Multimedia Đọc Báo in

Tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng toàn quốc giai đoạn 2013 - 2020

19:11, 12/12/2020

Sáng 12-12, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng toàn quốc giai đoạn 2013 - 2020.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng - Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk có các đồng chí: Phạm Minh Tấn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Y Biêr Niê, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan. 

sd
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: TTXVN

Theo báo cáo tại hội nghị, từ khi thành lập Ban Chỉ đạo (tháng 2-2013), cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội; góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội…

Từ năm 2013 đến nay, các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và địa phương đã khởi tố, điều tra 14.300 vụ/24.410 bị can, xét xử sơ thẩm hơn 11.700 vụ/22.600 bị cáo về tham nhũng, kinh tế, chức vụ. Riêng Ban Chỉ đạo từ khi thành lập đến nay đã đưa 800 vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi. Trong đó, Ban Chỉ đạo trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 133 vụ án, 94 vụ việc, đã xét xử sơ thẩm 86 vụ án/814 bị cáo, với mức án rất nghiêm khắc, nhưng cũng rất nhân văn, có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe phòng ngừa tham nhũng hiệu quả, tạo bước đột phá trong công tác phát hiện và xử lý tham nhũng.

Cùng với đó, các cơ quan bảo vệ pháp luật đã tạm giữ, kê biên, phong tỏa, thu hồi được gần 68.000 tỷ đồng/118.000 tỷ đồng phải thu hồi (đạt tỷ lệ 57,39%). 

sd
Các đại biểu tham dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk

Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán được tăng cường, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh nhiều sai phạm; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước, góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.

Trong giai đoạn 2013 - 2020, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 131.000 đảng viên. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, đã thi hành kỷ luật hơn 87.000 cán bộ, đảng viên, trong đó, có trên 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng; thi hành kỷ luật hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (27 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, hơn 30 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang). Đây là bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng.

Từ năm 2013 đến nay, các cơ quan thanh tra, kiểm toán cũng đã kiến nghị xử lý trách nhiệm hơn 14.000 tập thể và cá nhân sai phạm; chuyển cơ quan điều tra hơn 650 vụ việc có dấu hiệu tội phạm; kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 700.000 tỷ đồng, hơn 20.000 ha đất…

Bên cạnh những kết quả đạt được, hội nghị cũng đã chỉ ra một số mặt tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng cần khắc phục như: Công tác phòng, chống tham nhũng ở một số địa phương, bộ, ngành chưa có sự chuyển biến rõ nét; phát hiện, xử lý tham nhũng còn hạn chế; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát còn thấp; công tác kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ các cơ quan, ban ngành vẫn là khâu yếu; công tác giám định, định giá tài sản vẫn còn bất cập; vẫn xảy ra sai phạm, tham nhũng trong các cơ quan phòng chống tham nhũng. Cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội và phòng chống tham nhũng trên một số lĩnh vực còn sơ hở, chưa thật đầy đủ, đồng bộ. Việc thực hiện một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng còn mang tính hình thức, hiệu quả thấp…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kiên trì xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; tập trung đẩy mạnh hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội, phòng chống tham nhũng, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, tạo hành lang chính trị, pháp lý hoàn chỉnh, thống nhất, đồng bộ, hình thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ, hiệu quả, khả thi; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân, doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng…

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.