Multimedia Đọc Báo in

Tạo vùng rau an toàn cho người tiêu dùng

08:32, 13/09/2010

Hiện trên địa bàn tỉnh mới có 4 cơ sở trồng rau được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, sơ chế rau an toàn với diện tích 30 ha, chỉ đáp ứng được khoảng 5% nhu cầu của người tiêu dùng. Để tránh sản xuất nhỏ lẻ, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng thì việc tạo vùng rau an toàn là điều cần thiết.

Nhận thức chưa cao
Theo anh Trần Đình Trọng, tổ trưởng tổ sản xuất rau an toàn (HTX Thuận Hòa, phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, nông dân cũng rất muốn mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn, nhưng thị trường tiêu thụ còn gặp nhiều khó khăn, chỉ một số lượng nhỏ được đưa vào siêu thị còn lại phải bán cho các lái buôn như rau bình thường (không qua sơ chế, không đóng bao bì) vì phần lớn người tiêu dùng vẫn chưa thực sự chú trọng đến việc dùng rau an toàn trong các bữa ăn. Còn chị Nguyễn Thị Thanh (thôn 8, xã Hòa Khánh) bày tỏ, từ trước đến giờ nông dân làm rau ở đây chủ yếu dựa vào kinh nghiệm là chính, nhiều khi còn chạy theo lợi nhuận, thấy rau có giá là cắt bán, vì vậy vấn đề an toàn cho người tiêu dùng vẫn chưa được nhiều người quan tâm. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh  chỉ mới có 4 cơ sở trồng rau được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, sơ chế rau an toàn là HTX Toàn Thịnh (Ea Pốk – Cư M’gar), HTX Thuận Hòa (xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột), Cơ sở sản xuất Mầm xanh Ban Mê (Phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) và Công ty Cao Nguyên Xanh (xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) với diện tích 30 ha chỉ đáp ứng được khoảng 5% nhu cầu của người tiêu dùng. Diện tích rau còn lại được trồng theo phương pháp truyền thống, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phân tán. Trên thực tế, tình trạng sử dụng hóa chất, phân bón và các chất điều tiết sinh trưởng thiếu khoa học, không được kiểm soát chặt chẽ. Hiện tượng vùng sản xuất rau màu dùng nước tưới cho rau chủ yếu lấy từ kênh mương lẫn nước thải, không bảo đảm vệ sinh vẫn còn tồn tại. Do đó, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và hàm lượng một số kim loại nặng còn tồn đọng trong sản phẩm sau thu hoạch tương đối cao, làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) của các địa phương chưa được tiến hành thường xuyên, còn thiếu các phương tiện, công cụ hỗ trợ việc kiểm tra nhanh các chỉ tiêu chủ yếu về VSATTP; mức độ và hình thức xử phạt không đủ sức răn đe. Đó là một trong những tồn tại hiện nay trong nhận thức về VSATTP từ người sản xuất chế biến, kinh doanh và tiêu dùng đến các cấp quản lý chưa thực sự đầy đủ và nhất quán. Đồng thời, việc quy hoạch, chứng nhận vùng đủ điều kiện sản xuất rau an toàn còn nhiều bất cập, chưa được chú trọng theo hướng quy mô tập trung. Các mô hình liên kết sản xuất bền vững, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm rau an toàn chưa được triển khai có hiệu quả.

Rau an toàn của HTX Thuận Hòa được đóng gói trước khi đưa đến tay người tiêu dùng.
Rau an toàn của HTX Thuận Hòa được đóng gói trước khi đưa đến tay người tiêu dùng.

Triển vọng từ hướng đi mới
Theo Niên giám thống kê của tỉnh, diện tích, năng suất, sản lượng rau trên địa bàn tăng đều hàng năm: Năm 2004, toàn tỉnh có 6.273 ha, sản lượng 95.485 tấn; năm 2009, tăng lên 8.279 ha, sản lượng 119.501 tấn. Rau xanh được trồng ở hầu hết các địa phương trong tỉnh nhưng tập trung nhiều nhất là địa bàn các huyện, thành phố như: Ea Kar 1.544 ha, Buôn Ma Thuột 1.136 ha, Krông Năng 1.030ha, Ea Súp 828 ha, Buôn Đôn 600 ha; gồm 4 nhóm chính, rau ăn lá, quả, củ và rau gia vị, trong đó tập trung nhiều nhất là nhóm rau ăn lá, chiếm khoảng 55 – 60%, nhóm rau ăn củ, quả chiếm khoảng 25 – 30%, rau gia vị chiếm 8 – 10%. Tuy nhiên, năng suất rau vẫn còn thấp, bình quân từ 145 – 150 tạ/ha (so với bình quân chung cả nước 159,2 tạ/ha; Tây Nguyên 220,9 tạ/ha). Lượng rau nói chung mới đáp ứng 65-70% nhu cầu cho người tiêu dùng, còn lại phải nhập từ các tỉnh khác. Nguyên nhân là do diện tích nhỏ, manh mún, các hộ trồng rau ít áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; hạ tầng cơ sở vùng trồng rau như giao thông, thủy lợi chưa được đầu tư đồng bộ nên việc thâm canh tăng năng suất còn hạn chế.

Để tạo một hướng đi mới cho nghề trồng rau và tiến đến một nền sản xuất nông nghiệp bền vững, vừa qua, tại kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh đã thông qua đề án về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, sơ chế, tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn giai đoạn 2010-2015. Theo đó, đến năm 2015, tỉnh có 30% diện tích tại các vùng sản xuất rau tập trung để sản xuất rau theo hướng VietGAP (Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau quả tươi Việt Nam) với quy mô đạt từ 10 ha trở lên; 30% tổng sản phẩm rau, quả tiêu thụ trên địa bàn tỉnh làm nguyên liệu cho sơ chế và tiêu thụ là sản phẩm được chứng nhận và công bố sản xuất, sơ chế phù hợp VietGAP. Tỉnh cũng có chính sách hỗ trợ về đào tạo, tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP, cụ thể: hỗ trợ kinh phí đào tạo không quá 500.000 đồng/hộ sản xuất/năm; hỗ trợ tối đa 100% chi phí giống và 50% chi phí mua vật tư thiết yếu khi xây dựng mô hình rau an toàn (không quá 25 triệu đồng/mô hình); hỗ trợ 40% cho các chi phí như xây dựng nhà sơ chế (không quá 100 triệu đồng/nhà sơ chế), bể chứa chất thải nông nghiệp (không quá 5 triệu đồng/bể chứa), cửa hàng bán rau an toàn (không quá 12 triệu đồng/cửa hàng); miễn tiền thuê đất 11 năm kể từ ngày đưa vào hoạt động ở địa bàn các huyện, thị (trừ TP. Buôn Ma Thuột); hỗ trợ 100% kinh phí cho các hoạt động xúc tiến thương mại; hỗ trợ lãi suất vay vốn... cho các tổ chức, hộ gia đình tham gia sản xuất rau an toàn. Tỉnh sẽ đầu tư trên 22,4 tỷ đồng để thực hiện đề án về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, sơ chế, tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn. Theo Sở NN – PTNT, hiện các địa phương đang rà soát lại các địa điểm trồng rau để triển khai thực hiện đề án trong thời gian sớm nhất.

Thuận Nguyễn

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.