Multimedia Đọc Báo in

"Buôn Cháy" hồi sinh

09:00, 23/11/2020

Trên đống tro tàn ngày nào, buôn căn cứ cách mạng Ea M'droh (xã Ea M’droh, huyện Cư M’gar) giờ đã tràn dâng sức sống mới. Con đường dẫn vào buôn trải nhựa phẳng lì, chạy dài hun hút. Nắng sớm mai trải dài bên những ngôi nhà dài truyền thống nằm yên ả dọc hai bên đường.

45 năm đã đi qua, song hình ảnh buôn làng những ngày bị địch càn quét, đốt phá, dồn dân lập ấp của ngụy quân, ngụy quyền vẫn in đậm trong tâm trí của nhiều người dân buôn Ea M’droh.

Bà H'Răng Niê (sinh năm 1947), một trong những người cao niên ở buôn hồi tưởng, hồi đó người dân trong buôn đều tin và đi theo cách mạng. Bà cũng như nhiều thanh niên khác ban ngày lên rẫy làm, tối đến thì gùi gạo vào rừng để tiếp tế cho bộ đội. Bọn giặc biết bà con trong buôn Ea M’droh nuôi giấu cán bộ cách mạng nên vô cùng tức giận và tìm cách diệt hậu phương kháng chiến.

Năm 1962, đúng một năm sau khi bà đi thoát ly ở tỉnh Quảng Đức (tỉnh Đắk Nông bây giờ) thì hay tin giặc đốt làng. Bà mất đi đứa em gái út chưa đầy 8 tuổi trong đợt càn quét năm ấy. Đó là chuyện bi thương của đời người và nỗi đau của buôn làng mà bà không thể nào quên được. Căm thù quân giặc, bà H'Răng càng một lòng son sắt đi theo Đảng, quyết tiêu diệt bọn cướp nước.

Trưởng buôn Y Rang Niê Kđăm kể: Cái ngày địch đến đốt buôn, ông chỉ là đứa trẻ nhỏ. Nhà cửa, lương thực, trâu bò bị đốt sạch. Cả buôn chìm trong biển lửa. Gia đình ông cùng 35 hộ dân trong buôn phải chạy vào rừng trú ẩn. Kẻ thù hung tàn đã thiêu rụi toàn bộ nhà cửa, tài sản của người dân. Cũng từ sau đợt càn quét đó, buôn Ea M’droh được người dân đặt cho cái tên “buôn Cháy” để ghi nhớ nỗi đau do kẻ thù gây ra.

Buôn Ea M'droh hôm nay.
Buôn Ea M'droh hôm nay.

Sau ngày đất nước thống nhất năm 1975, 36 hộ dân tìm về “buôn Cháy” nơi chôn nhau cắt rốn để lập lại buôn làng, xây dựng cuộc sống mới trên đống tro tàn ngày nào. Mọi người cùng cắt tranh, tre nứa, giúp nhau dựng nhà; rồi chia nhau lên rừng kiếm thức ăn, sang các buôn làng khác để xin hạt giống lúa, bắp về trồng. Đời sống đói, khổ, nghèo nàn, lam lũ có đủ, nhưng bà con sống với nhau nặng nghĩa tình. Bà H'Răng Niê tâm sự, những ngày thoát ly theo cách mạng, trong tâm tưởng của những người con trong buôn như bà vẫn đau đáu nhớ về buôn làng, khao khát được quay về chính buôn Ea M’droh để sống tiếp phần đời còn lại. Giờ thì bà không chỉ toại nguyện mà còn thấy phấn khởi trong lòng vì chứng kiến buôn làng đang đổi thay từng ngày, được sống trong sự cưu mang, quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự đùm bọc của bà con buôn làng.

Buôn Ea M’droh nhận được nhiều sự quan tâm đặc biệt của các cấp, các ngành. Năm 1994, bộ đội Đắk Lắk cùng chính quyền địa phương về dựng 66 ngôi nhà dài và 33 giếng nước tặng bà con. Những chương trình khuyến nông do huyện, xã tổ chức đã giúp đồng bào từng bước áp dụng khoa học kỹ thuật - công nghệ vào sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi diện tích hoa màu kém hiệu quả sang các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như cà phê, điều, hồ tiêu. Buôn Ea M'droh giờ đã có 265 hộ, với 1.057 nhân khẩu, hơn 95% là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Theo Trưởng buôn Y Rang Niê Kđăm, nhờ sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước, hiện trong buôn đã có điện, có trường, có công trình nước sạch, đường giao thông được trải nhựa phẳng lì, sạch sẽ. Bà con buôn căn cứ cách mạng Ea M'droh luôn đồng lòng chung sức xây dựng cuộc sống  mới ngày một ấm no, hạnh phúc, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và xứng đáng với mảnh đất giàu truyền thống cách mạng. Đời sống của người dân đang đổi thay từng ngày. Hiện toàn buôn chỉ còn 10 hộ nghèo. Ông Y Rang vui mừng nói: “Điều đáng mừng nhất là trong buôn hiện có hơn 20 người học đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp. Bà con đã bỏ đi nhiều hủ tục lạc hậu và hình thành nếp sống văn hóa mới”.

Người già, trẻ trong buôn căn cứ cách mạng Ea M'Doh kể lại hồi ức một thời buôn bị đốt cháy thành tro tàn.
Người già, trẻ trong buôn căn cứ cách mạng Ea M'droh kể lại hồi ức một thời buôn bị đốt cháy thành tro tàn.

Bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch UBND xã Ea M’droh cho biết, người dân buôn Ea M'droh hôm nay đang tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, chung sức chung lòng phát triển kinh tế xã hội, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no hạnh phúc. Địa phương đang hướng đến xây dựng buôn Ea M’droh trở thành buôn du lịch cộng đồng nhằm tạo điều kiện cho người dân, du khách đến tham quan, tìm hiểu về vùng đất, con người kiên trung, một lòng theo cách mạng. Đảng ủy và chính quyền xã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức về xây dựng nông thôn mới, xây dựng nét đẹp văn hóa tại buôn làng.

Đỗ Lan

 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.