Multimedia Đọc Báo in

Không cần áp trần lãi suất đồng Việt Nam

08:52, 30/05/2011

Liên quan đến vấn đề lãi suất Việt Nam đồng (VNĐ), đã có nhiều ý kiến được đưa ra, trong đó có đề nghị áp dụng trần lãi suất cho vay và nâng trần lãi suất huy động cho phù hợp với thực tế. Tuy nhiên, xem xét tổng thể, các phương án này đều thiếu tính khả thi trong bối cảnh thị trường hiện nay.

Theo nhiều ngân hàng (NH): trong điều kiện hiện nay, các biện pháp hành chính khó có thể làm thay đổi tình hình vì thực tế vài năm gần đây đã có quá đủ tình huống để hoài nghi. Cụ thể, việc áp dụng trần lãi suất huy động trong thời gian qua đã không hiệu quả. Khi triển khai quy định này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) liên tục phát đi thông điệp khẳng định sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trần lãi suất huy động nhưng lực lượng thanh tra đơn vị này không đủ sức giám sát để xử lý. Điều này dẫn đến tình trạng một số NH không tuân thủ pháp luật, vi phạm đạo đức kinh doanh, gây ra các “cuộc đua” lãi suất vẫn không bị xử lý, và cuối cùng là việc huy động vốn bằng VNĐ vượt trần 14%/năm trở nên phổ biến, không còn ở mức độ “hiện tượng” nữa.

Khách hàng gửi tiết kiệm tại Quỹ tín dụng Cao su Dak Lak
Khách hàng gửi tiết kiệm tại Quỹ tín dụng Cao su Dak Lak
Còn về trần lãi suất cho vay, khó có thể áp dụng ở mức tối đa khoảng 18%-19%/năm như nhiều ý kiến đã đề nghị. Bởi vì, cơ chế này đã từng được NHNN áp dụng vào năm 2008 nhưng cuối cùng phải bỏ vì bị các NH lách bằng cách “đẻ” ra nhiều loại phí trong hoạt động tín dụng, gián tiếp đẩy lãi suất vay vốn vượt xa trần lãi suất đã quy định, gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp (DN). Một điều cần lưu ý nữa là, nếu có trần lãi suất cho vay thì cũng chỉ các NH lớn tuân thủ, mà khách hàng vay chính của các NH này thường là các DN Nhà nước hoặc có quy mô tương đối lớn. Trong khi đó, các NH nhỏ không được hỗ trợ vốn từ NHNN, phải huy động vốn từ dân cư cũng như các NH khác với lãi suất cao thì không thể nào cho vay ra ở mức 18%- 19%/năm. Việc NH lách luật, phá trần lãi suất cho vay sẽ lại tiếp diễn như đã từng xảy ra trong năm 2008 và người chịu thiệt thòi vẫn là các DN nhỏ. Có thể khẳng định rằng, áp trần lãi suất huy động hay cho vay đều khó có thể loại trừ một cách triệt để những thực tế tương tự như trên, có chăng chỉ thị trường tiền tệ “êm ả” trong một thời gian ngắn ban đầu.

Theo ý kiến của nhiều NH, NHNN nên bỏ hẳn trần lãi suất huy động và cũng không cần quy định trần lãi suất cho vay VNĐ. Không trần lãi suất, nếu cần vốn, NH nâng lãi suất để huy động. Lãi suất cho vay theo đó sẽ tăng lên để bảo đảm có lãi. Lãi suất tăng đến một mức nào đó quá sức người vay, nhu cầu sẽ giảm. Khi NH thiếu hoặc không có khách vay vốn ắt sẽ phải cân đối lại nguồn vốn và lãi suất. Việc bỏ trần lãi suất huy động VNĐ sẽ giúp thị trường lãi suất minh bạch hơn, giúp NHNN nắm rõ hơn bản chất của thị trường tiền tệ. Một thị trường lãi suất minh bạch, cạnh tranh trên uy tín và chất lượng dịch vụ sẽ tốt hơn cho cả NH lẫn người gửi tiền. Vấn đề quan trọng sau khi bỏ trần lãi suất là NHNN phải có biện pháp quản lý, điều hành phù hợp, nhất là phải kiểm soát được tốc độ tăng trưởng tín dụng đối với từng lĩnh vực; dòng tiền đầu tư của mỗi ngân hàng.

 

Trần Sáu

Ý kiến bạn đọc