Multimedia Đọc Báo in

Cấp ủy thời 4.0 (Kỳ cuối)

08:15, 14/07/2021

Kỳ cuối: Bàn đạp cho hành trình mới

Tư duy nhanh nhạy thời 4.0, xắn tay vào công việc ngay từ đầu nhiệm kỳ, nhiều cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng đã năng động, quyết liệt, sớm ban hành và chỉ đạo thực hiện những nghị quyết, nhiệm vụ có thể xem như bàn đạp cho hành trình mới.


Nắm bắt, gọi đúng tên, đánh trúng vào những khâu yếu, mặt yếu, một số cấp ủy chính quyền đã và đang triển khai thực hiện các nghị quyết, giải pháp có tính căn cơ, tháo gỡ dần những nút thắt, tạo động lực, sự hứng khởi trên con đường phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mình.

Khởi động thực hiện nghị quyết với ngân sách... 0 đồng

Huyện Lắk từ lâu đã ghi tên mình vào cẩm nang du lịch của tỉnh và cả nước với những địa danh, sản phẩm du lịch độc đáo như: Hồ Lắk, Biệt điện Bảo Đại, buôn Jun, buôn Lê, Nhà bảo tồn cộng đồng buôn Mliêng, hang đá Ba Tầng, thác Bìm Bịp; các lễ hội, nghề thủ công truyền thống. Nhưng nội lực của ngành du lịch không khói ở địa phương này thực sự còn khiêm tốn, chưa đủ sức để vực dậy và phát huy sức mạnh tiềm năng, lợi thế sẵn có.

Ngay sau Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Lắk khóa XV, nhiệm kỳ 2020 – 2025, một nghị quyết chuyên đề được ban hành, có thể coi là một “mũi giáp công” để đánh trúng, tháo gỡ điểm yếu trên. Đó là Nghị quyết số 02-NQ/HU, ngày 13-10-2020 của Huyện ủy Lắk về “Tập trung huy động các nguồn lực nhằm xây dựng và phát triển huyện Lắk trở thành khu du lịch trọng điểm của tỉnh Đắk Lắk vào năm 2030”.

 Từ nguồn xã hội hóa,  nhiều người dân  vùng khó khăn  của huyện Lắk  được hỗ trợ cây mít Thái  siêu sớm.
Từ nguồn xã hội hóa, nhiều người dân vùng khó khăn của huyện Lắk được hỗ trợ cây mít Thái siêu sớm.

Diện mạo một huyện Lắk xanh - sạch thực sự đã hiện hữu khá rõ nét khi sau một thời gian ngắn triển khai, đến nay hơn 10.000 cây xanh được trồng từ trung tâm thị trấn Liên Sơn, khu vực hoa viên đến các khu dân cư tập trung, trong các cơ quan, trường học, bệnh viện, các khu di tích lịch sử, danh lam, thắng cảnh, đường liên thôn, liên xã… tạo cảnh quan đẹp cho khuôn viên công cộng, công sở. Huyện đã hình thành nhiều tuyến đường cây xanh như Âu Cơ, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Huệ, Nguyễn Tất Thành… với các loại cây bằng lăng rừng, hoa chuông vàng, kèn hồng, mai anh đào, phượng tím, hoa giấy. Điều quan trọng là ngân sách để khởi động thực hiện Nghị quyết số 02 là 0 đồng, bởi việc trồng cây được xã hội hóa.

Cách làm, bước khởi động làm bàn đạp trong thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/HU, ngày 5-3-2021 của Huyện ủy Lắk về lãnh đạo thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giai đoạn 2021 - 2025  cũng bằng hình thức xã hội hóa. Đây chính là “mũi giáp công” thứ hai mà Huyện ủy chỉ đạo thực hiện để làm sáng hơn bức tranh nông nghiệp của địa phương. Huyện đã tích cực kêu gọi và được các đơn vị kết nghĩa, doanh nghiệp, tổ chức trong, ngoài tỉnh nhiệt tình hưởng ứng. Nguồn kinh phí huy động được dành để mua giống cây mít Thái siêu sớm về hỗ trợ cho người dân trồng trong vườn nhà, trước tiên là ở 90/127 buôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Trước mắt, mít Thái được xác định là cây “đa mục tiêu”: phủ xanh đất trống trong vườn, tạo sinh kế, cải thiện thu nhập cho người dân, hoặc làm thức ăn cho gia súc. Bí thư Đảng ủy xã Yang Tao Nguyễn Văn Huyên đánh giá: “Hiếm có nghị quyết nào mà người dân thuộc tên, nhớ nhanh như Nghị quyết số 05. Đi đến đâu, cũng nghe bà con bàn về việc trồng, chăm sóc cây mít Thái”.

Chỉ hơn 2 tháng triển khai, đến nay, huyện đã huy động xã hội hóa trồng được hơn 15.000 cây ăn trái chủ yếu là mít Thái ở tất cả các buôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Bí thư Huyện ủy Võ Ngọc Tuyên chia sẻ, chủ trương xã hội hóa việc trồng cây ăn trái theo tinh thần Nghị quyết số 05 không chỉ giảm gánh nặng cho ngân sách huyện mà còn thu hút các nguồn hỗ trợ, đầu tư, tạo sức lan tỏa và khí thế mới trong toàn huyện. Nghị quyết đã tạo chuyển biến mạnh mẽ về tư duy của chính quyền các cấp, xác định rõ phương hướng, mũi nhọn cấp bách cần thực hiện và chiến lược dài hơn để hành động.

Để người dân bớt những "canh bạc" với trời

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Ea Wer (huyện Buôn Đôn) lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã xác định các nhiệm vụ: Phấn đấu từ nay đến năm 2025 chuyển đổi cơ cấu cây trồng đạt 70% từ vườn tạp sang các loại cây trồng có năng suất, sản lượng, giá trị kinh tế cao. Bố trí xây dựng nhiều mô hình tổ chức sản xuất, gắn khuyến nông với công tác bảo vệ thực vật, cơ cấu cây trồng chú ý đến nguồn nước tưới. Khuyến khích kinh tế hộ gia đình nâng dần quy mô chăn nuôi. Tiếp tục hướng dẫn tạo điều kiện phát triển các hình thức kinh tế tổ hợp tác và hợp tác xã nông nghiệp…

Nâng cấp kênh N1 trên địa bàn xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn.
Nâng cấp kênh N1 trên địa bàn xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn.

Đảng ủy chính quyền xã Ea Wer đã và đang hiện thực hóa những nhiệm vụ giải pháp ấy bằng những công trình, bước đi cụ thể, có tính tác động lớn. Bài toán đang tìm lời giải bấy lâu ở xã đặc biệt khó khăn này là câu chuyện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi để giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế. Bí thư, Chủ tịch UBND xã Ea Wer Ngô Lan Anh bày tỏ: Chị đã “giật mình” khi trong một hội nghị được nghe một nông dân đề đạt nguyện vọng với lãnh đạo xã tạo điều kiện để thành lập hợp tác xã chăn nuôi heo rừng. Ý kiến ấy đã khiến chị “sáng” ra nhiều điều về việc tìm hướng thay đổi cách thức tổ chức sản xuất cho người dân. Trăn trở cùng nông dân, Đảng ủy, UBND xã đã kêu gọi một số hộ có kinh nghiệm chăn nuôi, nguồn vốn để thành lập hợp tác xã.

 Sau nhiều lần tính toán độ khả thi, tháng 5 vừa qua, Hợp tác xã heo rừng Buôn Đôn ra đời với 7 thành viên. Với quy mô ban đầu là sản xuất con giống, Hợp tác xã hiện có trên 100 con heo nái; trung bình mỗi năm sinh nở 2 lứa, ít nhất được khoảng 700 heo con. Đây là hợp tác xã thứ hai trên địa bàn xã, thể hiện quyết tâm của địa phương trong việc tìm hướng thay đổi phương thức chăn nuôi của người dân theo như tinh thần nghị quyết.

 Người dân Ea Wer đã mất rất nhiều thời gian loay hoay với trồng cây gì nuôi con gì, cay đắng nhất là câu chuyện trồng tiêu ồ ạt trước đây khiến không ít gia đình sạt nghiệp. Bám sát nghị quyết của nhiệm kỳ, cấp ủy, chính quyền xã đã định hướng nông dân chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây ăn quả. Hiện nay diện tích cây ăn quả của xã khoảng 280 ha, bước đầu đánh giá khả năng thích nghi tương đối tốt và chất lượng, năng suất sản phẩm ngày càng tăng. Đây cũng là bước đệm để sắp tới, Đảng ủy xã tiếp tục định hướng xây dựng hợp tác xã trồng cây ăn trái trên địa bàn.

Song hành với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, cấp ủy, chính quyền xã Ea Wer đã và đang nỗ lực đề đạt để được cấp trên quan tâm đầu tư nâng cấp các công trình thủy lợi - "chiếc chìa khóa" để giúp nông dân bớt những "canh bạc" với trời. Tuyến kênh cung cấp nước chính cho xã là kênh cánh đồng mẫu lớn, chạy dài từ phía Đông sang phía Tây xã với tổng chiều dài toàn tuyến 9.180,82 m, qua các thôn 7, 8, 9; các buôn Tul A, Tul B. Công trình thủy lợi này gánh trọng trách đảm nhận tưới cho diện tích khoảng 100 ha, bảo đảm nguồn nước cho chăn nuôi gia súc, sinh hoạt và cung cấp nước cho hồ trung chuyển thuộc buôn Tul A. Qua quá trình vận hành khai thác, hệ thống kênh N1 đã bị xuống cấp khá nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến việc điều tiết nước tưới. Mùa khô thì việc canh tác khó khăn do thiếu nước, mùa mưa thì ngập lụt.

Gần 21 năm từ huyện Ea Súp về sinh sống tại địa bàn thôn 7, gia đình bà Đỗ Thị Quyên đã quá quen với cảnh ngập lụt. Bà Quyên kể: Tuyến kênh N1 xuống cấp, khiến mỗi mùa mưa đến nước lũ thoát không kịp. Có năm nước vào nhà vài lần, như năm 2019, nước lên cao, cả nhà bà thức trắng đêm chạy lũ. Diện tích hoa màu canh tác nhiều vụ mất trắng. Nỗi niềm của bà Quyên cũng là tình cảnh chung của người dân thôn 7.

Tại các hội nghị, diễn đàn của tỉnh, của huyện, lãnh đạo xã Ea Wer đã nhiều lần phản ánh nguyện vọng của bà con, có ý kiến và đề xuất giải pháp khắc phục. Nhờ sự vào cuộc đồng lòng và bền bỉ ấy, đến nay, tuyến kênh N1 đã và đang được huyện đầu tư nâng cấp, cải tạo. Ông Đỗ Bá Bắc, Thôn trưởng thôn 7 cho hay, người dân trên địa bàn đã mong mỏi điều này từ rất lâu rồi.

Kênh N1 là công trình trọng điểm bởi khi hoàn thành và đưa vào vận hành không chỉ có ý nghĩa với sinh hoạt và sản xuất hiện tại của người dân trên địa bàn mà còn mang tính chiến lược. Đó là định hướng cho việc hình thành mạng lưới thủy lợi; là bàn đạp cho quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn của địa phương.

Trái ngọt trên chặng đường mới ở địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn như Ea Wer được kỳ vọng bằng những nhiệm vụ trọng yếu đang được thực thi có tính chất bàn đạp như thế…

Để phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể: Ưu tiên bố trí kinh phí thực hiện hiệu quả các Chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 và các đề án bảo tồn quỹ gen của tỉnh; Kế hoạch triển khai cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trên địa bàn tỉnh. Bổ sung chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp trở thành chủ thể chính của thị trường khoa học và công nghệ, tích cực đầu tư nguồn lực cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển và đổi mới sáng tạo để đổi mới công nghệ, phát triển phần mềm, nâng cao năng lực quản trị sản xuất - kinh doanh. Tiếp tục đầu tư để nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ cho các cơ quan chuyên môn và nghiên cứu khoa học, đủ mạnh để tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư...


Đàm Thuần - Quỳnh Anh - Đỗ Lan


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.