Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư M'gar: Hiệu quả bước đầu từ áp dụng họp trực tuyến với cấp xã

08:53, 22/09/2020

Thời gian qua, huyện Cư M’gar đã áp dụng hình thức họp trực tuyến giữa huyện với các xã, thị trấn. Cách làm này bước đầu đã mang lại hiệu quả rõ rệt, qua đó góp phần từng bước xây dựng chính quyền điện tử và nền hành chính hiện đại.

Trước đây, để tham gia các cuộc họp do huyện tổ chức, ông Nguyễn Sỹ Kiêm, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cư Dliê M’nông phải chủ động sắp xếp công việc từ ngày hôm trước và đi quãng đường hơn 20 km mới đến nơi họp. Nhưng bây giờ, ông chỉ cần ngồi tại hội trường của UBND xã là có thể tham gia nhiều cuộc họp do huyện tổ chức. Đặc biệt, từ khi huyện ứng dụng rộng rãi hình thức họp trực tuyến, thành phần dự họp cũng được mở rộng, ở một số cuộc họp, nhất là họp chuyên đề không chỉ có lãnh đạo xã, cán bộ chuyên môn, các tổ chức chính trị - xã hội mà còn có sự góp mặt của đại diện các trường học, thôn, buôn trên địa bàn.

Ông Kiêm chia sẻ: “Do xã cách trung tâm huyện 20 km nên trước đây, mỗi lần lên đó họp tôi phải đi rất sớm, những hôm trời mưa, đường khó đi rất vất vả, chưa kể có những cuộc họp phải kéo dài cả ngày, công việc ở xã theo đó cũng bị dồn lại. Tổ chức họp trực tuyến rất thuận lợi, vừa họp, vừa có thể tranh thủ xử lý được các hồ sơ cho dân. Hình thức họp này còn là biện pháp hữu hiệu để phòng, chống dịch bệnh Covid-19”.

Một cuộc họp trực tuyến giữa huyện Cư M'gar với các địa phương.
Một cuộc họp trực tuyến giữa huyện Cư M'gar với các địa phương.

Cảm nhận của ông Nguyễn Sỹ Kiêm cũng là cảm nhận của nhiều cán bộ xã trên địa bàn huyện Cư M’gar, nhất là những xã vùng sâu vùng xa. Hiện nay, huyện Cư M’gar đã thiết lập 20 điểm cầu trực tuyến (trong đó có 17 điểm cầu tại các xã, thị trấn và 3 điểm cầu tại Huyện ủy, UBND huyện và Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện), đầu tư đầy đủ hệ thống âm thanh, camera, ti vi, đường truyền… Trong quá trình triển khai, UBND huyện đã hợp đồng với đơn vị cung cấp phần mềm (VNPT) hỗ trợ về mặt kỹ thuật, bảo dưỡng, sửa chữa các điểm cầu; đồng thời chỉ đạo các địa phương nâng cấp hạ tầng phòng họp tại điểm cầu để các cuộc họp trực tuyến diễn ra ổn định. Đến nay, hầu hết các cuộc họp, hội nghị lớn của huyện với các xã, thị trấn đều đã tổ chức theo hình thức trực tuyến, chỉ trừ những cuộc họp liên quan đến vấn đề an ninh - quốc phòng…

Điểm cầu chính tại UBND huyện.
Điểm cầu chính tại UBND huyện.

Sau hơn một năm triển khai, hình thức họp trực tuyến đã mang lại những kết quả rõ rệt, giúp huyện thuận lợi hơn trong việc triển khai các nhiệm vụ, kế hoạch, nhất là trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Cán bộ các xã, thị trấn đã giảm thiểu thời gian đi lại và mở rộng hiệu quả các cuộc họp đến toàn hệ thống chính trị ở các địa phương. Đặc biệt, các cán bộ chủ chốt của các xã, thị trấn khi tham gia cuộc họp vẫn có thể tranh thủ giải quyết các công việc khác…

Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar Trương Văn Chỉ cho biết: “Huyện có địa bàn rộng, với 17 xã, thị trấn, trong đó nhiều xã cách trung tâm huyện đến hàng chục cây số nên việc đi lại để hội họp không thuận tiện... Vì vậy, khi huyện triển khai áp dụng hình thức họp trực tuyến, các địa phương rất đồng tình. Hiện nay, từ các cuộc họp sơ kết tháng, quý, năm đến các cuộc họp chuyên đề về nông thôn mới, giảm nghèo… đều được huyện tổ chức họp trực tuyến. Cách làm này mang lại nhiều lợi ích thiết thực, đặc biệt là trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, ngoài hạn chế tập trung đông người còn giúp huyện đảm bảo hoạt động quản lý, điều hành đối với cơ sở được thông suốt, không bị gián đoạn và có tính kịp thời”.

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.