp của ông Y Bhem Knul không thua kém gì cán bộ khuyến nông. Bởi ông có hơn 10 năm gắn bó với công tác thư ký đội, Chủ nhiệm Hợp tác xã Thăng Lập ngay từ những năm sau giải phóng, cùng tham gia xây dựng cánh đồng Bốk Ay. Ông luôn cố gắng giúp đỡ, động viên để các hộ nghèo trong buôn nâng cao nhận thức, ý thức tự lực vươn lên. Với ông, chỉ có cách đó mới giúp bà con xóa đói giảm nghèo bền vững. Vậy nên, ngoài tuyên truyền vận động người dân làm kinh tế, ông đặc biệt quan tâm chăm lo đến việc học tập của trẻ em trong buôn. Y Bhem quan niệm: Ngay cả đi cấy lúa, trồng cà phê cũng cần cái chữ, vì chỉ có học mới có khả năng tiếp thu khoa học, kỹ thuật tiên tiến cũng như biết được mình làm gì và nên làm như thế nào cho hiệu quả...
Vườn cà phê của gia đình ông Y Bhem Knul ở buôn Jắt B, xã Ea Hiu (huyện Krông Pắc). |
Ông Y Bhem Knul còn là người được buôn làng kính trọng. Nhờ sự chỉ dẫn của ông, đời sống kinh tế của bà con trong buôn ngày càng được cải thiện và phát triển ổn định. Toàn buôn chỉ còn 12/67 hộ nghèo; 100% trẻ em trong độ tuổi đi học đều được đến trường. Nhiều năm liền buôn Jắt được công nhận là buôn văn hóa…
Ở buôn Mbê, xã Krông Búk, huyện Krông Pắc, ông Y Bhem Kbuôr không chỉ là trung tâm đoàn kết của cộng đồng mà còn là người biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, trở thành điển hình làm kinh tế giỏi để người dân noi theo.
Cách đây hơn 5 năm, thấy người dân trong buôn bỏ bê việc nương rẫy do cà phê già cỗi, năng suất thấp, ông Y Bhem Kbuôr đã nhổ bỏ 1 ha cà phê già cỗi của gia đình để trồng tái canh theo đúng quy trình, làm mẫu cho người dân trong buôn. Sau khi nhổ bỏ gốc cà phê, ông cho cày đất để trồng ngô, đậu luân canh. Mùa mưa năm 2015, ông bắt đầu trồng tái canh cà phê. Ngoài ra, gia đình ông còn trồng 2 sào lúa, 6 sào hoa màu và tận dụng các phế phẩm trong sản xuất làm nguồn thức ăn cho 6 con heo nái và gà. Nhờ biết xoay vòng vốn và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tổng thu nhập bình quân mỗi năm của gia đình, sau khi trừ chi phí còn hơn 200 triệu đồng. Khi thấy hiệu quả từ mô hình sản xuất nông nghiệp của ông, nhiều người dân trong buôn đã mạnh dạn vay vốn đầu tư, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ đó vươn lên thoát nghèo. Đến nay, buôn Mbê chỉ còn 10 hộ nghèo, 2 hộ cận nghèo.
Vườn quýt của ông Lục Thanh Bồng (bên phải) ở thôn 7A, xã Ea Ô, huyện Ea Kar. |
Ông Lục Thanh Bồng ở thôn 7A (xã Ea Ô, huyện Ea Kar) cũng là người có uy tín, là một trong những tấm gương sáng để người dân nơi đây noi theo. Thôn 7A chủ yếu là người dân tộc thiểu số phía Bắc vào định cư. Ngày mới vào lập nghiệp, điều kiện sống gặp nhiều khó khăn. Bản thân gia đình ông cũng sống chủ yếu dựa vào 7 sào lúa nước nên đời sống kinh tế khá bấp bênh. Nhận thấy điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng vùng đất Ea Ô khá thích hợp với cây trồng có múi, ông đã mạnh dạn đầu tư trồng cam, quýt. Mô hình trồng cây ăn trái đã góp phần giúp gia đình ông tăng thêm thu nhập, trở thành mô hình kinh tế cho người dân trong thôn học tập và làm theo. Không chỉ chú trọng phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình, ông Bồng còn tích cực vận động người dân tham gia các phong trào xây dựng nông thôn mới, hiến đất làm đường giao thông, chỉnh trang khuôn viên nhà văn hóa cộng đồng... Thôn 7A đạt danh hiệu thôn văn hóa năm 2007. Năm 2019, trên 92% hộ gia đình trong buôn đạt danh hiệu gia đình văn hóa...
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc