Multimedia Đọc Báo in

Niên vụ cà phê 2012 - 2013: Phấp phỏng những mối lo!

08:22, 14/11/2012

Dak Lak đang bước vào mùa thu hoạch cà phê niên vụ 2012-2013. Tuy nhiên, khác với những năm trước, người trồng cà phê lại đang phải đối diện với nỗi lo mất mùa và hàng loạt những mối lo trước mắt.

Mất mùa

Không nằm ngoài dự đoán của Hiệp hội cà phê - ca cao Việt Nam (VICOFA) từ hồi tháng 5 vừa qua về sản lượng cà phê trong nước niên vụ 2012-2013 có khả năng sẽ giảm 15% trở lên so với niên vụ trước. Đến nay, khi Dak Lak (tỉnh có diện tích cà phê lớn nhất nước, gần 200.000 ha với sản lượng hàng năm đạt từ 380.000 tấn trở lên) chính thức bước vào mùa thu hoạch cà phê, ngành nông nghiệp tỉnh cũng nhận định: năng suất cà phê niên vụ này giảm khoảng 15-25%, nhiều khu vực của huyện M’Drak, Ea H’leo, Krông Năng… còn giảm mạnh hơn, từ 30-40% so với niên vụ trước.

Tại huyện M’Drak, người dân các xã Ea Riêng, Ea M’doan, Ea Pil… đang khốn đốn vì hàng trăm ha cà phê gần như thất thu. Do đặc trưng là vùng ảnh hưởng của khí hậu tiểu mãn khắc nghiệt (thường có sương muối vào giai đoạn cây cà phê ra hoa…), nên năng suất cà phê tại một số địa bàn trên chỉ bằng khoảng 40-50% so với các vùng chuyên canh cà phê khác trong tỉnh; tuy nhiên chưa năm nào nơi đây lại mất mùa nặng nề như niên vụ này. Mệt mỏi gom nhặt những quả cà phê thưa thớt trên cây, chị Nông Thị Phin ở xã Ea Riêng than thở: gia đình có 1 ha cà phê, nhưng năm nay chỉ thu được khoảng 1,2 tấn nhân, vì vậy ngay từ khi bắt đầu mùa vụ, chị không dám tính đến chuyện thuê nhân công thu hái vì sợ không đủ tiền trả. “Những khoản nợ khi mua phân bón, thuốc trừ sâu của một số đại lý trong xã để chăm sóc cà phê trước đó, dự định đến khi thu hoạch xong sẽ trả, nhưng xem ra phải đành khất lại”. Huyện Krông Pak (với 17.950 ha cà phê, trong đó, trên 85% diện tích cà phê kinh doanh), ngay từ thời điểm cây ra hoa, đậu quả được người dân tập trung chăm sóc kỹ càng, đồng thời đặt hy vọng khá lớn năng suất cà phê niên vụ này có thể ngang bằng hoặc chỉ giảm hơn đôi chút so với niên vụ trước. Tuy nhiên, khi chính thức thu hoạch, bà con mới ngỡ ngàng nhận thấy trong chùm quả cà phê có quá nhiều hạt lép, nhân đơn và nhỏ. Theo ước tính, năng suất bình quân chỉ đạt khoảng 3,2 tấn nhân/ha, thấp hơn niên vụ trước từ 0,5-1 tấn nhân/ha. Vì vậy, mặc dù giá cà phê đang ở mức khá như hiện nay 39.000-40.000 đồng/kg nhân, nhưng người trồng cà phê vẫn kém vui vì mất mùa. Bên cạnh đó, không ít các doanh nghiệp trồng cà phê ở các huyện Cư M’gar, Krông Ana, Buôn Đôn, Ea H’leo, thị xã Buôn Hồ… cũng đang chịu chung số phận buồn. Ông Nguyễn Thành Mượu, Giám đốc Công ty TNHH MTV 715 A (tại xã Ea Riêng, huyện M’Drak) than thở: với 500 ha cà phê của đơn vị trồng từ những năm 1980, nhiều năm qua chỉ đạt khoảng 2 tấn/ha, nhưng năm nay thì khó mà đạt mức 1 tấn/ha…

Người dân thất vọng bởi tình trạng cà phê mất mùa.
Người dân thất vọng bởi tình trạng cà phê mất mùa.

Lý giải nguyên nhân mất mùa ngoài dự kiến, các chuyên gia nông nghiệp tỉnh cho rằng: Ngay khi niên vụ cà phê 2011-2012 mới thu hoạch được khoảng 85% sản lượng thì gặp thời tiết bất lợi, xuất hiện mưa phùn rải rác khiến cây cà phê đơm hoa sớm. Đợt hoa này hầu hết đều rụng, không có khả năng đậu quả mà còn làm cho cây kiệt sức nên số lượng hoa ra đợt 2 rất ít, quả nhỏ; đến giai đoạn cà phê quả non lại là mùa mưa, độ ẩm cao đã tạo điều kiện cho mầm sâu bệnh phát sinh, phát triển gây hại cây cà phê. Theo thống kê, có tháng cao điểm (khoảng từ tháng 7 đến tháng 8-2012) cây cà phê nhiều nơi trong tỉnh phải đối mặt với bệnh rệp sáp hại chùm hoa, quả non chiếm tỷ lệ từ 8-25%, rệp sáp xanh, mọt đục cành, rỉ sắt, khô cành… có mật độ gây hại trên diện rộng. Vì vậy đến nay mặc dù mới đầu mùa thu hoạch, nhưng theo đánh giá thực tế thì sản lượng bình quân cà phê Dak Lak có khả năng giảm xấp xỉ 30% so với niên vụ trước.

Và những nỗi lo trước mắt

Bên cạnh nỗi lo về mất mùa thì giá cà phê vẫn luôn là mối quan tâm hàng đầu của người dân. Đặc biệt, những ngày gần đây giá cà phê nhân trên thị trường tuy cao hơn so với cùng kỳ năm trước từ 3.000-5.000 đồng/kg, nhưng lại đang có chiều hướng giảm. Tại thời điểm này, giá cà phê nhân giảm gần 3.000 đồng/kg so với đầu tháng 10. Nguyên nhân được xác định là do đang bước vào thu hoạch đại trà, khi sản lượng nhân được cung ứng khá nhiều ra thị trường. Sự dồi dào về nguồn cung là nguyên nhân chính khiến giá của sản phẩm này giảm mạnh. Người trồng cà phê trong tỉnh lo ngại: nếu giá cà phê tiếp tục giảm như hiện nay thì đến thời điểm chính vụ không biết sẽ như thế nào, và họ còn vốn để tiếp tục đầu tư chăm sóc những niên vụ tiếp theo hay không? Không dừng lại ở đó, từ chuyện giá cả cà phê bấp bênh ấy cũng nảy sinh nhiều hệ lụy như đã từng xảy ra những năm trước đây. Tâm lý người dân, sau khi thu hoạch cà phê ngoài rẫy về phơi sấy, đóng bao xong, phần lớn không muốn bán ngay, mà chờ cho giá tăng. Song, khi để cà phê nhân ở nhà lại không có kho chứa bảo đảm, dễ bị ẩm mốc mất giá, nên thường đem đến các đại lý thu mua cà phê quen biết trên địa bàn để ký gửi. Cũng chính vì vậy đã từng xảy ra tình trạng một số đại lý ký gửi “xù nợ”, làm nảy sinh mâu thuẫn, tranh chấp giữa đôi bên ký gửi… gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự xã hội. Chưa hết, những năm gần đây, cứ đến đầu mùa thu hoạch lại có hiện tượng bị mất trộm ngay trên rẫy khiến nhiều nông dân lo ngại. Ngành nông nghiệp, chính quyền các địa phương đã không ít lần khuyến cáo người dân tăng cường canh giữ cà phê trước và trong mùa thu hoạch; đồng thời đưa ra nhiều biện pháp nhằm hạn chế tình trạng trộm cắp, nhưng theo ông Mai Văn Hòa, Phó trưởng Công an xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột: việc thu hái của bà con thường không tập trung, đồng bộ, trong khi rẫy cà phê lại sát bên nhau nên việc hái trộm một vài bao cà phê quả tươi (40 - 50 kg/bao) là rất khó phát hiện và xử lý. Trước tình trạng trên, người dân cần tăng cường cảnh giác, nâng cao ý thức tự giác, phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng và chính quyền địa phương để bảo vệ tài sản của mình và cộng đồng.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc