Multimedia Đọc Báo in

Doanh nghiệp đồng hành cùng nhà nông: Lợi ích nhân đôi

14:21, 02/09/2012

Dak Lak được đánh giá là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển nông nghiệp, nhất là lĩnh vực cây trồng. Vì vậy, những năm gần đây đã thu hút đông đảo các doanh nghiệp (DN) trong, ngoài tỉnh đầu tư, mở rộng diện tích trồng trọt, thị trường, đem lại nhiều tiện ích cho sản xuất cũng như lợi ích cho cả 2 nhà nông và DN.

Công ty Cổ phần vật tư nông nghiệp Nghệ An, chi nhánh tại Dak Lak: “Hạt giống vàng” cho người nông dân

Giống ngô lai LVN14 của Công ty Cổ phần vật tư nông nghiệp Nghệ An trồng tại Dak lak luôn cho năng suất cao.
Giống ngô lai LVN14 của Công ty Cổ phần vật tư nông nghiệp Nghệ An trồng tại Dak lak luôn cho năng suất cao.

Xác định nhu cầu sử dụng giống ngô, lúa lai trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh Dak Lak là rất lớn, trong khi nhiều hộ dân vẫn phải mua và sử dụng những loại giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc trên thị trường với giá cao, chất lượng, năng suất không bảo đảm. Đầu năm 2011, Công ty Cổ phần vật tư nông nghiệp Nghệ An phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Dak Lak đưa 2 loại giống cây trồng mới (được đánh giá có năng suất, chất lượng cao và trồng đại trà tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước) là ngô lai LVN14 và lúa VTNA2 về trồng khảo nghiệm tại các huyện Krông Bông, Ea Súp, Buôn Đôn… ở cả 2 vụ đông xuân và hè thu. Kết quả cho thấy năng suất ngô đạt từ 13-14 tấn/ha (cao hơn các giống ngô lai khác từ 0,5-1 tấn/ha), thời gian sinh trưởng ngắn (khoảng 110 ngày), khả năng thích ứng rộng trên nhiều loại đất, cây sinh trưởng khỏe, chống chịu sâu bệnh và chống gãy đổ tốt. Các hộ trồng thí điểm LVN14 còn khẳng định, điểm đặc trưng của giống này là có bắp to, thon dài, cùi nhỏ, hạt nẩy, màu vàng tươi, có ưu điểm là khi thu hoạch lá cây vẫn giữ được màu xanh tươi, có thể sử dụng cho chăn nuôi trâu, bò…; giống lúa lai VTNA2 có năng suất từ 8-9 tấn/ha, hạt gạo đều, cơm ngon, dẻo, thơm…

Sau khi khảo nghiệm và đánh giá thành công, từ đầu năm 2012 đến nay, các giống cây trên đã được nhiều bà con tin tưởng đặt mua và trồng đại trà tại hầu khắp các địa phương trong tỉnh. Ông Trương Văn Hiền, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần vật tư nông nghiệp Nghệ An cho biết, hiện đơn vị đang mở rộng liên kết với Hội Nông dân các huyện, thị, thành phố của tỉnh Dak Lak để giới thiệu, cung ứng giống cho người dân, đồng thời, thực hiện phương thức bán giống trả chậm 100%, người dân chỉ phải trả tiền sau khi thu hoạch. Bên cạnh đó, Công ty còn thường xuyên mở các lớp hội thảo về khoa học kỹ thuật, hướng dẫn sử dụng các sản phẩm giống trên nhằm giúp bà con nông dân gieo trồng hợp lý, tiết kiệm chi phí mà cây trồng vẫn sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất cao. Theo thống kê sơ bộ, riêng vụ hè thu năm nay, toàn tỉnh đã gieo trồng được khoảng 250 ha ngô LVN14, 100 ha lúa VTNA2. Nhiều người dân khẳng định: nếu chăm sóc tốt, mỗi ha ngô lai LVN14 có thể thu lãi từ 60-70 triệu đồng (cao hơn so với các giống ngô khác từ 5-10 triệu đồng/ha) và lúa từ 50-60 triệu đồng/ha.

Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền: Phân bón “Đầu Trâu” - bạn của mùa vụ

Chuyên viên kỹ thuật Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền khảo sát chất lượng cây trồng sau khi sử dụng phân bón Đầu Trâu .
Chuyên viên kỹ thuật Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền khảo sát chất lượng cây trồng sau khi sử dụng phân bón Đầu Trâu.

Có mặt tại Dak Lak từ khoảng năm 1997, thương hiệu phân bón “Đầu Trâu” của Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền đã được người dân trong tỉnh tiếp cận và chọn lựa làm bạn đồng hành cùng mùa vụ. Anh Nguyễn Văn Duy, chuyên viên phụ trách của công ty tại thị trường Dak Lak khẳng định: Phân bón Đầu Trâu luôn cam kết chịu trách nhiệm tới cùng về chất lượng sản phẩm của mình, lấy việc phục vụ nông dân làm mục tiêu, chất lượng sản phẩm là phương châm hành động. Hiện nay, phân bón Đầu Trâu cung ứng cho thị trường Dak Lak khoảng 60.000-70.000 tấn/năm, riêng các loại phân NPK Đầu Trâu chiếm khoảng 30-40% so với thị phần phân NPK của tỉnh. Điều mà nông dân gắn bó thường xuyên với thương hiệu Đầu Trâu là nhờ khâu chăm sóc khách hàng của công ty khá chu đáo, phối hợp thường xuyên với các ban, ngành trong tỉnh tổ chức các buổi hội thảo, lớp tập huấn về cách sử dụng phân bón hợp lý, sẵn sàng tư vấn về kỹ thuật bón phân cho bà con thông qua cán bộ kỹ thuật, điện thoại, website… của công ty. Ngoài ra, cứ 2 năm một lần, công ty lại cử cán bộ kỹ thuật đi khảo sát thực tế để nghiên cứu về chất đất, nước, cây trồng của các vùng có phân phối sản phẩm nhằm điều chỉnh công thức sản xuất phân bón cho phù hợp.

Theo đánh giá của nhiều nông dân, sử dụng các sản phẩm phân bón Đầu Trâu cây trồng luôn phát triển ổn định hơn so với việc bón các loại phân khác trên thị trường. Cụ thể, như với dòng phân bón NPK Đầu Trâu, cây cà phê chỉ cần bón từ 0,8-1kg/gốc/đợt (chia làm 4 đợt/năm), cao su từ 150- 200kg/ha/đợt (bón 3 đợt/năm), lúa từ 150 kg/ha/đợt (3 đợt/vụ)… ít hơn so với việc bón phân cùng loại khác từ 0,2- 0,5 kg/ha. Chưa hết, sản phẩm phân bón Đầu Trâu còn có khả năng hạn chế được sự phát sinh, phát triển của mầm sâu bệnh trên cây trồng, nếu bón phân đúng kỹ thuật sẽ giảm được khoản chi phí lớn cho việc dùng thêm thuốc BVTV. Đặc biệt là sản phẩm mới có mặt trên thị trường từ đầu năm nay là phân bón đạm hạt vàng Đầu Trâu 46A+ có tác dụng ức chế men urease, hạn chế quá trình chuyển hóa urê thành amoniac sau khi bón cho cây trồng, giảm thất thoát đạm, giúp tăng hiệu suất sử dụng phân đạm lên 75 - 80% và tiết kiệm 20-25% lượng đạm cần bón trên cùng một diện tích cây trồng. Về giá thành sản phẩm phân bón Đầu Trâu được đánh giá là hợp túi tiền và ngang bằng với giá các loại phân bón cùng loại trên thị trường.

Công ty TNHH Minh Phát Dak Lak: Máy mini vào rẫy cà phê

 Anh  Đậu Chí Thanh,  Giám đốc Công ty TNHH  Minh Phát Dak Lak  đang  hiệu chỉnh lại máy đào,  xới đất mini đa năng.
Anh Đậu Chí Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Minh Phát Dak Lak đang hiệu chỉnh lại máy đào, xới đất mini đa năng.

Nhận thấy việc sản xuất nông nghiệp của người dân trong tỉnh còn nhiều hạn chế, phần lớn việc canh tác sản xuất vẫn dựa vào sức người là chính trong khi năng suất, hiệu quả lao động không cao; đặc biệt, Dak Lak lại là vùng có diện tích cây công nghiệp lớn, địa hình nhiều đồi dốc khó có thể đưa các loại máy công tác lớn vào làm việc trên ruộng rẫy, nắm bắt được điều này, năm 2009, Công ty TNHH Minh Phát Dak Lak đã nghiên cứu, sản xuất và tung ra thị trường dòng máy đào, xới đất mini. Sau quá trình sử dụng cho thấy, máy hoạt động khá tốt trên nhiều loại địa hình, khả năng thay thế tốt cho sức lao động con người, cũng như có nhiều chức năng, tiện ích như: cày xới, làm tơi xốp đất trong bồn cà phê, phá bỏ lớp rễ cám trên bề mặt gốc cà phê, đào hố ép phân xanh, chôn lấp cỏ rác… khắc phục những bất cập về khâu thuê lao động.

Với thiết kế máy nhỏ gọn (khoảng 40kg), chạy bằng nhiên liệu xăng, vận hành xuyên suốt 8 tiếng/ngày chỉ tiêu hao từ 5-6 lít xăng mà đào được khoảng 160-180 bồn cà phê, như vậy, một chiếc máy có thể thay thế từ 8-10 công lao động/ngày. Máy được thiết kế đơn giản, nên bà con nông dân dễ dàng sử dụng, có bộ truyền động kín nên hạn chế tối đa tai nạn, hoạt động được cả trong vườn cây rậm rạp, trong khi giá loại máy này chỉ bằng 1/3 so với loại máy do Nhật sản xuất. Ngoài ra, Công ty còn cung cấp cho nông dân những dòng sản phẩm khác như máy hái cà phê, máy cắt cỏ… gọn nhẹ, dễ sử dụng, được bà con trong tỉnh rất ưa chuộng, bởi sử dụng các loại máy trên sẽ tiết kiệm được chi phí khoảng 1 triệu đồng/ngày đối với máy đào, xới đất mini đa năng, và từ 500-700 nghìn đồng/ngày đối với máy hái cà phê… Anh Đậu Chí Thanh, Giám đốc Công ty Minh Phát chia sẻ: riêng với 2 loại máy nói trên, đơn vị đã góp phần vào công cuộc “cơ giới hóa” nông nghiệp tại Dak Lak nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung, mỗi năm cung ứng ra thị trường trên 500 máy các loại, không chỉ giúp bà con nông dân giải phóng bớt sức lao động mà Công ty cũng thu được lợi nhuận nhờ tiêu thụ được nhiều sản phẩm.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.