Quy chuẩn cho sản phẩm cà phê bột: Những đòi hỏi từ thực tiễn (Kỳ cuối)
Kỳ cuối: Sản xuất cà phê bột - cần được chuyên nghiệp hóa bằng quy chuẩn
Cà phê là một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Dak Lak nói riêng và Việt Nam nói chung. Có lẽ do từ trước đến nay, sản phẩm xuất khẩu này vẫn dưới dạng thô là chủ yếu nên quy chuẩn về chất lượng cho cà phê bột còn bỏ ngỏ. Nhưng thực tế và cả định hướng chiến lược phát triển hướng đến chế biến sâu đối với cà phê để gia tăng giá trị đang đòi hỏi phải có chuẩn cho sản phẩm này.
Thực tế, hằng năm trong các đợt kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm, các cơ quan chức năng thường tổ chức kiểm tra rất nhiều ngành hàng, không riêng gì cà phê bột; có khi một đợt kiểm tra hơn 40 cơ sở kinh doanh thì chỉ có một cơ sở sản xuất cà phê bột. Theo một chuyên gia y tế, để đánh giá về chất lượng của sản phẩm cần phải có các đợt kiểm tra chuyên đề đối với cà phê bột, song để làm được như vậy cần phải có kinh phí. Vị này cũng cho biết, có lần kiểm tra phát hiện chất lạ trong một sản phẩm cà phê bột nhưng cũng chỉ dừng ở mức phát hiện đó thôi, muốn biết đó là chất gì, có tác hại đến sức khỏe thế nào thì phải có kinh phí để đưa mẫu đi để làm các xét nghiệm. Vì chưa có quy chuẩn cụ thể, mỗi khi đi kiểm tra sản phẩm cà phê bột, cũng giống như các loại thực phẩm khác, cán bộ kiểm tra dựa vào cảm quan là chính, chủ yếu là xem xét về các điều kiện sản xuất (chẳng hạn, nơi rang xay có bảo đảm yêu cầu vệ sinh hay không, có gần nguồn nước thải, nơi chứa rác hoặc chuồng chăn nuôi hay không, người sản xuất có được tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm hay không…). Và cũng bởi chưa có quy chuẩn chi tiết về chất lượng sản phẩm cà phê bột, chất lượng sản phẩm này hiện vẫn chủ yếu phụ thuộc vào nhận thức của doanh nghiệp, uy tín của sản phẩm.
Kỳ vọng sớm có chuẩn cho cà phê bột để người thưởng thức được uống những ly cà phê thơm ngon và bảo đảm sức khỏe. Ảnh: Giang Nam |
Việc chế biến, pha trộn cà phê bột hiện vẫn theo kinh nghiệm, gu của nhà sản xuất, người thưởng thức nên cà phê được đánh giá là ngon hiện chỉ có một tiêu chí chung để đối chiếu là hàm lượng caffeine. Trong khi đó, theo ông Đoàn Kim Ca, Trưởng Phòng Quản lý chuyên ngành – Sở Khoa học và Công nghệ, bất kỳ hãng sản xuất cà phê bột nào cũng có thể dán nhãn cà phê Buôn Ma Thuột nên rất khó quản lý và cả nguy cơ ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu nếu việc pha trộn của nhà sản xuất chỉ nhằm lợi nhuận trước mắt. Cũng theo ông Ca, nhãn hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột chưa cấp cho sản phẩm cà phê bột. Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột hiện cũng chưa “với tay” đến sản phẩm cà phê bột bởi việc truy nguyên nguồn gốc đối với cà phê bột rất phức tạp, không giống cà phê nhân. Hiệp hội cũng dự kiến sẽ thành lập Hội Những người chế biến cà phê bột và đề nghị UBND tỉnh ban hành quy chế sản xuất cà phê bột có chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột. Ông Ca cho rằng việc xây dựng và ban hành quy chuẩn đối với cà phê bột là cần thiết và nhất thiết quy chuẩn này phải do Nhà nước ban hành, có sự tham gia của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường và Chất lượng.
Tiến sĩ Trần Ngọc Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản của tỉnh cũng đề nghị cần có tiêu chí về việc sử dụng chất phụ gia trong sản phẩm cà phê bột để có cơ sở phân tích, khuyến cáo, cảnh báo người tiêu dùng những loại nào có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Hiện căn cứ Thông tư 14/2011/TT-BNNPTNT, Chi cục đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra để xếp loại các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc 9 nhóm ngành hàng của ngành nông nghiệp. Mục đích là để các cơ sở, doanh nghiệp biết mình đang ở vị trí nào, thấy được điểm yếu để hoàn thiện mình; qua đó có được bức tranh tổng thể, tập trung kiểm tra mạnh những đơn vị xếp hạng thấp, nhóm ngành hàng có nguy cơ mất an toàn. Khẳng định tính thiết yếu của vấn đề quy chuẩn đối với cà phê bột, ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam cho biết Việt Nam cũng đã công bố các tiêu chuẩn mới áp dụng trong sản xuất, chế biến cà phê. Riêng với cà phê bột, Hiệp hội cũng rất trăn trở để có sự phối hợp với Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) xây dựng bộ quy chuẩn về chất lượng cà phê hòa tan, cà phê bột; quy chuẩn về bảo đảm an toàn cơ sở chế biến cà phê hòa tan, cà phê bột làm cơ sở cho công tác quản lý Nhà nước về chất lượng sản phẩm cà phê bột, cà phê hòa tan.
Hy vọng những quy chuẩn với những tiêu chí quy định cụ thể, rõ ràng sẽ sớm được ban hành để dần chuyên nghiệp hóa lĩnh vực sản xuất, chế biến cà phê bột.
Thuận Thành – Hải Như
Ý kiến bạn đọc