Multimedia Đọc Báo in

Đặt trọn niềm tin và kỳ vọng

06:52, 14/10/2020

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) là sự kiện có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc, là ngày hội lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Hướng về Đại hội, mỗi cán bộ, đảng viên, người dân đặt trọn niềm tin và kỳ vọng những định hướng, quyết sách đúng đắn, sáng tạo, hiệu quả sẽ tạo đột phá cho sự phát triển nhanh, bền vững của Đắk Lắk trong thời gian tới.

°Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Y Ly Niê Kđăm:

Giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tự cường vươn lên

Là nhiệm kỳ nối tiếp và kế thừa những nhiệm kỳ trước, trong điều kiện khó khăn chung của đất nước, Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp của tỉnh đã vận dụng những chủ trương, đường lối của Đảng vào điều kiện thực tế của địa phương để lãnh đạo, điều hành, thu được nhiều kết quả quan trọng, tạo bước chuyển biến tích cực về mọi mặt.

Cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật ngày càng được đổi mới, phong phú về nội dung, hình thức, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân. Công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới được quan tâm đã từng bước làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, vùng biên giới. Công tác xây dựng Đảng được Đảng bộ tỉnh chú trọng; việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tạo sức lan tỏa sâu rộng trong xã hội, góp phần tạo dựng, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.

Với 49 dân tộc anh em cùng sinh sống, Đắk Lắk có nền văn hóa phong phú, đa dạng. Những năm qua, sự quan tâm, tạo điều kiện của Đảng, Chính phủ, các cấp chính quyền cùng với sự nỗ lực tự thân, đời sống của cộng đồng các dân tộc thiểu số đã có nhiều cải thiện, phát triển. Tuy nhiên, sự phát triển đó vẫn chưa đồng đều: hạ tầng cơ sở ở vùng sâu vùng xa, biên giới còn nhiều khó khăn, nhất là về hạ tầng giao thông; trình độ dân trí còn chênh lệch…

Với phương châm “Đoàn kết – Dân chủ – Kỷ cương – Đổi mới – Phát triển”, tôi tràn đầy niềm tin và hy vọng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII sẽ đề ra những quyết sách đúng đắn, phù hợp, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển toàn diện, đặc biệt là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, tập trung nguồn lực đẩy mạnh phát triển sản xuất, giảm nghèo; liên kết sản xuất hội nhập; đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho thanh niên, đặc biệt là thanh niên nông thôn; tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, sản xuất; đẩy mạnh giáo dục – đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng rộng rãi các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp; phát huy vai trò của người uy tín trong cộng đồng, nhân rộng, tạo sức lan tỏa từ những tấm gương người dân tộc thiểu số sản xuất, kinh doanh giỏi, có nhiều đóng góp cho sự phát triển quê hương... Đồng thời, giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy nội lực cũng như tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài để vươn lên xây dựng và phát triển Đắk Lắk xứng tầm trung tâm vùng Tây Nguyên.

°Thượng tá Trần Minh TrọngChính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh:

Củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân, vì sự ổn định để phát triển

Trong nhiệm kỳ vừa qua, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo Đảng bộ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các đề án chiến lược của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về nhiệm vụ quân sự - quốc phòng. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp với các lực lượng tham mưu triển khai xây dựng tốt các tiềm lực trong khu phòng thủ, hoàn thành các chỉ tiêu về nhiệm vụ an ninh quốc phòng, đặc biệt là gắn chặt giữa phát triển kinh tế với bảo đảm an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội. Chủ động phối hợp với các lực lượng để nắm chắc, dự báo chính xác tình hình để giải quyết những vấn đề về an ninh chính trị phức tạp trên địa bàn.

Thông qua việc thực hiện chủ trương phát triển kinh tế gắn với quốc phòng, an ninh, tiềm lực trong các khu vực phòng thủ tiếp tục được đầu tư xây dựng, “thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, thế trận lòng dân” được củng cố vững chắc. Quốc phòng, an ninh được đảm bảo, giữ vững ổn định chính trị, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội. Các tiềm lực khu vực phòng thủ được tăng cường, hệ thống công trình phòng thủ, phương tiện kỹ thuật được quan tâm đầu tư.

Trong bối cảnh, hòa bình, hợp tác và hội nhập quốc tế mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức, yêu cầu mới đối với quân sự - quốc phòng, đặc biệt là vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng, tôi tin tưởng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chiến lược về lĩnh vực quốc phòng, an ninh phù hợp, sát với điều kiện thực tế của từng địa phương. Trong đó, tăng cường hơn nữa việc đầu tư nguồn lực xây dựng khu vực phòng thủ các cấp theo hướng cơ bản, liên hoàn, vững chắc đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; tiếp tục chú trọng công tác đối ngoại quốc phòng, giữ vững an ninh biên giới.

Xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh Đắk Lắk vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức theo hướng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, vừa bảo đảm cho lực lượng vũ trang các cấp, thực hiện tốt chức năng là đội quân chiến đấu, đội công tác, đội quân sản xuất; góp phần giữ vững ổn định chính trị, tạo điều kiện cho các địa phương trên địa bàn phát triển kinh tế - xã hội.

°Ông Y Siu Byă, Ủy viên Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh, Chủ tịch Hội đồng già làng phường Ea Tam, Chủ tịch Hội đồng giáo xứ Mẫu Tâm:

Quan tâm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Tôi rất vui mừng khi thấy qua mỗi kỳ đại hội, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đều có những đổi thay rõ rệt. Đời sống của người dân nói chung, đồng bào có đạo nói riêng ngày càng phát triển. Đảng, Nhà nước, lãnh đạo địa phương đã dành sự quan tâm, tạo điều kiện cho các tôn giáo hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích và cùng đóng góp vào thành tựu chung của tỉnh. Vì vậy, tôi rất tin tưởng tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, các đại biểu sẽ tiếp tục sáng suốt lựa chọn được những người thực sự có đức, có tài, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để đưa ra những quyết sách đột phá giúp tỉnh Đắk Lắk phát triển vững mạnh, toàn diện, xứng tầm trung tâm vùng Tây Nguyên. Tôi cũng kỳ vọng trong nhiệm kỳ mới, Đảng, Nhà nước và tỉnh tiếp tục có những chương trình, chính sách thiết thực hơn nhằm chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, dạy nghề, tạo việc làm để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, nhất là nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có đạo. Cùng với đó, tỉnh quan tâm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy tinh thần thi đua yêu nước, đấu tranh chống các âm mưu lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo gây chia rẽ giữa các dân tộc, làm mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Với cương vị của mình, tôi tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con giáo dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sống “tốt đời đẹp đạo”, “đồng hành cùng dân tộc”, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau và tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện của địa phương, mà trước mắt là đóng góp xây dựng nhà dưỡng lão và nhà cô nhi để cưu mang những mảnh đời bất hạnh.

°Ông Lê Hữu Chỉnh, nguyên Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật Đắk Lắk: 

Tạo điều kiện phát triển văn học – nghệ thuật, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân

Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo, tạo môi trường thuận lợi cho văn nghệ sĩ phát triển hoạt động nghệ thuật như: tạo điều kiện về cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động; hỗ trợ tổ chức các trại sáng tác, triển lãm, hội thảo; trao các giải thưởng về văn học - nghệ thuật... Qua đó, động viên, khích lệ văn nghệ sĩ say mê sáng tạo, sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị về nội dung, nghệ thuật và được giới chuyên môn đánh giá cao; nhiều hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật của tỉnh đã gặt hái các giải thưởng cao quý cấp quốc tế, quốc gia, khu vực...

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII là sự kiện chính trị quan trọng, đề ra những quyết sách lớn tác động đến sự phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của tỉnh trong thời gian tới. Tôi mong muốn Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII sẽ tạo luồng sinh khí mới và gửi gắm niềm tin vào sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, những đại biểu được bầu sẽ phát huy đức, tài để đưa ra những quyết sách đúng đắn, thực hiện tốt, vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra; đưa tỉnh ta ngày càng phát triển nhanh, bền vững. Riêng về lĩnh vực văn học – nghệ thuật, chúng tôi cũng hy vọng tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, tạo điều kiện cho đội ngũ văn nghệ sĩ phát huy trình độ, năng lực, trí tuệ; tăng cường nhận thức sâu sắc hơn cơ hội và thách thức, trách nhiệm của mình trước yêu cầu phát triển đời sống văn học - nghệ thuật tỉnh nhà, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân. Đồng thời, qua đó văn nghệ sĩ càng thêm gắn bó với vùng đất mà mình đang sống, từng bước nâng cao chất lượng tác phẩm, bắt kịp xu hướng phát triển chung của thời đại để "trả nợ" ân tình của Đảng bộ, đồng bào trong tỉnh đã dành cho văn nghệ sĩ và cũng không quên lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa – nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.

°Ông Nguyễn Huy HoàngTổng Giám đốc Tập đoàn Xuân Thiện:

Đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới môi trường đầu tư

Chủ trương của Trung ương và của tỉnh về tập trung phát triển bền vững ngành công nghiệp năng lượng tái tạo và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trong nhiệm kỳ tới có thể nói là một chủ trương được các doanh nghiệp, nhà đầu tư rất kỳ vọng. Đồng thời cũng phù hợp với thế mạnh và chiến lược của Tập đoàn Xuân Thiện là đầu tư các dự án năng lượng, nông nghiệp công nghệ cao theo hướng sạch và bền vững, phát huy được tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

Bước vào kỳ Đại hội lần thứ XVII của Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk, tiến tới Đại hội XIII của Đảng, cũng là giai đoạn cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đặt ra nhiều cơ hội và thách thức cho các ngành kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng, điều này đòi hỏi tự thân mỗi doanh nghiệp phải biết nắm bắt xu hướng, cơ hội và tự đổi mới để vươn lên, song bên cạnh đó chính quyền các cấp cũng cần có những chính sách để giúp doanh nghiệp phát triển. Với suy nghĩ đó, đại diện cho Tập đoàn Xuân Thiện, một đơn vị đã và đang đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng để triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh, tôi mong muốn thời gian tới tỉnh Đắk Lắk sẽ có những đột phá mạnh mẽ trên nhiều mặt. Trước hết là đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là chuẩn hóa quy trình giải quyết hồ sơ theo hướng rút ngắn thời gian giải quyết; xử lý kịp thời các kiến nghị, đề xuất để không làm mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Hiện nay, số lượng thủ tục pháp lý đầu tư của một dự án rất lớn, thông thường thời gian để hoàn thiện các thủ tục chiếm 2/3 thời gian đầu tư hoàn thành dự án. Sau nữa là cần tích cực đổi mới môi trường đầu tư. Đặc biệt là phải nâng cao được chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn đến với Đắk Lắk để tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh đi lên. Chúng tôi kỳ vọng Đại hội lần này tỉnh tiếp tục lựa chọn được thế hệ cán bộ có tâm, có tầm, có tài để giúp địa phương cải thiện hơn nữa đời sống của nhân dân.

°Chị Triệu Thị Châu - Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ Bình Minh (xã Cư Suê, huyện Cư M’gar):

Tiếp tục đưa ngành nông nghiệp phát triển vượt bậc

Những năm gần đây, tỉnh ta đã có nhiều chủ trương, chính sách về đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, tạo điều kiện để người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII quyết định các vấn đề quan trọng và đề ra các quyết sách, chủ trương lớn để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; trong đó chúng tôi quan tâm nhất là vấn đề liên quan đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Theo tôi, để phát huy thế mạnh của địa phương, Đại hội cần xem xét, điều chỉnh và ban hành những cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân trong việc lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng vùng miền để định hình lại hướng phát triển nền nông nghiệp vững chắc; hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm; tạo điều kiện ưu đãi cho nông dân vay vốn sản xuất, phát triển kinh tế…

Cùng với đó, để khẳng định thương hiệu sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương như: sầu riêng, bơ, cà phê, hồ tiêu…, Đại hội nên tập trung thảo luận và đưa ra giải pháp hỗ trợ kỹ thuật cũng như hướng đầu ra cho các mặt hàng nông sản để nông dân yên tâm sản xuất. Bởi hiện nay, trong quá trình sản xuất nông dân thường gặp khó khăn nhất trong vấn đề tìm đầu ra cho sản phẩm. Thị trường không ổn định, giá cả bấp bênh khiến các hộ dân phải loay hoay chuyển đổi cây trồng phù hợp. Do đó, việc làm cần thiết nhất hiện nay là phải hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị sản phẩm lâu dài và bền vững. Một khi kinh tế phát triển, đời sống người dân được nâng cao sẽ tạo nên diện mạo mới cho các vùng nông thôn.

°Anh Võ Long Châu, Phó Bí thư Đoàn phường Tân Hòa (TP. Buôn Ma Thuột):

Cần có nhiều phương án hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp

Khởi nghiệp đang là mô hình lập thân, lập nghiệp được đoàn viên thanh niên (ĐVTN) đặc biệt quan tâm. Thời gian qua, các phong trào khởi nghiệp tại địa phương có vai trò quan trọng trong giải quyết nhu cầu việc làm của ĐVTN và người lao động. Bên cạnh những kết quả khả quan đạt được thì thanh niên tỉnh nhà hiện gặp rất nhiều khó khăn trong khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Là cán bộ Đoàn, đồng thời cũng là một trong những thanh niên được hỗ trợ nguồn vốn khởi nghiệp của Hội LHTN Việt Nam tỉnh, tôi mong muốn Đại hội Đảng bộ tỉnh lần này sẽ có thêm quyết sách liên quan đến việc hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và phát triển mô hình kinh tế. Trong đó tập trung vào giải pháp hỗ trợ thanh niên tìm kiếm thông tin về các chương trình và tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, đặc biệt là thông tin về các chính sách hỗ trợ của Nhà nước dành cho khởi nghiệp; kết nối ý tưởng khởi nghiệp với các nhà đầu tư tiềm năng; hỗ trợ thanh niên trong hợp tác, trao đổi thông tin, kiến thức và kỹ năng; hỗ trợ quảng bá các sản phẩm thanh niên phát triển kinh tế; xây dựng hệ sinh thái 4.0 kết nối thanh niên khởi nghiệp với các nhà khoa học, doanh nhân để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; hỗ trợ các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… Nếu có được tiền đề ấy, tôi tin rằng sẽ có thể khơi dậy đam mê, khát vọng làm giàu chính đáng, truyền tinh thần khởi nghiệp đến với thanh niên, đưa khởi nghiệp trở thành phong trào hành động cách mạng của thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ hàng đầu của tổ chức Đoàn thanh niên trong giai đoạn hiện nay.

°Thầy Phan Đình Hảo, giáo viên Trường THCS Quang Trung (thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp):

Quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo

Tôi rất vui mừng khi thấy 5 năm qua, sự nghiệp giáo dục - đào tạo của tỉnh nhà được quan tâm đầu tư và đạt được những kết quả khá toàn diện; chất lượng giáo dục - đào tạo được nâng lên rõ rệt; hệ thống cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ việc dạy - học đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục được củng cố, kiện toàn, đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Cơ sở vật chất trường lớp được tăng cường đầu tư xây dựng, nâng cấp theo chuẩn quốc gia.

Là một giáo viên nhiều năm công tác tại địa bàn huyện biên giới Ea Súp, tôi kỳ vọng trong nhiệm kỳ mới tỉnh sẽ có những quyết sách thu hút các nguồn lực tiếp tục đầu tư hơn nữa về cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm cho việc dạy và học, đặc biệt là ở các trường ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh cần có cơ chế, giải pháp để hỗ trợ học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt và học sinh ở vùng khó khăn để các em có điều kiện đến trường thuận lợi, an toàn. Để đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông mới, nhất là với sách giáo khoa cải tiến, chương trình thực nghiệm của Bộ GD-ĐT, mong rằng tỉnh có cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện để đội ngũ giáo viên được tập huấn, đào tạo nâng cao chuyên môn nghiệp vụ phục vụ việc giảng dạy tốt hơn; có chính sách khuyến khích cán bộ, giáo viên để họ yên tâm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục...

Nhóm PV thực hiện

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.