Multimedia Đọc Báo in

Việt Nam trên đường phát triển: Bức tranh hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước

10:31, 05/05/2012

Bộ Tài chính vừa công bố bản báo cáo thực trạng hoạt động của tập đoàn, tổng công ty nhà nước (TĐ-TCT) giai đoạn 2006-2010 và nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2011-2015 cho thấy khá chi tiết về bức tranh hoạt động của các TĐ-TCT trong giai đoạn qua (Vinashin đang trong quá trình tái cơ cấu nên tình hình tài chính và hoạt động kinh doanh không tập hợp trong báo cáo này).

Hiệu quả lớn

Số liệu tổng hợp của báo cáo cho thấy:, mặc dù trong những năm qua tình hình kinh tế thế giới cũng như trong nước gặp nhiều khó khăn, nhưng các TĐ-TCT đã có nhiều cố gắng, sản xuất kinh doanh có hiệu quả, thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước, bảo đảm việc làm, cung ứng sản phẩm, hàng hóa và các dịch vụ thiết yếu cho xã hội, góp phần cùng với Nhà nước bình ổn giá cả, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Cụ thể: Năm 2006, quy mô vốn chủ sở hữu của các TĐ-TCT là 317.647 tỷ đồng, đến hết năm 2010 con số này đã là 653.166 tỷ đồng, tăng hơn 200% so với năm 2006. Vốn chủ sở hữu của các TĐ-TCT tăng chủ yếu từ nguồn lợi nhuận sau thuế; đánh giá lại tài sản, thặng dư vốn thu được trong quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp thành viên, đơn vị phụ thuộc. Về tổng tài sản: năm 2006 là 751.698 tỷ đồng, đến hết năm 2010 là 1.799.317 tỷ đồng, gần bằng 240% so với năm 2006. Trong cơ cấu về tài sản, tỷ trọng tài sản cố định chiếm gần 40% tổng tài sản đã thể hiện các TĐ-TCT tăng cường đầu tư, đổi mới tài sản cố định, hiện đại hóa công nghệ, thiết bị để phục vụ trực tiếp và gián tiếp cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Đối với nợ phải trả: năm 2006 là 419.991 tỷ đồng, bình quân bằng 1,32 lần vốn chủ sở hữu, đến hết năm 2010 là 1.088.290 tỷ đồng, bình quân bằng 1,67 lần vốn chủ sở hữu. Doanh thu tăng trưởng bình quân khoảng 30%, năm 2007 đạt hơn 642.000 tỷ đồng, năm 2010 trên 1.488 tỷ đồng. Đặc biệt, lợi nhuận có sự tăng trưởng đáng kể: năm 2007 đạt 71.491 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2006; năm 2010 đạt 162.910 tỷ đồng, tăng 66% so với năm 2009. Về thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách: năm 2007 nộp 133.108 tỷ đồng, giảm 8 % so với thực hiện năm 2006; năm 2010 nộp 231.526 tỷ đồng, tăng 21 % so với năm 2009.

Kéo điện về xã Ea M'droh, huyện Cư M'gar.
Kéo điện về xã Ea M'droh, huyện Cư M'gar.

Các TĐ-TCT còn đóng vai trò quan trọng trong việc bình ổn giá cả, kiềm chế lạm phát, bảo đảm ổn định xã hội, ngăn ngừa suy giảm kinh tế, duy trì việc làm và bảo đảm thu nhập cho người lao động, không để xảy ra đình công; đầu tư các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, thực hiện các nhiệm vụ công ích ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, hỗ trợ các địa phương nghèo. Các TĐ-TCT thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao đầu tư những dự án trọng điểm, quan trọng phục vụ chiến lược phát triển kinh tế xã hội dài hạn của đất nước, có những dự án lớn hoặc hiệu quả về kinh tế thấp, nhưng ý nghĩa chính trị và hiệu quả về xã hội lại rất lớn mà các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không có đủ khả năng làm hoặc không tham gia, đặc biệt là những dự án có ý nghĩa quan trọng trong việc thay đổi cơ cấu kinh tế vùng miền theo hướng công nghiệp hoá-hiện đại hoá đất nước như: Thủy điện Sơn La; Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; hệ thống thông tin liên lạc; mạng lưới điện tại các vùng sâu, vùng xa...

Tồn tại cũng không nhỏ

Nhìn chung, hoạt động sản xuất kinh doanh của hầu hết các TĐ-TCT trong giai đoạn vừa qua đều có lãi và được nâng cao dần qua các năm, tạo sự tăng trưởng về doanh thu, lợi nhuận, làm tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, góp phần cân đối nguồn thu để thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội. Tuy vậy, hiệu quả đầu tư và hiệu quả kinh doanh của các TĐ-TCT vẫn chưa tương xứng với vị trí, vai trò, tiềm năng; vẫn còn tình trạng một số TĐ-TCT kinh doanh thua lỗ. Nguyên nhân dẫn đến thua lỗ do công tác quản trị, giá bán một số mặt hàng chưa được thực hiện hoàn toàn theo giá thị trường, ảnh hưởng của khủng hoảng về tài chính toàn cầu; quy định của pháp luật không rõ ràng.

Chẳng hạn, chức năng đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước còn chồng chéo, chưa quy định rõ cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý, giám sát công tác tổ chức nhân sự; phê duyệt hoặc thẩm định trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương hướng, nhiệm vụ sản xuất kinh doanh còn yếu; việc quản lý, giám sát sử dụng vốn, tài sản của các doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu, công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán báo cáo tài chính của doanh nghiệp vừa chưa bao quát, chưa thực hiện được theo định kỳ, còn nhiều kẽ hở, vừa chồng chéo. Việc phối hợp, sử dụng kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán chưa thực sự hiệu quả (cả trong trường hợp cùng một nội dung kiểm tra). Việc thực hiện các kết luận kiểm tra, thanh, kiểm toán chưa nghiêm và chưa kịp thời. Công tác quản trị, điều hành của nhiều TĐ-TCT còn nhiều hạn chế; chậm thay đổi để phù hợp với yêu cầu quản trị doanh nghiệp theo cơ chế thị trường và xu thế hội nhập; nhiều TĐ-TCT chậm đổi mới máy móc, thiết bị, công nghệ, chưa thực sự năng động trong việc cạnh tranh, tiếp cận thị trường đối với hàng hoá, sản phẩm của mình, chưa chú trọng phát triển, đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp, có tay nghề cao. Quy mô và tốc độ tăng trưởng vốn chủ sở hữu tại một số tổng công ty còn nhỏ và chậm, một số tổng công ty hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả thấp, kinh doanh thua lỗ, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng cơ bản. Việc huy động quá nhiều vốn để thực hiện đầu tư, đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh, thành lập nhiều công ty con, công ty liên kết hoạt động trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề của một số TĐ-TCT trong khi năng lực quản lý và khả năng tài chính có hạn đã dẫn tới hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu cao, tác động xấu đến năng lực tài chính và hiệu quả sử dụng vốn tại doanh nghiệp. Một số TĐ-TCT trong những năm vừa qua đã tham gia góp vốn vào các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, quỹ đầu tư, bảo hiểm, bất động sản... chưa thực sự hợp lý khi nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh chính còn hạn chế.

Việc tuân thủ các quy định của Nhà nước trong công tác quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại nhiều TĐ-TCT chưa cao, chế độ báo cáo thường xuyên, định kỳ chưa đầy đủ, không đúng thời gian quy định, chất lượng báo cáo không bảo đảm yêu cầu, thiếu số liệu so sánh, đánh giá việc sử dụng vốn, tài sản. Chưa kiên quyết xử lý những doanh nghiệp không báo cáo đầy đủ, kịp thời hoặc nhiều năm liên tục có sai sót trong công tác quản lý, điều hành, bị xếp loại doanh nghiệp không hoàn thành nhiệm vụ, làm giảm hiệu lực pháp lý của các chế tài đã được Nhà nước quy định. Một số tổng công ty kinh doanh thua lỗ liên tục, kéo dài nhưng Hội đồng quản trị (nay là Hội đồng thành viên) hoặc Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc không bị xử lý trách nhiệm.

Trong giai đoạn tới, nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các TĐ-TCT theo hướng xác định đúng vai trò của doanh nghiệp nhà nước, đổi mới cơ chế thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước, tập trung vào các ngành nghề kinh doanh chính, sắp xếp và tái cơ cấu từng TĐ-TCT theo hướng tăng cường minh bạch, hiệu quả, đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh giữa các thành phần kinh tế. 

Lê Ngọc


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.