Multimedia Đọc Báo in

Lời giải nào cho bài toán tái canh cà phê?

10:21, 06/05/2013

Khoảng ¼ diện tích cà phê đang bước vào giai đoạn già cỗi, năng suất thấp là một thực tế mà ngành cà phê Dak Lak đang phải đối mặt, nếu trong vòng 10 năm nữa, diện tích trên không được trồng mới (tái canh) thì Dak Lak khó giữ được vị trí là tỉnh xuất khẩu cà phê lớn nhất cả nước.  Do đó, việc tái canh cà phê đã trở thành yêu cầu cấp bách, đòi hỏi phải có lộ trình cụ thể và sự vào cuộc của cả 4 nhà…

Kỳ I: Tái canh cà phê: Nhu cầu cấp bách

Sản xuất cà phê trên địa bàn tỉnh đang phải đối mặt với vấn đề diện tích cà phê già cỗi, hết chu kỳ kinh doanh hoặc chưa hết chu kỳ kinh doanh nhưng có biểu hiện già cỗi, năng suất chất lượng thấp ngày một nhiều. Điều này đang đe dọa trực tiếp đến chính sự phát triển bền vững của ngành cà phê Dak Lak.

Tỷ lệ vườn cây già cỗi tăng nhanh

Số diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp chiếm tỷ lệ rất lớn.
Số diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp chiếm tỷ lệ rất lớn.

Tính đến cuối năm 2012, toàn tỉnh có hơn 202 nghìn ha cà phê, trong đó có trên 191 nghìn ha đang cho sản phẩm. Trong số này, diện tích cà phê đang bước vào giai đoạn già, hết chu kỳ kinh doanh (trên 20 năm tuổi) hoặc chưa hết chu kỳ kinh doanh nhưng bị thoái hóa, năng suất, chất lượng thấp, không có khả năng cưa đốn phục hồi hay ghép cải tạo chiếm tỷ lệ rất lớn. Nhìn chung, hầu hết các địa phương trong toàn tỉnh đều đang đối mặt với tình trạng này. Chỉ tính số diện tích cà phê cần phải tái canh ngay trong năm 2013 này của các huyện đã lên đến con số trên 5.200 ha. Chẳng hạn, tại huyện Cư M’gar – địa phương có diện tích cà phê lớn nhất tỉnh, với hơn 36.000 ha thì đã có đến 500 ha cần phải tái canh trong năm 2013 này. Tương tự, huyện Ea H’leo có tổng diện tích cà phê hơn 30.800 ha thì có 260 ha cần tái canh; huyện Cư Kuin có tổng diện tích cà phê gần 13.560 ha, cần tái canh hơn 890 ha; huyện Krông Pak có 17.950 ha, cần tái canh hơn 519 ha; huyện Ea Kar chỉ có gần 7.200 ha nhưng diện tích cần tái canh cũng khoảng 500 ha; huyện Krông Ana có hơn 9.320 ha, cần tái canh hơn 470 ha; thị xã Buôn Hồ có hơn 16.200 ha, cần tái canh khoảng 510 ha… Không riêng gì các huyện trọng điểm trồng cà phê mà ngay cả các huyện có ít diện tích cà phê cũng thế. Đơn cử như huyện M’Drak có khoảng 3.000 ha, cần tái canh hơn 500 ha; Buôn Đôn chỉ có gần 3.600 ha nhưng diện tích cần tái canh cũng hơn 310ha. Theo số liệu khảo sát, từ nay đến năm 2022, toàn tỉnh có hơn 85.000 ha cà phê cần phải tái canh, tập trung chủ yếu ở các huyện Cư M’gar, Krông Năng, Ea H’leo, Krông Pak, Krông Buk, Ea Kar, thị xã Buôn Hồ, TP. Buôn Ma Thuột, Buôn Đôn.

Có 3 nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng vườn cà phê già cỗi là trồng trên đất không phù hợp, giống cây trồng và đầu tư không bảo đảm quy trình… Từ nhiều năm nay, cà phê luôn là loại cây trồng mang lại lợi nhuận cao hơn hẳn so với nhiều cây trồng khác đã dẫn đến tình trạng người người đổ xô trồng cà phê. Rất nhiều nơi, điều kiện thổ nhưỡng không phù hợp, tầng đất nông, độ dốc lớn, thiếu nguồn nước tưới… đã được các cơ quan chuyên môn khuyến cáo không nên trồng cà phê nhưng người dân vẫn “bỏ ngoài tai”. Hầu hết các diện tích này cho năng suất rất thấp, cây cà phê thường nhiễm nhiều loại sâu bệnh và nhanh chóng trở nên còi cọc chỉ sau vài năm khai thác. Còn đối với những nơi phù hợp với cây cà phê thì cũng đã trồng từ hàng chục năm nay và chủ yếu là trồng bằng giống thực sinh; rất nhiều trường hợp người dân tự lựa chọn hạt giống và tự ươm trồng nên cây giống không đạt chuẩn, dễ mang mầm bệnh. Trong khi đó, việc chăm sóc cũng chưa khoa học, không ít nông dân chỉ quan tâm đến việc tăng năng suất nên sẵn sàng sử dụng chất kích thích, phân bón, tưới nước… quá mức. Cây cà phê bị vắt kiệt sức nên nhanh chóng thoái hóa, già cỗi cũng là điều dễ hiểu. Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra, nếu cứ tiếp tục thâm canh tăng năng suất theo kiểu “vắt kiệt”, bất chấp sự suy thoái của đất đai thì từ 5 đến 10 năm nữa, năng suất cà phê sẽ giảm nhanh chóng, chất lượng quả cũng kém dần, khả năng khôi phục lại là vô cùng khó khăn và mất rất nhiều thời gian.

Năng suất giảm mạnh

Đi đôi với tỷ lệ vườn cây già cỗi, thoái hóa là năng suất cà phê trong thời gian gần đây đã giảm đáng kể, trên diện rộng, có địa phương sụt giảm đến 30-40% so với các niên vụ trước. Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, niên vụ 2011-2012, năng suất bình quân đạt 25,62 tạ/ha; niên vụ 2012-2013, năng suất chỉ còn 20,44 tạ/ha. Còn theo tìm hiểu của chúng tôi, năng suất cà phê của nhiều địa phương đã có sự sụt giảm nghiêm trọng, niên vụ 2012-2013, toàn tỉnh có 9 địa phương là TP. Buôn Ma Thuột và các huyện Ea H’leo, Ea Súp, Krông Năng, Buôn Đôn, Cư M’gar, Krông Ana, Lak và Cư Kuin có năng suất cao hơn mức bình quân chung. Các địa phương còn lại, năng suất đạt rất thấp, ngay cả huyện Krông Pak và thị xã Buôn Hồ là những vùng sản xuất cà phê trọng điểm cũng chỉ đạt 17 tạ/ha; cá biệt, huyện Krông Bông chỉ hơn 12 tạ/ha, M’Drak chưa đến 8 tạ/ha.

Cà phê già cỗi bị nhiễm sâu bệnh hại ngày càng nhiều.
Cà phê già cỗi bị nhiễm sâu bệnh hại ngày càng nhiều.

Nhiều người sản xuất cà phê thừa nhận, cây cà phê già cỗi chỉ là một trong những nguyên nhân làm năng suất cà phê ngày một giảm vì trong thực tế vẫn có rất nhiều diện tích cà phê trên 20 năm tuổi, thậm chí là 30 năm tuổi vẫn rất “sung sức”, đều đặn cho năng suất từ 18 đến 20 tạ/ha. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sản lượng cà phê sụt giảm là việc sản xuất thiếu khoa học, chạy theo lợi nhuận trước mắt bằng việc lạm dụng quá mức các chất kích thích, tăng trưởng nên đã vắt kiệt sức của cây cà phê. Và khi cây cà phê đã kiệt sức cũng đồng nghĩa với mất khả năng chống chọi với các loại sâu bệnh gây hại như rệp vẩy xanh, rệp vẩy nâu, rệp sáp, mọt đục cành, sâu đục thân, bệnh gỉ sắt, bệnh khô cành, khô quả, nấm hồng, bệnh thối rễ tơ, rễ cọc làm cho quả rụng, rễ thối, cây kém phát triển...

(Còn nữa)

Lê Ngọc  - Thuận Nguyễn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.