Multimedia Đọc Báo in

Các công ty lâm nghiệp: Nan giải tìm lối đi sau chuyển đổi

10:46, 02/08/2013

Việc thực hiện đổi mới mô hình hoạt động từ lâm trường quốc doanh sang công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, các công ty lâm nghiệp được kỳ vọng sẽ tạo bước chuyển biến mới trong  hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như góp phần quản lý bảo vệ rừng hiệu quả. Tuy nhiên, sau gần 4 năm chuyến đổi, các đơn vị này vẫn đang loay hoay tìm lối đi, nhiều đơn vị còn lâm vào tình cảnh bế tắc, hoạt động sản xuất cầm chừng.

Bức tranh ảm đạm!

Ông Nguyễn Tiến Tý, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Phước An (Krông Pak) thừa nhận, sau nhiều năm chuyển đổi, hoạt động của đơn vị này vẫn gần như “dẫm chân tại chỗ”, chưa kể, có thời gian còn bê trễ, nợ lương công nhân kéo dài. Đơn vị này gần như gặp khó trong mọi phương diện, nhất là việc kiện toàn lại bộ máy quản lý, từ lúc chuyển đổi sang công ty TNHH MTV, công ty chỉ có 1 chủ tịch kiêm tổng giám đốc và bí thư chi bộ, không có phó giám đốc, kiểm soát viên cũng như kế toán trưởng. Vì vậy, khi Tổng giám đốc qua đời, trong gần 6 tháng, công ty không có người thay thế điều hành, dẫn đến tình trạng sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ. Trong số tổng diện tích gần 5.500 ha đất nông nghiệp và lâm nghiệp do đơn vị quản lý sử dụng, có trên 1.700 ha bị lấn chiếm, nhưng việc giải quyết tranh chấp gặp khá nhiều trở ngại, do hiện tại người đại diện pháp luật cho đơn vị không có. Cụ thể, như diện tích 76,8ha cao su (trồng từ năm 1993), năm 2008 đã xảy ra tranh chấp giữa doanh nghiệp và người dân ở thôn Thanh Bình, Thanh Xuân ở xã Ea Kênh, các cuộc họp dân để giải quyết đều không đi đến thống nhất. Ngoài ra,  hơn 1.700 ha đất lâm nghiệp bị xâm canh, lấn chiếm  (chủ yếu ở xã Vụ Bổn) cũng chưa tìm được phương án giải quyết. Cũng từ năm 2008, công ty góp vốn (2,39 tỷ đồng) liên doanh, liên kết với Tập đoàn Trường Thành, thành lập 2 công ty cổ phần, nhưng do hoạt động kém hiệu quả, bị thua lỗ (tính đến 31-12-2012) gần 14  tỷ đồng nên đã ngừng hoạt động. Chưa kể, 2 công ty này hiện còn nợ Ngân hàng Vietcombank hơn 16 tỷ đồng, nếu phân bổ chi phí tiền lãi hằng năm cho các cổ đông thì doanh nghiệp phải gánh chịu thêm trên 2,2 tỷ đồng tiền lãi, trong khi hoạt động sản xuất của đơn vị đang lâm vào bế tắc và việc xoay xở càng trở nên chật vật, ngay cả việc trả lương cho cán bộ, công nhân viên. Ngoài số tiền thua lỗ trong góp vốn đầu tư hợp tác kinh doanh, hiện công ty còn nợ thuế và tiền vốn vay ngân hàng gần 1 tỷ đồng.

Rừng trồng liên kết giữa Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông  với người dân xã Cư Drăm.
Rừng trồng liên kết giữa Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông với người dân xã Cư Drăm.

Hoạt động sản xuất thì ì ạch, kém hiệu quả, đời sống của người lao động bấp bênh, tình trạng nợ lương vẫn còn diễn ra phổ biến… gần như là bức tranh toàn cảnh của các công ty lâm nghiệp hiện nay. Một số đơn vị được đánh giá là làm ăn có hiệu quả như: Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông, M’Drak, Ea Kar… cũng phải chật vật tự xoay xở, mà chủ yếu dựa trên tiềm lực, ưu thế sẵn có mới bảo đảm cho đời sống của người lao động. Như chia sẻ của ông Nguyễn Hồng Mạnh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar, sau sắp xếp, cơ chế hoạt động mới giúp các công ty  tự chủ hơn, tuy nhiên, các công ty chỉ có mỗi thế mạnh về quỹ đất, nhưng khó phát huy được thế mạnh ấy. Với đơn vị, mặc dù có hơn 4.000ha gồm đất rừng và lâm nghiệp, đơn vị đã tổ chức lại sản xuất, kinh doanh theo phương thức đa dạng hoá cây trồng, nhưng vì thiếu vốn nên hoạt động sản xuất vẫn chỉ là duy trì những gì đã có, hiệu quả kinh tế mang lại không cao.

 Cơ chế nào cho sự phát triển?

Xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng căn bản nhất vẫn là tiềm lực không có, dẫn đến việc tổ chức các hoạt động sản xuất, kinh doanh trở nên cầm chừng, không tìm đâu ra nguồn đầu tư nào để vươn lên. Ngoài các yếu tố như nguồn vốn, thì sự thiếu năng động, khả năng tổ chức, quản lý sản xuất, kinh doanh… của các công ty lâm nghiệp còn yếu và hạn chế, khiến khối kinh tế vốn đầy tiềm năng và thế mạnh này không đạt được kết quả như mong muốn. Và nguy cơ “đổ bể” đang dần trở nên hiện hữu đối với các công ty lâm nghiệp hiện nay.

Như ông Trang Quang Thành, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Dak Lak trong buổi làm việc mới đây giữa Bộ Tài chính với UBND tỉnh đã thẳng thắn thừa nhận, hiện nay diện tích đất, rừng được giao cho 15 công ty TNHH MTV lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh là gần 208.000 ha, chiếm gần 33% tổng diện tích đất lâm nghiệp và chiếm 15,7% diện tích tự nhiên của tỉnh. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trên chưa khai thác hết tiềm năng đất đai, lợi nhuận hàng năm thu về  từ khối kinh tế này không đáng kể. Nhiều doanh nghiệp hiện đang lâm vào cảnh bế tắc, không thể tổ chức, triển khai được bất kỳ một họat động sản xuất, kinh doanh nào ngoài việc nằm đợi kinh phí hạn hẹp từ trên rót về, hoặc phải “sống cầm hơi” từ nguồn trích phần trăm cho chỉ tiêu khai thác gỗ tự nhiên được phê duyệt hàng năm. Cho nên để tồn tại và phát triển, các công ty lâm nghiệp rất cần một “cơ chế đặc biệt”. Trước tiên, cần phải nghiêm túc rà soát, đánh giá lại năng lực của các công ty để đưa ra chương trình, giải pháp khôi phục và phát triển hợp lý. Ngoài việc giao vốn rừng và đất rừng, Nhà nước cũng như các ngành nghề, thành phần kinh tế khác cần có sự quan tâm đến mô hình kinh tế đặc thù này hơn về vốn cũng như nguồn lực. Có lẽ đây chính là những yếu tố đang rất cần cho các công ty lâm nghiệp đứng dậy, phát triển.

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc