18:21, 18/08/2020
Chiều 18-8, đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã chủ trì buổi tiếp công dân định kỳ tháng 8-2020 để nghe ý kiến phản ánh của bà Phạm Thị Nga (SN 1951, trú nhà số 50 Nguyên Hồng, phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) và ông Y Ku Niê Siêng (SN 1959, trú tại thôn Ea Nguôi, xã Cư Né, huyện Krông Búk).
Theo đơn phản ánh của bà Phạm Thị Nga, năm 1977 bà cho ông Mai Văn Cung (trú cùng phường) mượn 8.972 m
2 đất ở khối 5, phường Thắng Lợi (nay là phường Tân Lợi), TP. Buôn Ma Thuột để trồng cà phê. Đến năm 1979, ông Cung đã chiếm đoạt không trả. Từ đó, bà Nga đã làm đơn gửi đến các cấp, ngành nhờ can thiệp.
Sự việc đang được các cơ quan chức năng điều tra xác minh thì năm 1983, ông Cung được UBND thị xã Buôn Ma Thuột cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất trên. Bà Nga đã làm đơn khiếu kiện UBND TP. Buôn Ma Thuột về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Cung trong khi đất đang có tranh chấp.
|
Toàn cảnh buổi tiếp công dân |
Liên quan đến vụ việc này, ông Nguyễn Văn Chung, Phó Chánh án TAND tỉnh cho biết, năm 1979 bà Nga khiếu nại, khiếu kiện về việc ông Cung chiếm đất của bà và được TAND tỉnh thụ lý, giải quyết cấp sơ thẩm nhưng bà Nga không đồng ý với quyết định của Tòa. Tại phiên phúc thẩm, TAND Tối cao tuyên hủy bản án và chuyển về cho TAND cấp sơ thẩm thụ lý. Tuy nhiên trong quá trình thụ lý thì năm 1993 bà Nga rút đơn khiếu kiện. Theo nguyên tắc, khi bà Nga rút đơn khiếu kiện thì TAND tỉnh đình chỉ vụ án.
Đến năm 2009, bà Nga lại khởi kiện án hành chính về quyết định của UBND TP. Buôn Ma Thuột. TAND cấp tỉnh và TAND cấp cao đã thụ lý và đều bác đơn khởi kiện của bà Nga vì không có căn cứ pháp lý. Như vậy, về quy trình xử lý tố tụng hành chính của TAND các cấp đều đúng quy định của pháp luật.
Đồng chí Bùi Văn Cường chia sẻ với những bức xúc của bà Nga, đồng thời cho biết sẽ có sự bàn bạc với các sở, ngành, địa phương, nếu phát hiện những tình tiết mới sẽ đề xuất với cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết.
|
Bà Phạm Thị Nga phản ánh vụ việc tại buổi tiếp công dân |
Đối với nội dung đơn khiếu nại của 86 hộ dân nhận khoán liên kết trồng cà phê với Công ty Cổ phần Cà phê Phước An (gọi tắt là Công ty), người đứng đơn là ông Y Ku Niê Siêng phản ánh: Năm 1995, các hộ dân ở xã Cư Né đã khai hoang đất rừng trên địa bàn để trồng cà phê (diện tích này sau đó được giao cho Công ty quản lý).
Năm 1997, người dân và Công ty xác lập hợp đồng liên kết sản xuất cà phê, thời hạn 25 năm (từ năm trồng mới 1995 đến năm 2020). Sau khi kết thúc hợp đồng thì tài sản trên đất là vườn cây sẽ chia đều lợi nhuận mỗi bên 50%. Trong thời kỳ xây dựng kiến thiết cơ bản, người dân góp 40% vốn cho vườn cà phê và Công ty góp 60%, khi có sản lượng sẽ chia theo mức tương ứng vốn góp.
Tuy nhiên đến nay, khi kết thúc hợp đồng, Công ty cho rằng vốn 100% của Nhà nước, vườn cây 100% của Công ty nên người dân làm đơn khiếu nại.
|
Ông Y Ku Niê Siêng phản ánh việc người nhận khoán khiếu nại Công ty Cổ phần Cà phê Phước An |
Sau khi nghe các ý kiến phản hồi của các cơ quan chức năng, đồng chí Bùi Văn Cường đề nghị Công ty tổ chức đối thoại, trao đổi với người dân nhằm bảo đảm tính dân chủ cơ sở giữa Công ty với các hộ nhận khoán.
Đối với các hộ nhận khoán cần hợp tác với Công ty, bàn bạc trên tinh thần xây dựng, cùng phát triển đảm bảo hài hòa lợi ích giữa hai bên. Trong trường hợp hòa giải không thành thì khởi kiện ra tòa.
|
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh phát biểu ý kiến tại buổi tiếp công dân |
Huyện ủy, UBND huyện Krông Búk, Sở NN-PTNT, Sở Tài chính làm trọng tài trong các buổi đối thoại giữa Công ty với các hộ nhận khoán.
Công an tỉnh chỉ đạo Công an huyện Krông Búk kiểm tra, làm rõ không để các đối tượng xấu lợi dụng khiếu kiện đông người để kích động, lôi kéo người dân gây ảnh hưởng tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội…
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc