Multimedia Đọc Báo in

Trường Chính trị tỉnh tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục lý luận

09:00, 24/09/2020

Trong những năm qua dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh, Đảng bộ Trường Chính trị tỉnh luôn chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng, giáo dục lý luận chính trị, coi đây là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng.

Đặc biệt, Đảng bộ trường đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục giúp cán bộ, đảng viên, học viên nhận thức rõ việc đổi mới nâng cao hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 23-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới”.

Công tác giáo dục lý luận chính trị của nhà trường đã có nhiều chuyển biến tích cực, đi vào nền nếp. Cấp ủy thường xuyên bồi dưỡng, cập nhật thông tin, kiến thức mới, nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, năng lực công tác cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, học viên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ngày càng được nâng cao; nội dung, hình thức từng bước được đổi mới; số lượng cán bộ, công chức được đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, kỹ năng nghiệp vụ ngày càng tăng; hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn được quan tâm hơn và có nhiều đổi mới rõ nét, đảm bảo chất lượng. Cơ sở vật chất, kỹ thuật của trường được đầu tư, từng bước nâng cấp để đảm bảo tính đồng bộ, hiện đại trong công tác đào tạo bồi dưỡng về lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ.

Học viên lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính K29A trong giờ thảo luận.    Ảnh: Lê Hương
Học viên lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính K29A trong giờ thảo luận. Ảnh: Lê Hương

Trong 5 năm qua, đã có 131 lớp với 11.955 lượt cán bộ, công chức được đào tạo, bồi dưỡng tại Trường Chính trị tỉnh; trong đó có 12 lớp cao cấp lý luận chính trị với 1.080 học viên; 53 lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính với 4.572 học viên; có  698 học viên là người dân tộc thiểu số (chiếm 19,2%). Nhà trường đã mở 63 lớp bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức quản lý nhà nước với 6.303 học viên. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2020, nhà trường đã tổ chức 37 lớp với 2.352 học viên, trong đó có 28 lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính với 1.872 học viên, 6 lớp liên kết với 458 học viên và 3 lớp bồi dưỡng với 2.020 học viên. Nhà trường đã triển khai thực hiện và hoàn thành 18 đề tài khoa học cấp trường, 4 đề tài khoa học cấp tỉnh, tham gia nhiều hoạt động khoa học của tỉnh và Trung ương. Qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả thiết thực trong giảng dạy, học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực tư duy lý luận, năng lực tổng kết để giải quyết hiệu quả những vấn đề thực tiễn đặt ra cho đội ngũ cán bộ, giảng viên và học viên của nhà trường trong giai đoạn hiện nay.

Để tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới, trong thời gian tới Đảng bộ Trường Chính trị tỉnh tiếp tục thực hiện tốt công tác tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ về trình độ lý luận chính trị, nâng cao hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn cán bộ trong tình hình mới. Song song với đó là nâng cao nhận thức học tập lý luận chính trị của mỗi cán bộ, đảng viên; khắc phục bệnh “lười học tập lý luận chính trị”, từ đó chủ động, tự giác, tích cực trong học tập, nghiên cứu để đạt kết quả cao trong học tập và lĩnh vực mà mình công tác.

Đặc biệt tiếp tục lãnh đạo đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp đào tạo lý luận chính trị theo hướng giảng dạy, truyền thụ đầy đủ những nội dung cơ bản, cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị theo hướng hiện đại, bảo đảm điều kiện cần thiết cho hoạt động giảng dạy, học tập, nghiên cứu của giảng viên, học viên. Quan tâm công tác xây dựng tổ chức đảng trong nhà trường; đấu tranh ngăn chặn, phòng chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, giảng viên, học viên. Xây dựng môi trường giáo dục dân chủ, kỷ cương, văn minh, hiện đại, trách nhiệm, phát huy sức mạnh khối đoàn kết, thống nhất trong tập thể cán bộ, giảng viên, học viên nhà trường.

Nhà trường mở rộng quy mô, đa dạng hóa loại hình đào tạo, bồi dưỡng; tăng cường mời các chuyên gia, các nhà khoa học, các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, các ban xây dựng Đảng, UBND tỉnh tham gia giảng dạy, đội ngũ báo cáo viên của tỉnh và Trung ương báo cáo chuyên đề theo nội dung cụ thể.

Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền các huyện, thành, thị, đảng ủy trực thuộc các sở, ban, ngành, đơn vị cần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác giáo dục lý luận chính trị; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Trường Chính trị tỉnh để góp phần nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên của địa phương, đơn vị mình.

TS. Đỗ Văn Dương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.