Multimedia Đọc Báo in

Quy hoạch phát triển công nghiệp chế biến gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh

05:59, 11/09/2020

Đắk Lắk có vị trí chiến lược về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của Tây Nguyên và cả nước. Theo Quyết định số 124/QĐ-TTg, ngày 2-2-2012 của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” thì Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng là một trong những địa bàn trọng điểm được quy hoạch phát triển công nghiệp chế biến nông sản.

Vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao trong quy hoạch phát triển công nghiệp chế biến phải đạt được mục tiêu “kép”: vừa nâng cao giá trị chuỗi sản phẩm, lại vừa gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh vững chắc.

Tỉnh Đắk Lắk đã và đang phải đối mặt với thách thức từ sự chống phá của các thế lực thù địch. Chúng triệt để lợi dụng vấn đề “dân tộc”, “tôn giáo”, “dân chủ”, “nhân quyền” để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Vì vậy, những đặc điểm của tỉnh Đắk Lắk có cả những thuận lợi và khó khăn cho việc quy hoạch phát triển công nghiệp chế biến nâng cao giá trị chuỗi sản phẩm gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Thiết nghĩ, trong thời gian tới tỉnh cần có những giải pháp mang tính đột phá nhằm quy hoạch phát triển công nghiệp chế biến nâng cao giá trị chuỗi sản phẩm gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh:

Cần nâng cao nhận thức về phát triển công nghiệp chế biến, gia tăng giá trị chuỗi sản phẩm gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Theo đó, cần làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên bởi chỉ khi nào đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhân dân trên địa bàn tỉnh có nhận thức đúng đắn, sâu sắc về tầm quan trọng, tính tất yếu khách quan của việc phát triển công nghiệp chế biến nâng cao giá trị chuỗi sản phẩm gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh thì mới có thể triển khai một cách đồng bộ, có hiệu quả nhiệm vụ nói trên…

Quy hoạch phát triển công nghiệp chế biến cần gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh.  Trong ảnh: Công nhân HTX Thương mại và Dịch vụ nông nghiệp Lâm Tiến (huyện Ea Kar) sơ chế nguyên liệu  để chế biến sản phẩm trái cây sấy.    Ảnh: Minh Thuận
Quy hoạch phát triển công nghiệp chế biến cần gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh. Trong ảnh: Công nhân HTX Thương mại và Dịch vụ nông nghiệp Lâm Tiến (huyện Ea Kar) sơ chế nguyên liệu để chế biến sản phẩm trái cây sấy. Ảnh: Minh Thuận

Cần thực hiện quy hoạch ổn định trong dài hạn, phát triển công nghiệp chế biến bền vững gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh trong thời kỳ mới. Tập trung sớm hoàn thành các quy hoạch như: quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp của các tỉnh theo tinh thần Nghị quyết về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 22-3-2018) của Bộ Chính trị, khóa XII. Trong đó gồm:

Quy hoạch sử dụng đất đai hợp lý nhằm bảo đảm sự cân đối quỹ đất cho nhu cầu phát triển chung, vừa đảm bảo được quyền lợi, lợi ích hợp pháp của người dân, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh tại chỗ. Đặc biệt ưu tiên diện tích đất quốc phòng - an ninh (đất xây dựng kết cấu hạ tầng gắn với quốc phòng - an ninh, đất xây dựng hệ thống hầm hào, công sự, các công trình phòng thủ, các trận địa phòng thủ dọc tuyến biên giới, các trạm cửa khẩu, các đồn biên phòng, các trạm kiểm soát liên ngành, đường giao thông huyết mạch, đường tuần tra biên giới, các diện tích rừng do quân đội quản lý).

Việc thực hiện quy hoạch, giao đất, giao rừng phải có biểu sử dụng kèm theo, với diện tích đất ở một số tỉnh biên giới hiện nay, nếu giải quyết được vấn đề thủy lợi, rà phá hết bom mìn có thể quy hoạch, bố trí giải quyết đất canh tác, tạo công ăn, việc làm cho số lượng lớn lao động, đồng thời tạo ra các điểm dân cư nông thôn biên giới, gắn với bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư các xã biên giới, tạo thành lực lượng tại chỗ bảo vệ biên giới với ý nghĩa là “phên giậu” bảo vệ Tổ quốc.

Thực hiện quy hoạch phát triển công nghiệp chế biến bền vững: Cần tập trung quy hoạch phát triển thủy điện lớn, năng lượng điện gió, năng lượng điện mặt trời… để giải quyết vấn đề năng lượng, nhất là cần phải chú trọng công nghiệp chế biến, ưu tiên cho những ngành có nguồn vốn còn hạn chế, công nghệ đơn giản tạo được nhiều công ăn việc làm. Tiếp theo mới phát triển các ngành nhiều vốn, công nghệ cao, ưu tiên công nghiệp chế biến nông, lâm sản theo chiều sâu đi từ sơ chế đến tinh chế, thực hiện giảm xuất khẩu sản phẩm thô. Trong quá trình quy hoạch phát triển các khu kinh tế cửa khẩu nên chọn nơi có điều kiện thuận lợi, có triển vọng cao để tập trung phát triển; đồng thời phải gắn với việc hình thành hệ thống đô thị, điểm dân cư nông thôn biên giới, gắn với bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư các xã biên giới và phải gắn liền với đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Thực hiện quy hoạch, bố trí dân cư:  Phải thực hiện tốt quy hoạch, bố trí dân cư bảo đảm các yêu cầu căn bản là: không nên dàn trải, cần tập trung vào những tuyến, những hướng, những khu vực trọng điểm, phù hợp với điều kiện địa hình, đặc điểm tự nhiên, đất đai thủy lợi thuận lợi, trình độ quản lý điều hành của cán bộ cơ sở, khả năng chi viện, đầu tư của các địa phương và Nhà nước. Phải kết hợp chặt chẽ việc giao đất, giao rừng với việc giáo dục tinh thần yêu nước, ý thức bảo vệ đường biên, mốc giới; xây dựng và nhân rộng mô hình đồng bào các dân tộc tự quản biên giới. Đảng, Nhà nước cần có chính sách ưu tiên đặc biệt đối với tuyến biên giới, vận động nhân dân cả nước có nhiều phong trào hành động thiết thực hướng về biên giới.

Củng cố, nâng cao sức mạnh đảm bảo quốc phòng - an ninh tạo môi trường hòa bình, ổn định nhằm phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phát triển công nghiệp chế biến nâng cao giá trị chuỗi sản phẩm gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh tỉnh Đắk Lắk nói riêng. Đồng thời, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, phát triển kinh tế theo phương châm phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh của Quân đội nhân dân và Công an nhân dân trên địa bàn.

Thực hiện các giải pháp trên đòi hỏi sự nỗ lực đồng bộ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trên địa bàn tỉnh, bảo đảm cho mỗi bước phát triển về xã hội nói chung, quy hoạch phát triển công nghiệp chế biến nâng cao giá trị chuỗi sản phẩm nói riêng đều tạo ra mỗi bước đảm bảo quốc phòng - an ninh, làm cho tỉnh Đắk Lắk trở thành một địa bàn giàu về kinh tế, vững về chính trị - xã hội, mạnh về quốc phòng, an ninh.

Phạm Văn Dương

Trường Chính trị tỉnh Đắk Lắk


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.