Multimedia Đọc Báo in

Hỗ trợ vốn giúp nhau thoát nghèo - cách làm hiệu quả ở buôn Mùi 1

14:01, 09/06/2012

Trong khi nhu cầu tín dụng là vấn đề trở ngại đặt ra cho nhiều bài toán kinh tế, thì ở buôn Mùi 1, xã Cư Né (huyện Krông Buk), nhiều hộ dân không cần phải thế chấp, không phải làm thủ tục rườm rà, nhưng đã được vay vốn đầu tư sản xuất khá hiệu quả.

Gia đình Amí Nin là một trong những hộ nghèo của buôn Mùi 1. Chị cho biết: Gia đình chị có 3 sào cà phê, nhưng vì chưa có bìa đỏ nên chưa vay được vốn ngân hàng. Vì thiếu vốn đầu tư, cà phê của gia đình chị cho năng suất kém. 2 năm nay, được gia đình Ae Kê cho vay 20 triệu đồng không tính lãi để đầu tư phân bón, nước tưới đầy đủ, nên vườn cà phê đã được cải thiện đáng kể. Dự kiến năm nay chị sẽ trả được nợ cho gia đình Ae Kê.

Tương tự như trường hợp của gia đình Amí Nin, gia đình Y Thai Niê trước đây cũng gặp nhiều khó khăn: Nhà có 2 chị em, bố mẹ mất sớm từ khi 2 chị em còn rất nhỏ. Nhờ Ae Kê quan tâm hướng dẫn, rồi cho vay 30 triệu đồng mua phân bón, dầu tưới nên vườn cà phê của gia đình đạt hiệu quả cao. Năm vừa rồi 2 chị em đã trả được nợ cho Ae Kê, gia đình cũng thoát được nghèo.

Câu chuyện về gia đình Ae Kê giúp người dân ở buôn Mùi 1 cho vay không lấy lãi đã được lan truyền và từ nghĩa cử đó của ông cũng được nhiều người trong buôn làm theo. Là hộ sản xuất giỏi cấp tỉnh, gia đình già Ae Kê đã tiên phong đi đầu trong phong trào giúp người nghèo vay vốn không tính lãi để đầu tư vào sản xuất. Già Ae Kê có 3ha cà phê, 1ha rừng trồng và chăn nuôi nhỏ. Là người chăm chỉ, ham làm, nên từ khi còn trẻ Ae Kê đã không ngại khổ, chịu khó tìm tòi, học hỏi các kiến thức liên quan đến cây cà phê rồi vận dụng vào sản xuất. Nhờ vậy, 3ha cà phê của ông hầu như năm nào cũng đạt gần 5 tấn nhân/ha. Già bảo: “Làm cà phê thì không khó, nhưng cây cà phê đòi hỏi nhiều thứ lắm. Kỹ thuật, vốn, công là phải có, phải đầu tư công sức và biết chăm sóc đúng cách thì cà phê mới cho hiệu quả”. Cũng từ sản xuất hiệu quả 3ha cà phê mà già Ae Kê không chỉ bảo đảm cuộc sống gia đình ổn định, mua thêm đất sản xuất cho 3 người con khi lập gia đình ra ở riêng mỗi người 1ha, mà già còn giúp nhiều hộ khó khăn trong buôn không lấy lãi mỗi hộ từ 20 đến 50 triệu đồng. Đến nay, tổng vốn cho vay của già lên đến hàng trăm triệu đồng và đã có hàng chục gia đình trong buôn thoát nghèo nhờ sự trợ giúp của Ae Kê.

Chị H’Gren Niê, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân buôn Mùi 1 cho biết: Buôn Mùi 1 có trên 300 hộ dân, đa số là đồng bào Êđê, kinh tế chủ yếu là làm cà phê và chăn nuôi nhỏ. Trước đây trong buôn có nhiều người sản xuất không hiệu quả do thiếu vốn để đầu tư phân bón, nước tưới… Song, từ những gương sản xuất giỏi như Ae Kê nhiều hộ đã học hỏi, làm theo và phát triển sản xuất đạt hiệu quả, đưa đời sống dần ổn định. Cùng với việc cho vay vốn sản xuất hiệu quả của Ae Kê nhiều hộ cũng đã hưởng ứng theo và đến nay việc cho vay vốn hỗ trợ hộ nghèo trong sản xuất đã trở thành phong trào phát triển khá mạnh với hàng chục hộ tham gia cho hộ nghèo vay vốn sản xuất không tính lãi với nhiều hình thức: có hộ cho vay tiền, có hộ cho vay con giống... Các hộ sản xuất khá cũng tích cực chia sẻ kinh nghiệm làm ăn với các hộ nghèo, từ đó nhiều hộ trong buôn đã thoát được nghèo.

Có thể nói, cho đến nay, mặc dù các chính sách tín dụng ưu đãi cho nông dân đã được triển khai khá sâu rộng, nhiều hộ đã được vay vốn đầu tư sản xuất, nhưng thực tế vẫn có nhiều hộ chưa có cơ hội được tiếp cận, hoặc đã được vay nhưng số lượng ít, chưa đáp ứng đòi hỏi thực tế. Nhu cầu vốn đầu tư sản xuất, nhất là đối với cây cà phê luôn là nhu cầu cấp thiết ở các vùng nông thôn, nhất là khi thị trường phân bón, dầu tưới… liên tục tăng. Để có có vốn đầu tư sản xuất hiệu quả đối với cây cà phê không phải nông dân nào cũng có đủ điều kiện; việc nông dân có kinh tế khá, giàu bỏ vốn giúp nông dân nghèo là cách làm không mới trong tổ chức Hội Nông dân - tuy nhiên hiệu quả thì mỗi nơi một khác và cách làm ở buôn Mùi 1, xã Cư Né là một thực tế đáng biểu dương và nhân rộng.

Minh Trang


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.