Vẹn nguyên ký ức của người cựu chiến binh
Hơn 46 năm đã trôi qua sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, nhưng những ngày tháng chiến đấu gian khổ, hào hùng vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của cựu chiến binh (CCB) Trịnh Xuân Chuyên (SN 1951, phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột).
Tháng 8-1969, khi vừa tròn 18 tuổi, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Chuyên (quê Hà Nam) đã hăng hái lên đường nhập ngũ. Sau khi huấn luyện 4 tháng, ông được điều vào chiến trường B2 (chiến trường miền Nam) và biên chế vào Đại đội 17, Trung đoàn 203, Quân khu C40 tham gia chiến đấu ở nước bạn Campuchia. Những năm thực hiện nhiệm vụ trên đất bạn, cán bộ, chiến sĩ chủ yếu ăn ở dã chiến, đời sống vật chất và tinh thần gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. “Dù khó khăn là vậy, nhưng anh em chúng tôi vẫn luôn động viên nhau, ai cũng vững tin vượt qua gian khó để hoàn thành nhiệm vụ được giao”, CCB Trình Xuân Chuyên bồi hồi nhớ lại.
CCB Trịnh Xuân Chuyên (bên trái) trò chuyện, ôn lại kỷ niệm với các CCB phường Ea Tam. |
Còn nhớ trong trận chiến khốc liệt mùa hè năm 1972, Đại đội 17 được phân công nhiệm vụ tham chiến tại tỉnh Xiêm Riệp (Campuchia). Lúc này ông Chuyên cùng hai đồng đội thuộc đơn vị hỏa lực phụ trách vận chuyển pháo ra bìa làng. Ngay khi thấy xe tăng của địch xuất hiện, Tiểu đội của ông liền dàn trận, sẵn sàng chiến đấu. Chỉ sau 2 phát bắn, xe tăng bốc cháy nhưng lại bị quân địch phát hiện. Ông Chuyên cùng hai đồng đội lập tức đưa pháo xuống, chạy đến nơi ẩn nấp. Tuy nhiên khi chưa kịp xuống hầm thì cơn mưa đạn, pháo từ phía địch đã dội xuống, 1 quả pháo nổ ngay trước miệng hầm, khi tỉnh lại ông Chuyên mới biết hai đồng đội của mình là Nguyễn Văn Thêu và Trần Văn Thùa đã hy sinh.
Kết thúc nhiệm vụ ở Campuchia, tháng 10-1973, ông Chuyên về Đắk Mil (thuộc tỉnh Đắk Nông ngày nay), biên chế vào Trung đoàn 271, Quân khu 4. Tháng 6-1974, nhận được lệnh từ Tiểu đoàn 8, Đại đội 2 xuất kích hỗ trợ Đại đội 1 trận đánh ở ngã ba Đắk Song. Khi Trung đội của ông vận chuyển vũ khí lên trận địa thì bị địch tấn công. Quá bất ngờ nên ông và đồng đội chỉ có thể lợi dụng gốc cây ẩn nấp. Trong trận đánh này, đồng đội của ông, người chiến sĩ trẻ tuổi nhất đại đội, người em, người bạn đồng hành của ông trong suốt những ngày tháng ác liệt nhất Mai Văn Hải đã hy sinh.
CCB Trịnh Xuân Chuyên (bên phải phía trong) trò chuyện, ôn lại kỷ niệm với các CCB phừng Ea Tam. |
Nhớ lại kỷ niệm về người đồng đội cũ, ông Chuyên không giấu nổi xúc động: “Khi ấy Hải mới vừa tròn 18 tuổi. Những ngày tháng ở cùng nhau, tôi đã được nghe nhiều tâm sự về gia đình, về mối tình thơ mộng của Hải ở quê nhà. Trước khi tham gia trận đánh, Hải có nói với tôi: “Nếu có chết thì em chết ở trận đánh đầu tiên, nếu trận đầu không chết thì em sẽ sống”. Và rồi trong chính trận đánh đầu tiên đó, Hải đã hy sinh. Tôi cõng thi thể đồng đội trên vai đi được hơn 1 km thì kiệt sức, đành phải để lại ở bìa rừng, đánh dấu và về báo cáo với Tiểu đoàn”. Sau ngày giải phóng, ông Chuyên đã nhiều lần về lại chiến trường xưa nhưng vẫn chưa tìm được nơi yên nghỉ của người đồng đội. Đó có lẽ là điều khiến ông day dứt nhất cho đến tận bây giờ...
Sau nhiều năm phục vụ trong quân ngũ, đến năm 1977, ông Trịnh Xuân Chuyên ra quân, trở về Buôn Ma Thuột, tiếp tục phát huy tinh thần của người lính Cụ Hồ trong phát triển kinh tế gia đình, tích cực tham gia công tác ở địa phương. Với ông, ký ức về một thời mưa bom bão đạn, kỷ niệm về những đồng đội đã ngã xuống là một phần của cuộc sống, của cuộc đời người lính, luôn in đậm trong tâm khảm...
Vân Anh