Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Pắc: Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

09:01, 15/12/2020

Gần gũi với người dân, khéo nói, khéo làm, những người có uy tín trên địa bàn huyện Krông Pắc đã phát huy vai trò nòng cốt đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân.

Chi hội Tin lành Ea Phê hiện quản lý trên 2.500 tín đồ của các buôn: Phê, Ea Su, Păn A và Păn B (xã Ea Phê). Đa số bà con làm nông nghiệp nhưng canh tác còn lạc hậu, phụ thuộc vào tự nhiên, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Để “mở hướng” giúp người dân phát triển kinh tế, sau thời gian sinh hoạt tôn giáo, Mục sư Y Nhiam Niê Trei, Quản nhiệm Chi hội Tin lành Ea Phê đã khéo léo lồng ghép tuyên truyền, vận động bà con phá bỏ độc canh, phát triển đa cây, đa con. Để làm gương, ông tiên phong trồng xen các loại cây ăn quả trong vườn cà phê, phát triển chăn nuôi rồi hướng dẫn bà con làm theo. Ông còn vận động những người trong Ban quản nhiệm và tín đồ có kinh tế khá giúp người dân về cây, con giống. “Mưa dầm thấm lâu”, dần dần bà con trong buôn đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, đầu tư mua máy móc phục vụ sản xuất, nhiều hộ lắp đặt béc tưới tự động, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao thu nhập.

Lãnh đạo UBND huyện Krông Pắc gặp gỡ, trao đổi về việc thực hiện công tác tuyên truyền, vận động của mục sư  Y Nhiam Niê Trei (thứ hai từ phải sang).
Lãnh đạo UBND huyện Krông Pắc gặp gỡ, trao đổi về việc thực hiện công tác tuyên truyền, vận động của mục sư Y Nhiam Niê Trei (thứ hai từ phải sang).

Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, Mục sư Y Nhiam đã phối hợp cùng chính quyền địa phương và các đoàn thể vận động người dân các buôn trong xã hiến đất, mở rộng đường, đóng góp tiền, ngày công xây dựng trường học, đường giao thông, kéo điện chiếu sáng. Khi gia đình tín đồ trong buôn có việc hiếu, việc hỷ, ông đều vận động bà con đến hỗ trợ, giúp đỡ, tạo sự gắn kết tình làng nghĩa xóm. Trong các buổi sinh hoạt đạo, Mục sư Y Nhiam lồng ghép thông báo, truyền đạt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương để người dân kịp thời nắm bắt, làm theo. Mục sư Y Nhiam chia sẻ: “Mình là mục sư, tiếng nói của mình được bà con tin tưởng nên cần tuyên truyền làm sao cho bà con, tín đồ hiểu được dân tộc nào, tín ngưỡng nào thì cũng đều là người Việt Nam nên cần sống “Tốt đời đẹp đạo” cùng đoàn kết, góp sức xây dựng địa phương phát triển”.

 
“Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân, có nhiều đóng góp thiết thực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự địa phương”.
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc Ngô Thị Minh Trinh

Gắn bó với buôn làng, chứng kiến những thăng trầm, nghèo đói, lạc hậu trong cuộc sống của bà con, ông Y Bhem Knul được bầu chọn là người có uy tín buôn Jắt B (xã Ea Hiu) luôn tự nhủ cần giúp bà con thay đổi. Không chỉ phối hợp với cấp ủy, ban tự quản buôn tổ chức họp dân, phát động quần chúng, ông còn gần gũi nắm bắt tình hình của từng hộ trong buôn để có cách tuyên truyền, vận động phù hợp. Khi địa phương triển khai xây dựng nông thôn mới, ông đã phân tích cho người dân hiểu chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Nói về kinh nghiệm vận động người dân, ông Y Bhem cho biết: “Buôn Jắt B là buôn đặc biệt khó khăn của xã Ea Hiu. Trước đây bà con trong buôn vẫn mang nặng tư tưởng trông chờ, ỷ lại nên làm dân vận phải khéo và kiên trì. Những hộ chưa “thông” thì mình đến tận nơi phân tích, giảng giải, đi ngày không gặp thì tranh thủ đi ban đêm, đi một lần chưa được thì đi nhiều lần. Mỗi đối tượng người già, trẻ nhỏ, thanh niên mình có cách vận động khác nhau”. Là người có uy tín tiêu biểu, nhiều lần được ra Hà Nội dự hội nghị, đi viếng Lăng Bác, tham quan các di tích lịch sử, văn hóa, ông Y Bhem đều về nói chuyện lại cho bà con nghe về sự đổi thay, phát triển của đất nước, hướng mọi người đến sự đoàn kết, cảnh giác với lời xúi giục của kẻ xấu, bám trụ buôn làng để xây dựng cuộc sống no ấm hơn. Nhờ khéo vận động và làm gương của ông Y Bhem, hầu hết các hộ trong buôn Jắt B và các buôn lân cận đều đồng thuận dời hàng rào, hiến đất mở rộng đường, đóng góp xây dựng 12 tuyến đường nội buôn, kéo điện thắp sáng các trục đường chính.

Đường giao thông buôn Phê (xã Ea Phê) do Nhà nước và nhân dân cùng làm.
Đường giao thông buôn Phê (xã Ea Phê) do Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Huyện Krông Pắc hiện có 103 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Để người có uy tín phát huy được vai trò của mình, thời gian qua, huyện đã tổ chức các hội nghị, cuộc họp phổ biến chủ trương của Đảng, chỉ thị, nghị quyết, chính sách, pháp luật của Nhà nước; mời người có uy tín dự các cuộc mít tinh, tọa đàm, nói chuyện thời sự; tổ chức đi tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình sản xuất giỏi; tổ chức các hội nghị gặp mặt, biểu dương, khen thưởng người có uy tín. Bên cạnh đó, huyện tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, cấp báo cho người có uy tín; thăm hỏi, hỗ trợ vật chất khi người có uy tín và người thân của họ ốm đau, hoạn nạn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc Ngô Thị Minh Trinh đánh giá: Những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số luôn phát huy vai trò trung tâm đoàn kết trong cộng đồng dân cư, tập hợp quần chúng, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, chủ động tham gia giải quyết kịp thời những mâu thuẫn từ cơ sở, tham gia các hoạt động xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.