Văn kiện Đại hội XIII của Đảng: Kiểm soát chặt việc quản lý và sử dụng đất đai
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII được kỳ vọng Đảng ta đưa ra quan điểm mới, những chủ trương, chính sách lớn, mang tính đột phá làm cơ sở cho công tác quản lý và sử dụng tài nguyên đất hiệu quả. Và thực tế Đại hội lần này đã cơ bản đáp ứng được mong đợi đó của thực tiễn đời sống.
Trước hết, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định đúng những hạn chế liên quan đến vấn đề đất đai: “Việc khai thác, sử dụng, định giá đất còn nhiều hạn chế, chưa sát thực tế, nhất là trong vấn đề xác định thuế, địa tô, gây thất thu ngân sách nhà nước”. Chính hạn chế này đang cản trở việc hình thành thị trường đất đai minh bạch, góp phần hình thành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đúng nghĩa ở nước ta; là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng khiếu nại, tố cáo kéo dài và nhiều hệ lụy khác trong xã hội hiện nay, thậm chí đây là nguyên nhân của nhiều vụ tham nhũng lớn những năm qua.
Đại hội Đảng lần này còn xác định nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay đối với vấn đề đất đai ở nước ta là: “Thực hiện đăng ký bắt buộc về quyền sử dụng đất”. Sở dĩ nhiệm vụ này rất quan trọng và cần thực hiện ngay vì chỉ khi việc đăng ký quyền sử dụng đất hoàn thành thì Nhà nước mới thuận lợi trong việc quản lý, quy hoạch đất đai; từ đó đưa ra các biện pháp quản lý, sử dụng hợp lý, hiệu quả. Đây cũng là cách thức để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người sở hữu quyền sử dụng đất. Trong thực tế, công tác này chưa được người dân, các tổ chức nhận thức đúng và thực hiện nghiêm túc.
Người dân thực hiện thủ tục hành chính về đất đai tại Bộ phận một cửa huyện Krông Năng. Ảnh: Thanh Hường |
Ngoài hai nội dung trên thì chủ trương, chính sách của Đảng về đất đai trong Văn kiện Đại hội XIII thể hiện tập trung nhất trong mục IX – “Quản lý và sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu” tại Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Đây là lần đầu tiên vấn đề đất đai được đưa lên làm tên của một mục trong nội dung của văn kiện Đảng, điều đó thể hiện tầm quan trọng của vấn đề này trong nhận thức của Đảng ta. Trong mục này Đảng đã đưa ra những chủ trương, chính sách hoàn toàn mới đối với vấn đề đất đai, cụ thể:
(1) Xây dựng chiến lược, hoàn thiện hệ thống thể chế quản lý, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, trọng tâm là đất đai. Hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách về đất đai.
(2) Nâng cao chất lượng công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, hiện đại hóa lĩnh vực địa chính, dịch vụ công về đất đai. Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, bền vững, hiệu quả, tiết kiệm trong sử dụng đất.
(3) Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách thúc đẩy tích tụ, tập trung đất nông nghiệp, khắc phục tình trạng manh mún, tạo điều kiện thu hút đầu tư, ứng dụng cơ giới hóa và công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Nâng cao hiệu quả sử dụng đất, ngăn chặn tình trạng để đất hoang hóa, sử dụng đất lãng phí, tăng cường quản lý, khắc phục suy thoái đất.
(4) Quản lý và sử dụng hiệu quả đất công, đất có nguồn gốc nông, lâm trường. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý sử dụng đất, kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm các vi phạm, tranh chấp, lấn chiếm đất đai. Kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, trục lợi, làm thất thoát nguồn thu ngân sách liên quan đến đất.
(5) Hoàn chỉnh công tác điều tra cơ bản, đánh giá, xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên đất.
Những nội dung này nếu so với quan điểm ở Đại hội Đảng XII là: “Đổi mới công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai; thúc đẩy sử dụng đất tiết kiệm, hợp lý, có hiệu quả; kết hợp bảo vệ diện tích, độ phì nhiêu của đất nông nghiệp” thì phong phú hơn, sâu sắc hơn, sát với thực tiễn công tác quản lý đất đai hơn, và quan trọng nhất là đều hướng vào tháo gỡ những hạn chế của công tác quản lý và sử dụng đất đai đang tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Những chủ trương, chính sách trên của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sẽ là cơ sở để các cơ quan, các cấp có thẩm quyền nhanh chóng triển khai, áp dụng vào thực tiễn giúp đất nước ta khai thác được giá trị tài nguyên đất – hiện vẫn được coi là tài nguyên quan trọng hàng đầu trong phát triển kinh tế - xã hội của nước ta – một cách bền vững.
Ths. Vũ Thị Ngọc
Trường Chính trị tỉnh Đắk Lắk