Multimedia Đọc Báo in

Phú Lộc với những con đường hình thành từ sức dân

08:34, 13/09/2010

Những con đường thẳng tắp, rộng mở, trải dài đến tận cửa ngõ từng hộ dân ở xã Phú Lộc, huyện Krông Năng là thành quả của cuộc vận động toàn dân làm đường giao thông nông thôn.

Nhận thấy giao thông là yếu tố quyết định đến quá trình giao thương và sự phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn, nên từ cuối năm 2009, chính quyền xã Phú Lộc đã chú trọng đến công tác vận động bà con trong xã cùng tham gia làm đường liên thôn. Nhờ chủ trương đúng đắn, thiết thực, phù hợp với nguyện vọng của người dân nên được đông đảo bà con hưởng ứng, tạo thành một phong trào và có sức lan tỏa rộng. Anh Nguyễn Xuân Long, Trưởng thôn Lộc Tiến chia sẻ, hầu hết các hộ dân trong thôn làm cà phê, nhu cầu về vận chuyển phân bón và nông sản khi vào mùa là rất lớn. Trong khi đó, chiều rộng của đường quá nhỏ (khoảng 3 - 4 mét), rất khó khăn trong việc đi lại, nếu gặp trời mưa thì xe công nông thường bị lật, gây tổn thất lớn về của cải, tính mạng con người. Xuất phát từ thực tế đó, các đoàn thể của xã đã vận động bà con trong từng thôn tham gia đóng góp ngày công, tiền bạc, hiến đất để mở rộng mặt đường. Dựa trên tinh thần tự nguyện, những hộ dân có xe công nông đóng góp từ 300 nghìn đồng trở lên, còn hộ nào không có xe thì đóng 200 nghìn. Cùng với người dân thôn Lộc Tiến, các hộ dân ở các thôn Lộc An, Lộc Thiện… cũng hưởng ứng rất nhiệt tình đối với việc làm đường. Qua 7 tháng, Lộc Tiến đã huy động được hàng trăm ngày công, hàng chục chiếc xe chở đất, đá và số tiền gần 100 triệu đồng, tuyến đường liên thôn dài 3 km nối từ Lộc An đến Lộc Tiến đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ đầu tháng 8-2010.

Người dân thôn Lộc Tiến tham gia làm đường nội thôn.
Người dân thôn Lộc Tiến tham gia làm đường nội thôn.

Hòa chung với phong trào đó, người dân thôn Lộc Hải cùng thi đua làm đường nội thôn, do địa hình dốc, mùa mưa đi lại rất khó khăn, hầu như bị cô lập với các thôn khác vì đường ngập bùn, trơn, lầy lội, là trở ngại lớn nhất đối với đời sống, sinh hoạt, nên mọi người đã, đóng góp tiền và ngày công làm đường. Thi đua với Lộc Hải, người dân thôn Lộc Xuân cũng chung lưng góp sức (nhất là các hộ có diện tích cao su tiểu điền) đã đóng góp trên 40 triệu đồng làm đường. Ngoài ngày công, các hộ dân còn tự nguyện hiến đất, phá bỏ hoa màu, cây cối để hoàn thành các tuyến đường nội thôn. Anh Nguyễn Văn Bính, Trưởng thôn Lộc Hải phấn khởi cho biết, đoạn đường 1km của thôn đã hoàn thành, mùa cà phê năm nay xe công nông chở hàng hóa sẽ dễ dàng hơn, người dân không phải lo lắng vì chuyện xe lật giữa đường như các năm trước nữa. Thôn Lộc Yên cũng có 1km đường bề ngang quá hẹp, nên 29 hộ dân dọc 2 bên đường đã tự nguyện hiến đất để mở rộng đường ra 6m, 2 bên có rãnh thoát nước nên khi có mưa, đường đỡ lầy lội, nhanh khô hơn.

Như vậy, trong những tháng đầu năm 2010, người dân xã Phú Lộc đã đồng lòng đóng góp sức người sức của để mở rộng hầu hết các tuyến đường nội thôn nhằm  tạo điều kiện thuận lợi hơn cho bà con về giao thông đi lại. Anh Trần Văn Ngọc, Phó chủ tịch UBND xã cho biết, để có được kết quả như hôm nay là nhờ địa phương đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, cùng với sự linh hoạt của các thôn, tùy vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng hộ mà đưa ra mức đóng góp hợp lý, nên tạo được sự nhất trí cao. Việc thu kinh phí của các thôn cũng được quy định rõ ràng, công khai; đặc biệt những hộ nào chưa có điều kiện đóng góp thì cho khất đến mùa cà phê.  Nói về phong trào làm đường giao thông nông thôn ở xã Phú Lộc, ông Huỳnh Đình Ứng, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Năng cho biết, Phú Lộc là điểm sáng trong công tác giao thông nông thôn. Tuy nhiên, do đời sống người dân còn nghèo, nguồn kinh phí hạn hẹp nên mới chỉ dừng lại mở rộng các tuyến đường chứ chưa bê tông hóa được.

Hoàng Tuyết

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.