Multimedia Đọc Báo in

Một cựu chiến binh làm kinh tế giỏi

07:56, 28/05/2012

Sau 9 năm trong quân ngũ, từng có thời gian chiến đấu giúp nước bạn Campuchia chống lại sự thảm sát tàn bạo của bè lũ diệt chủng Pôn pốt - Iêng Xary, năm 1986, anh Nguyễn Đăng Hữu ra quân trở về quê hương Bắc Ninh. Năm 1995, anh cùng gia đình vào Dak Lak, lập nghiệp tại thôn Cao Thắng, xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột).

Lúc đầu, vợ chồng anh phải đi làm thuê để giải quyết khó khăn trước mắt. Dần dần tích lũy được ít vốn, anh mua đất trồng ngô, trồng đậu với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”. Cuộc sống gia đình ổn định, năm 1999, vợ chồng anh mở dịch vụ xay xát để phục vụ bà con trong thôn và tăng thu nhập gia đình. Nhờ vậy, cuộc sống gia đình ngày càng khấm khá hơn. Năm 2001, anh Hữu mua thêm 1,5 ha cà phê, nâng tổng số diện tích cà phê hiện có lên gần 2 ha. Anh tham dự tất cả các lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc cà phê và tham quan các mô hình làm cà phê giỏi ở địa phương; tham khảo sách báo hướng dẫn kỹ thuật trồng cà phê để áp dụng vào vườn rẫy nhà mình. Anh còn học kỹ thuật ủ vỏ cà phê làm phân vi sinh để vừa có phân bón rẻ tiền bảo đảm chất lượng vừa bảo vệ môi trường. Nhờ vậy, năng suất cà phê của gia đình anh không ngừng tăng lên: từ xấp xỉ 3 tấn/ha tăng lên trên 4 tấn/ha, thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Năm 2010, anh đã xây nhà mới trị giá 500 triệu đồng và mua sắm đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, phương tiện sản xuất.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Hữu còn rất nhiệt tình với công tác Hội Cựu chiến binh (CCB). Từ năm 2003 đến 2009, anh là Chi hội trưởng Chi hội CCB thôn Cao Thắng, luôn quan tâm đến công tác xây dựng Hội và tuyên truyền giáo dục hội viên, giáo dục thế hệ trẻ. Từ năm 2010 đến nay anh còn là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Cao Thắng. Anh đã cùng với Ban Chấp hành Chi hội CCB vận động hội viên giúp nhau xóa đói giảm nghèo; bản thân anh cũng giúp đỡ các hộ khó khăn về vốn, giống và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cà phê. Nhờ vậy, đến nay Chi hội CCB thôn Cao Thắng chỉ còn 2 gia đình hội viên nghèo do đông con và thiếu đất sản xuất.

Thanh Linh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.