Multimedia Đọc Báo in

Vất vả nghề “cầm sào xóa đói”

22:46, 08/06/2013

Dân gian có câu “muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo, muốn nghèo nuôi vịt”; nhưng đối với một số hộ dân ở huyện Krông Bông thì nghề nuôi vịt được gọi là nghề “cầm sào xóa đói”. Bởi theo họ, tuy nghề nuôi vịt này rất vất vả, cực nhọc, phải chịu cảnh ăn bờ ở bụi, lăn lóc với nắng mưa, thường xuyên phải  xa nhà cả tháng; bù lại, nếu chăm sóc chu đáo, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật chăn nuôi, phòng ngừa dịch bệnh tốt và chịu khó chạy đồng để cho vịt kiếm ăn thì sẽ giảm bớt chi phí thức ăn đáng kể, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Anh Đoàn Văn Hạnh (thôn 3, xã Hòa Lễ) vỗ béo vịt trước khi xuất chuồng.
Anh Đoàn Văn Hạnh (thôn 3, xã Hòa Lễ) chăm sóc vỗ béo vịt trước khi xuất chuồng.

Anh Nguyễn Xuân Tỵ (thôn 10, xã Khuê Ngọc Điền) năm nay 27 tuổi nhưng đã có hơn 10 năm nuôi vịt thịt. Với anh, nghề nuôi vịt nhiều rủi ro, nhưng không thể bỏ được vì đã quen nghe tiếng vịt kêu và hơn nữa là niềm vui của những lần đến ngày hạ sào có tiền để trang trải chi tiêu trong gia đình. Năm nào anh cũng nuôi đón vụ, khi lúa đến vụ gặt đại trà thì vịt của gia đình anh cũng đến ngày bán. Nhờ vậy, các lứa vịt của gia đình anh lúc nào cũng đều bán được giá. Cũng từ việc nuôi vịt mà mấy năm nay, kinh tế gia đình anh khá ổn định. Anh Tỵ cho biết: “Vụ đông - xuân  năm nay, gia đình tôi nuôi đàn vịt thịt với hơn 800 con. Tôi đầu tư, nuôi vịt bằng lúa và cám công nghiệp, dù chi phí hơi cao, nhưng bù lại dễ tiêu thụ và được giá vì bán sớm”. Theo kinh nghiệm của anh, để nuôi đàn vịt thành công, trước hết, khi chọn giống cần chọn những con đầu to, xốp lông, có mỏ cứng, đôi mắt tinh nhanh và loại bỏ những con vịt chậm lớn, bị bệnh để có đàn vịt khỏe mạnh. Bên cạnh đó cũng cần tiêm ngừa đầy đủ vắc xin theo lịch tiêm chủng để phòng dịch bệnh; thường xuyên bổ sung vitamin để đàn vịt có sức đề kháng tốt; bảo đảm tốt khâu vệ sinh chuồng trại… Nếu chăm sóc kỹ và bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, trong thời gian khoảng 80-90 ngày, mỗi con vịt sẽ nặng hơn 2kg.

Thực tế cho thấy, con giống và giá cả là 2 yếu tố chính quyết định sự thành bại của một vụ nuôi vịt thịt. Lâu nay, người dân nuôi vịt tại huyện Krông Bông thường mua vịt giống từ các lò ở những huyện lân cận như: Ea Kar, Krông Pak, Lak. Tuy nhiên, chất lượng vịt giống từ những lò ấp vịt này cũng chưa thật sự bảo đảm để nhà nông yên tâm, bởi vì chưa phải là giống thuần chủng mà đã lai sang đời F2. Còn nguồn giống từ các nơi khác thì hiện nay chưa được đơn vị có chức năng kiểm soát chất lượng giống và khuyến cáo cho người dân. Hầu hết người nuôi vịt hiện nay phụ thuộc con giống vào các lò bán vịt giống; người mua đặt hàng bao nhiêu thì nhận hàng từ các lò bán bấy nhiêu chứ chưa biết lựa chọn giống thật tốt. Về giá cả, khi đàn vịt đến kỳ xuất bán, nếu giá từ 30.000 - 35.000 đồng/kg thì người nuôi “cầm chắc” bị lỗ, vì chi phí cho việc mua giống và cám công nghiệp hiện nay khá cao. Trong khi đó, người nuôi vịt không thể cầm cự đợi vịt tăng giá, vì tiền thức ăn, chi phí thuốc men cho vịt mỗi ngày cũng tốn kém hơn nhiều so với số tiền lỗ nếu bán với giá thấp. Ngoài ra, người nuôi vịt chưa được trang bị kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi từ các lớp tập huấn của cơ quan khuyến nông. Đây cũng là hạn chế, khiến nhiều người dân chịu thiệt thòi, rủi ro trong quá trình chăn nuôi. Anh Đoàn Văn Hạnh (thôn 3, xã Hòa Lễ)  là một nông dân nhiều năm theo nghề nuôi vịt thịt khẳng định: “Nuôi vịt có hiệu quả cao nhất là vào mùa nước lụt, khoảng tháng 7, tháng 8. Thời gian này cũng là lúc đồng ruộng vừa thu hoạch xong và thêm mưa lũ, nên thức ăn tự nhiên cho vịt rất dồi dào; nhờ vậy người nuôi  sẽ giảm bớt được khá nhiều chi phí. Nuôi vịt trong mùa lũ lụt phải luôn thực hiện tốt việc tiêm phòng dịch bệnh, nhất là cúm H5N1 và thường xuyên vệ sinh, tiêu độc sát trùng chuồng trại và khu vực xung quanh, bảo đảm an toàn cho đàn vịt”. Anh Hạnh cũng cho biết thêm: Những năm gần đây nghề nuôi và chăn vịt đồng rất khó khăn. Ngoài việc đối diện với dịch bệnh cúm gia cầm, phải tiêm phòng cẩn thận, còn phải vất vả trong việc tìm nguồn thức ăn cho đàn vịt. Những năm trước, dù đồng lạ hay quen, nếu người nuôi vịt có lời đề nghị với chủ đồng là có thể cho vịt vào ăn thoải mái. Hiện nay việc kiếm được đồng trống để thả vịt là rất khó, nhiều khi người nuôi vịt phải thuê đồng với chủ. “Cũng nhờ cái nghề này mà gia đình tôi đã mua được đất, cất được nhà và chăm lo cho con cái học hành, kinh tế ổn định. Mỗi năm, gia đình tôi nuôi 4 lứa vịt thịt, mỗi lứa từ 600 - 700 con, trừ hết tất cả chi phí thì cũng lãi được 35 - 40 triệu đồng”, anh Hạnh tâm sự.

Nguyễn Trung Thu


Ý kiến bạn đọc