Nguyễn Ái Quốc - từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Mác - Lênin
Vào những năm đầu thế kỷ 20, phong trào yêu nước của nhân dân Việt Nam rất sôi nổi, tràn đầy nhiệt huyết, nhưng lại lâm vào tình trạng khủng hoảng sâu sắc về đường lối chính trị. Trong hoàn cảnh ấy, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã quyết định ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức của thực dân.
Trong vòng 10 năm, từ năm 1911 đến năm 1920, Nguyễn Tất Thành đã tận dụng mọi cơ hội để được đến nhiều nơi trên thế giới thuộc các đại lục Âu, Á, Phi, Mỹ, đặc biệt Người đã dừng chân khảo sát khá lâu ở ba nước đế quốc lớn nhất thời đó là Mỹ, Anh và Pháp; từ đó xem xét, khảo nghiệm nhiều khía cạnh khác nhau trong đời sống phức tạp, đa dạng của nhân loại.
Với những chuyến đi, những cuộc khảo nghiệm đó, chủ nghĩa yêu nước ở Người có những chuyển biến mới. Người rút ra một kết luận có tính chất nền tảng đầu tiên: ở đâu bọn đế quốc, thực dân cũng tàn bạo, độc ác; ở đâu những người lao động cũng bị bóc lột, áp bức nặng nề và “dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ một mối tình hữu ái là thật mà thôi: tình hữu ái vô sản''.
Nguyễn Ái Quốc (ngồi hàng thứ nhất, bên trái) cùng một số đại biểu tham dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ V tại Liên Xô từ ngày 17-6 đến 8-7-1924. Ảnh tư liệu |
Để rồi khi được tiếp cận với Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin, Người đã đọc đi đọc lại nhiều lần và qua lăng kính chủ nghĩa yêu nước chân chính, Người tìm thấy ở đó con đường đi đúng đắn giải phóng đất nước khỏi ách thực dân. Từ sự chuyển biến tư tưởng chính trị khởi đầu với việc nghiên cứu Luận cương của V.I Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã đi đến một quyết định sáng suốt về tổ chức tại Đại hội Quốc tế cộng sản và thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Người trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và là người cộng sản Việt Nam đầu tiên.
Như vậy, từ một người dân thuộc địa, xuất phát từ chủ nghĩa yêu nước chân chính, Nguyễn Ái Quốc đã vượt qua muôn vàn khó khăn, trở ngại để tìm hiểu, khảo nghiệm cuộc sống của các dân tộc trên thế giới và trực tiếp tham gia phong trào công nhân của chính quốc là một nước công nghiệp phát triển, rồi tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin và trở thành người cộng sản. Tiêu chuẩn cao nhất cho sự lựa chọn và định hướng của Người là kiên quyết đứng về phía học thuyết và tổ chức cách mạng nào thực sự quan tâm đến cuộc sống và quyền lợi của các dân tộc bị áp bức, bênh vực, ủng hộ và chỉ ra con đường đúng đắn để giải phóng dân tộc. Trên đường đi tìm chân lý cho dân tộc, Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin từ một phương diện hết sức thực tế: Chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới có thể chỉ ra con đường đúng đắn để giải phóng dân tộc và đồng thời thực hiện được ba cuộc giải phóng vốn là ước mơ từ lâu của nhân loại là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người.
Tàu Amiral Latouche Tréville, con tàu đã đưa người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. Ảnh tư liệu |
Việc bỏ phiếu tán thành Quốc tế Cộng sản đánh dấu một bước ngoặt quyết định trong cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Ái Quốc và cũng là sự khởi đầu một bước ngoặt căn bản trong lịch sử và sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam. Thực hiện bước ngoặt đó, Người đã hoàn tất chặng đường đầu của hành trình cứu nước, đã tìm ra chân lý của thời đại và bắt đầu cuộc đấu tranh đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân ta vào quỹ đạo cách mạng vô sản thế giới bằng việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin về nước, chuẩn bị dần dần, từng bước về tư tưởng, chính trị và tổ chức cho sự ra đời một Đảng mác xít ở Việt Nam - nhân tố cơ bản, đầu tiên bảo đảm mọi thắng lợi của cách mạng nước ta.
Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã lựa chọn đúng con đường cứu nước, tổ chức và cùng với Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhân dân ta tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 giành thắng lợi, thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, đánh dấu mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc: giành độc lập dân tộc và đi lên chủ nghĩa xã hội.
Đinh Duy Linh
Ý kiến bạn đọc