Thiêng liêng những hành trình...(Kỳ 1)
Tri ân các anh hùng liệt sĩ đã trở thành đạo lý ngàn đời của toàn dân tộc Việt Nam, được lớp lớp thế hệ hun đúc mỗi ngày bằng những việc làm chân thành, ý nghĩa.
Dẫu trên hành trình ấy còn lắm bộn bề, gian nan, nhưng những người con được hưởng hòa bình, độc lập hôm nay luôn cố gắng hết mình để ngọn lửa tri ân cháy mãi…
Kỳ 1: Những bước chân không mỏi
Đội K51 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm là tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ hy sinh qua các thời kỳ chiến tranh trong nước và trên địa bàn tỉnh Mondulkiri (Vương quốc Campuchia).
20 năm kể từ ngày thành lập, cán bộ, chiến sĩ Đội K51 luôn khắc ghi chức trách, nhiệm vụ thiêng liêng. Trên đất bạn mỗi mùa khô, bước chân của các anh vẫn bền gan vượt núi, lội sông trên địa bàn 4 huyện Bátchanđa, Cônhéc, Keosama, Ôrăng và thành phố Senmônôrum (tỉnh Mondulkiri) để tìm và đón đồng đội hy sinh trở về với đất mẹ.
Lặng thầm giữa thăm thẳm đại ngàn
Mùa khô 2019 - 2020, Đội K51 hai lần tổ chức tìm kiếm hài cốt liệt sĩ trên dãy núi thuộc xã Đắk Đam, huyện Ôrăng. Cái nắng gắt gao như muốn thiêu cháy tất cả, nhưng chưa đáng ngại bằng việc thiếu nước sinh hoạt. Các khe suối trên địa bàn lần lượt “khát” cạn, buộc các anh phải cõng bộ từng can nước sạch, di chuyển hàng chục ki-lô-mét đường chênh vênh đến điểm sinh hoạt tập trung, chắt chiu từng giọt dành để nấu ăn.
Lần theo sơ đồ mộ chí, trên dãy núi thuộc xã Đắk Đam có 14 mộ liệt sĩ chưa được quy tập, Đội K51 không quản hiểm nguy với ước mong tìm kiếm cho bằng được. Hằng ngày, khi nắng chưa kịp xuống vạt rừng, các anh đã rời lán trại, bắt đầu tìm kiếm dấu tích chôn cất. Họ thận trọng, tỉ mỉ đào xẻ đất đá các khu vực nghi ngờ, nhưng giữa thênh thang đại ngàn, ngày lại ngày, kết quả vẫn là ẩn số…
Đội K51 khảo sát vị trí chôn cất hài cốt liệt sĩ theo tin báo của người dân Campuchia. Ảnh: Quốc Khánh |
Thường xuyên làm nhiệm vụ tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ giữa không gian thâm u, cán bộ, chiến sĩ Đội K51 quá quen với chuyện ăn lán, ngủ rừng. Bám rừng hằng năm, các anh không quản ngại trèo đèo, lội suối, trung bình ban ngày có thể đi khoảng 3 – 3,5 km/giờ, ban đêm thì khoảng 2 km/giờ. Chưa kể có những thời điểm, Đội phải bám đường rừng từ 30 – 40 km/ngày cùng với hành trang mỗi người phải mang vác từ 35 – 40 kg để phục vụ việc sinh hoạt dài ngày.
Gần 8 năm gắn bó với nhiệm vụ của Đội, Thượng úy Hoàng Kim Thượng không xa lạ với những thử thách của rừng. Có khi giữa mùa khô, mưa bất ngờ đổ ập, như đánh thức mọi sinh vật đang ẩn nấp. Trên các con dốc trơn trượt gồ ghề, vắt ve, muỗi rừng xuất hiện dày đặc và tấn công bất cứ nơi nào có thể…
Kỷ vật nơi chiến trường
Trên những dặm dài đã qua, có vô vàn chuyến đi không kết quả gì, nhưng cũng có những tháng ngày, người lính K51 vừa tìm kiếm được mộ đồng đội hy sinh, vừa tìm được nhiều kỷ vật nơi chiến trường khốc liệt.
Cùng với Thượng tá Trịnh Ngọc Kiệm, Đội trưởng Đội K51 vào phòng lưu trữ di vật, chúng tôi lặng người trước hàng trăm di vật đã được đơn vị tìm thấy trong suốt 20 năm làm nhiệm vụ. Từ những thứ nhỏ nhặt nhất như cúc áo bộ đội, lọ thuốc penicilin, chiếc bình tông in dấu thời gian, cho đến tăng võng mục nát, ba lô sờn màu, súng đạn han gỉ… đều được Đội K51 lưu giữ cẩn thận như một lời khẳng định, không để bất cứ di vật gì của đồng đội bị lãng quên trên vùng đất xa xôi.
Từ năm 2001 đến nay, Đội K51 đã quy tập được 682 mộ liệt sĩ hy sinh trên đất bạn Campuchia. Riêng mùa khô 2020 - 2021, do tình hình dịch COVID-19 phức tạp, nên dù nhận được rất nhiều nguồn tin giá trị về mộ liệt sĩ, nhưng Đội chưa thể lên đường và vẫn luôn đau đáu ngày đón đồng đội hy sinh về lại với đất mẹ” . Thượng tá Đỗ Văn Thiệu, Chính trị viên Đội K51 |
Dãy bia trong căn phòng chiếm hơn nửa diện tích để đồ đạc. Đó là những tấm bia được làm từ đá rừng, tấm nhôm, có mặt phẳng để khắc tên và thông tin các liệt sĩ. Hoang hóa hàng chục năm giữa rừng, nhiều tấm bia đã vỡ nát, nhưng mỗi khi tìm thấy, Đội K51 cố gắng không bỏ sót một chút nào. Bởi theo các anh, đây là vật chứng đặc biệt cần cho quá trình xác minh danh tính hài cốt liệt sĩ.
Nhiều năm trước, được người dân huyện Bátchanđa chỉ đường, một tổ khảo sát của Đội đến khu vực núi Nậm Nia, tìm kiếm nhiều ngày liền và phát hiện 3 ụ mối to, nằm thẳng hàng, cách nhau 2 m. Nghi ngờ là vị trí chôn cất liệt sĩ, các anh đào sâu, xẻ hào xung quanh từng ụ mối thì phát hiện ụ nằm giữa có tăng võng, di cốt. Cẩn thận không bỏ sót thông tin, lực lượng đã mở rộng diện tích tìm và phát hiện tấm bia nhôm có đầy đủ thông tin liệt sĩ bị lớp lá rừng phủ dày che lấp. Từ đây, Đội tiếp tục kết nối đến nhiều nơi và tìm được thân nhân của liệt sĩ tại tỉnh Hà Tây. Một cuộc hội ngộ bất ngờ làm ấm lòng thân nhân gia đình sau hàng chục năm khắc khoải tìm kiếm…
Cũng nhờ những di vật biết nói này và sự nỗ lực không mệt mỏi của cán bộ, chiến sĩ Đội K51 mà từ năm 2001 đến nay đã giúp 121 mộ liệt sĩ có đầy đủ danh tính.
Các di vật của liệt sĩ được Đội K51 tìm thấy trong thời gian qua. |
Thượng tá Trịnh Ngọc Kiệm cho hay, thông thường các di vật được tìm thấy cùng với hài cốt liệt sĩ trên chiến trường Campuchia sau khi quy tập, Đội sẽ đặt di vật bên cạnh mẫu sinh phẩm, gói ghém gọn gàng và phủ ôm bằng lá cờ Tổ quốc. Một vài di vật còn lại, Đội tiếp tục mang về và sắp xếp gọn gàng trong phòng lưu trữ. Cứ thế, mỗi di vật là một câu chuyện về người chiến sĩ trên chiến trường, đó có thể là vật dụng dùng cho sinh hoạt bình thường, cũng có thể là những ngày đầy bom rơi đạn nổ…
Sống cùng thời gian, chuỗi di vật ấy trở thành những câu chuyện lịch sử sống động, để cán bộ, chiến sĩ hôm nay khắc ghi sâu hơn sự hy sinh của cha anh. Đó cũng là lời nhắc nhở da diết rằng, trên hành trình thực hiện nhiệm vụ dẫu có lắm gian truân, thì bộ đội K51 cũng luôn nỗ lực hết sức mình, bởi họ biết đâu đó giữa hoang lạnh rừng xanh vẫn còn những đồng đội đã hàng chục năm nằm lại…
(Còn nữa)
Kỳ 2: Tình bạn không biên giới
Quỳnh Anh