Multimedia Đọc Báo in

Sản xuất nông nghiệp phát triển nhờ hệ thống thủy lợi tốt

10:32, 05/05/2012

Ea Yiêng là xã vùng sâu, vùng xa, cách trung tâm huyện Krông Pak khoảng 20 km về hướng Tây. Toàn xã có trên 1.000 hộ dân với 5.626 nhân khẩu (trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 80%), sinh sống tập trung tại 5 thôn buôn.

Nhiều giống lúa mới năng suất, chất lượng cao được đưa về gieo trồng tại xã Ea Yiêng.
Nhiều giống lúa mới năng suất, chất lượng cao được đưa về gieo trồng tại xã Ea Yiêng.

Trước đây, do điều kiện địa hình của vùng không mấy thuận lợi, đất đai canh tác cằn cỗi, hằng năm phải gánh chịu nhiều thiệt hại do thiên tai, lũ lụt gây ra, khiến đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn, kinh tế nông nghiệp chậm phát triển với những loại cây trồng truyền thống như lúa nước 1 vụ, ngô, khoai, đậu…, mùa màng hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên. Những năm qua, được sự quan tâm hỗ trợ của Đảng, Nhà nước qua các Chương trình, Đề án quốc gia như 134, 135, 162… cùng những nỗ lực vượt bậc của các cấp, ngành trong huyện, đã đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi cho địa bàn xã như: 1 trạm bơm T54 với công suất khoảng 200m3/giờ, dẫn nước từ sông nước đục qua địa bàn xã gần 10km; đập ủi chứa nước rộng 8 ha tại thôn 4; bê tông hóa 5/30km kênh mương nội đồng do người dân tự đào, đắp, phục vụ tưới tiêu cho cánh đồng 1.244 ha của địa phương, trong đó toàn bộ diện tích 248 ha lúa nước từ 1 vụ đã tăng lên 2 vụ, góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh, tăng vụ cải thiện đời sống nhân dân. Chị Nguyễn Thị Châm, Chủ tịch UBND xã Ea Yiêng cho hay: giờ đây, cánh đồng Ea Yiêng không còn lo khát nước, hằng năm địa phương vẫn thường xuyên huy động bà con tiến hành nạo vét, tu sửa hệ thống kênh mương nội đồng nhằm phát huy hết công suất tưới tiêu, riêng với trạm bơm T54 vào mùa khô chỉ cần bơm liên tục 2 ngày đêm là đủ nước cho toàn bộ cánh đồng lúa nơi đây.

Từ những thuận lợi đó, hằng năm chính quyền địa phương đã phối hợp với Trạm khuyến nông huyện Krông Pak tổ chức các lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật nông nghiệp, giới thiệu các giống lúa, hoa màu mới năng suất, chất lượng cao đến người dân địa phương để áp dụng vào thực tiễn. Qua đó, có khoảng 80% các giống lúa cũ, năng suất thấp được thay thế bằng giống lúa mới cho năng suất, chất lượng cao, nhờ vậy năng suất lúa bình quân hằng năm trong xã tăng từ 4,5 tấn lên 6,5 tấn/ha. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân trong xã cũng tăng cường phát triển, đa dạng hóa vật nuôi, nâng số lượng gia súc toàn xã lên 4.063 con trâu, bò, dê, heo, và gần 20.000 con gà, ngan, vịt. Có thể nói, nhờ có hệ thống thủy lợi ổn định, kéo theo nhiều thuận lợi trong sản xuất nông nghiệp, nên đời sống của bà con xã Ea Yiêng cũng từng bước khởi sắc, số hộ nghèo trong xã hằng năm đều có mức giảm 5,4%, nhiều ngôi nhà ngói, nhà mái bằng kiên cố đã mọc lên san sát; điện thắp sáng, đường giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế từng bước được hoàn thành; nhiều hộ gia đình còn tự mua sắm máy móc phục vụ sản xuất; đồng thời, thông qua vốn vay tín dụng Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, bà con đã đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi kết hợp với kinh tế vườn. Đó chính là bước đệm để Ea Yiêng phấn đấu đạt 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.