Multimedia Đọc Báo in

Quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc

15:32, 27/01/2021

Sáng 27-1, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng bước sang ngày làm việc chính thức thứ hai, các đại biểu tham gia thảo luận tại Hội trường. Thay mặt Đoàn Chủ tịch, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc điều hành phiên làm việc.

Trong phiên thảo luận, các đại biểu đã phân tích làm rõ các nội dung về: Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; Củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, tiếp tục xây dựng Quân đội nhân dân cach mạng chính quy tinh nhuệ, hiện đại; Tiếp tục đổi mới toàn diện, xây dựng lực lượng Công an nhân trong sạch vững mạnh, phát huy vai trò nòng cốt giữ vững an ninh quốc gia, bảo vệ trật tự an toàn xã hội, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; Phát huy phương châm “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân", thực hiện có hiệu quả công tác cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; Xây dựng nền tài chính quốc gia theo hướng hiện đại theo yêu cầu bền vững của đất nước; Tiếp tục đổi mới công tác dân vận của Đảng, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân; Xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội văn minh hiện đại, xứng đáng là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế; Phát triển kinh tế tri thức, kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn tại TP. Hồ Chí Minh…

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc điều hành phiên thảo luận tại Đại hội
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc điều hành phiên thảo luận tại Đại hội.

Các tham luận tập trung đánh giá tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII gắn với việc đánh giá 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đóng góp ý kiến về phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới (2021 - 2025), mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển đất nước tới năm 2045.

Theo dự thảo văn kiện trình Đại hội, Đại hội XIII tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy ý chí và quyết tâm phát triển đất nước, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu để đến giữa thế kỷ 21, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Mục tiêu cụ thể, đến năm 2025, nước ta là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Chủ tịch
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày tham luận tại Đại hội.

Trình bày tham luận tại Đại hội, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN cho rằng: Để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, cả hệ thống chính trị cần quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc và Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam; thực hiện nhất quán quan điểm: Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; tạo môi trường thuận lợi để nhân dân phát triển tài năng, sức sáng tạo, mang lại lợi ích cho đất nước.

Lê Hồng Quang, Bí thư Đảng uỷ, Phó Bí thư Ban cán sự đảng, Phó Chánh án thường trực Tòa án nhân dân tối cao trình bày tham luận.
Bí thư Đảng uỷ, Phó Bí thư Ban cán sự đảng, Phó Chánh án Thường trực TAND Tối cao Lê Hồng Quang trình bày tham luận.

Đồng chí Lê Hồng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chánh án Thường trực TAND Tối cao cho rằng: Cần thiết phải xây dựng và ban hành Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về chiến lược cải cách tư pháp mới trong giai đoạn 2020 - 2030, định hướng đến năm 2045 làm cơ sở về chính trị, quyết tâm đổi mới của Đảng trong lĩnh vực tư pháp. Trên tinh thần tiếp tục phát huy phương châm “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”, nhằm xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính trình bày tham luận.
Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính trình bày tham luận.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định: Một trong những khía cạnh quan trọng thể hiện sự thịnh vượng, phồn vinh của một quốc gia là sức mạnh của nền tài chính quốc gia; bao gồm cả tài chính Nhà nước, tài chính doanh nghiệp, tổ chức và tài chính dân cư; là nền tảng đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng phát triển kinh tế - xã hội. Với những bước phát triển tương đối toàn diện ở tất cả các khâu, các lĩnh vực, nền tài chính quốc gia đã có những đóng góp quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội thời gian qua.

Trong tham luận "Xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội văn minh hiện đại, xứng đáng là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế", đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng: Việc xây dựng và phát triển Thủ đô trở thành trung tâm chính trị - hành chính, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học, kinh tế, giao dịch quốc tế, không chỉ là trách nhiệm của riêng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội mà còn là sự chung tay, đồng lòng của cả nước. Chính vì vậy, Quốc hội cần sớm sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô nhằm tạo thể chế thuận lợi để xây dựng, phát triển Thủ đô nhanh và bền vững, từ đó tạo bước đột phá về thể chế gắn với điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, gắn với thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị, củng cố chính quyền nông thôn; có cơ chế riêng đối với Hà Nội trong việc đầu tư phát triển hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển văn hóa, khoa học - công nghệ và thực hiện chuyển đổi số.

Đoàn Đại biểu tỉnh Đắk Lắk tại phiên thảo luận.
Đoàn đại biểu của tỉnh Đắk Lắk tại phiên thảo luận.

Trước bối cảnh nền kinh tế thế giới đang biến đổi và phát triển toàn diện, chuyển từ kinh tế công nghiệp sang kinh tế tri thức, từ thực tiễn phát triển kinh tế tri thức tại TP. Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh đề xuất các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế tri thức trong thời gian tới. Đó là đổi mới cơ chế, chính sách, tạo lập một khuôn khổ pháp lý mới phù hợp với sự phát triển nền kinh tế tri thức; phát triển mạnh nguồn lao động chất lượng cao, nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài. Tăng cường năng lực khoa học - công nghệ quốc gia để có thể tiếp thu, làm chủ, vận dụng sáng tạo các tri thức khoa học - công nghệ mới nhất của thế giới; đầu tư phát triển mạnh mẽ hạ tầng công nghệ thông tin; ban hành các cơ chế, chính sách để hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp, hỗ trợ, khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; không ngừng cải cách, đổi mới để đảm bảo vai trò dẫn dắt, quản lý của Nhà nước đối với nền kinh tế...

Lê Hương

 

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.