Multimedia Đọc Báo in

Phát triển kinh tế tập thể: Nhìn từ chất lượng nguồn nhân lực

09:59, 14/08/2013

Thời gian qua, nhiều hợp tác  xã (HTX) được củng cố, đổi mới về tổ chức và hoạt động đạt hiệu quả, trong đó một số điển hình tiên tiến, hỗ trợ tốt hơn kinh tế hộ xã viên, tạo việc làm và thu nhập thường xuyên cho người lao động. Có được kết quả đó, một phần là nhờ sự năng động, dám nghĩ, dám làm, hết lòng vì xã viên của những chủ nhiệm HTX.

Sự năng động của các chủ nhiệm HTX  là “chất keo” gắn kết xã viên với HTX Trong ảnh: Ông Thái Xuân Quang (bìa phải) thăm vườn ca cao của nông dân ở xã Ea Ô, huyện Ea Kar).
Sự năng động của các chủ nhiệm HTX là “chất keo” gắn kết xã viên với HTX Trong ảnh: Ông Thái Xuân Quang (bìa phải) thăm vườn ca cao của nông dân ở xã Ea Ô, huyện Ea Kar).

Mặc dù “sinh sau đẻ muộn”, nhưng nhờ chọn hướng đi riêng là cùng nông dân phát triển ca cao bền vững, HTX nông nghiệp sản xuất, chế biến, tiêu thụ ca cao huyện Ea Kar (HTX ca cao Ea Kar) đã vượt qua những gian nan ban đầu, trở thành một đơn vị tiêu biểu có gần 500 xã viên. Với việc xen canh cây ca cao trong vườn điều, giờ đây những vùng đất cằn cỗi ở huyện Ea Kar đã tạo nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình. Quyết tâm của chủ nhiệm HTX ca cao Ea Kar Thái Xuân Quang giúp nông dân thích trồng ca cao yên tâm gắn bó với loại cây trồng còn khá mới mẻ này đã thành hiện thực. Chủ nhiệm Quang chia sẻ, tình yêu với cây ca cao, đam mê hương vị ca cao, anh vừa làm, vừa học để trở thành “kỹ sư nông nghiệp chân đất”, rồi cùng Ban quản trị HTX xây dựng phương án sản xuất, đưa hạt ca cao trở thành hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Ca cao là loại cây trồng mới nên hầu hết nông dân đều phải tự mày mò tìm hiểu kỹ thuật trồng, chăm sóc, hơn nữa phần lớn bà con nông dân chỉ mới trồng ca cao trên diện tích nhỏ lẻ, khó khăn trong việc tìm kiếm đầu ra ổn định cho loại nông sản này. Từ thực tế trên ông Quang đã liên kết những người trồng ca cao vào HTX với suy nghĩ mỗi hộ xã viên một “chiếc đũa” và HTX là “bó đũa” sẽ tạo nên sức mạnh để phát triển bền vững. Không dừng lại phạm vi huyện Ea Kar, hiện tại HTX đang gom thêm nhiều “chiếc đũa” ở huyện Krông Năng và trong tương lai phát triển thêm diện tích ca cao ở những vùng mà các loại cây trồng khác kém hiệu quả trên địa bàn tỉnh.

Còn nhớ cao điểm thời kỳ khô hạn của mùa khô 2013, dù đã nhiều lần hẹn, nhưng chúng tôi liên tục nhận được câu xin lỗi của chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp và vật tư Đoàn Kết Nguyễn Ngọc Hiền với lý do đang giai đoạn “dầu sôi lửa bỏng”, ông phải trực tiếp ra cánh đồng điều tiết nước tưới để không ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng lúa vụ Đông Xuân. Bẵng đi một thời gian khá lâu, khi cơn đại hạn đã qua đi, ông Hiền “hào phóng” dành hẳn cho chúng tôi 30 phút để tìm hiểu về HTX vì sau đó có cuộc “tiếp xúc” với Phòng Hạ tầng kinh tế TP. Buôn Ma Thuột nhằm tìm cơ hội tạo thêm việc làm cho xã viên. Ông Hiền tâm sự, phần lớn các chủ nhiệm HTX gắn bó với HTX là vì tinh thần trách nhiệm với xã viên, còn thu nhập từ công việc này chẳng đáng là bao, thậm chí nhiều lúc các thành viên Ban Chủ nhiệm phải bỏ tiền túi để “vác tù và hàng tổng”, “chạy” cho bạc cả tóc mới hy vọng giữ vững HTX trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay.

Hai câu chuyện trên, một lần nữa cho thấy vai trò quan trọng của các chủ nhiệm HTX. Được ví như “hồn cốt” của HTX, việc thành bại trong làm ăn kinh tế của các HTX hiện nay được quyết định bởi sự năng động, sáng tạo của chủ nhiệm. Trong điều kiện hoạt động của nhiều HTX còn hạn chế, việc nâng cao năng lực điều hành quản lý cho đội ngũ cán bộ HTX sẽ là tiền đề quan trọng cho sự đi lên của khu vực kinh tế tập thể. Theo đánh giá chung, toàn tỉnh hiện có trên 320 HTX các loại, trong đó số HTX được  xếp loại khá, giỏi chiếm 46%, HTX trung bình chiếm 40%, số HTX yếu kém 14%. Ông Nguyễn Tấn Quang, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết, trong số những nguyên nhân dẫn đến tình trạng các HTX hoạt động yếu kém, có phần thuộc về năng lực của Ban quản trị, mà trực tiếp là chủ nhiệm HTX. Trên thực tế, những cán bộ này không mặn mà với các lớp tập huấn do nhận thức chưa đúng về các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ điều hành, quản lý HTX, hoặc giả được đào tạo cũng khó tiếp thu có hiệu quả do trình độ năng lực hạn chế. Mặc khác, thời gian gắn bó của họ với HTX không còn nhiều, dẫn đến thực trạng phần lớn cán bộ HTX hiện nay thiếu nhiệt tình, không tìm tòi hướng phát triển mới. Vấn đề này Liên minh HTX tỉnh rất trăn trở, chính vì vậy trong hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, Khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương và địa phương, Liên minh HTX tỉnh và Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn đã tổ chức trên 50 lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kế toán, quản trị doanh nghiệp và khởi nghiệp cho hơn 2.500 cán bộ quản lý HTX, quản lý doanh nghiệp và những người có nhu cầu thành lập HTX. Tuy nhiên, hiện tỷ lệ cán bộ có trình độ cao đẳng, đại học ở khu vực kinh tế HTX chỉ chiếm 12,1%, tỷ lệ cán bộ chưa qua đào tạo chiếm 53,37%.

Từ thực trạng trên, trong thời gian tới, ngoài tập trung củng cố, tăng cường cơ sở vật chất, hỗ trợ vốn cho các tổ hợp tác, HTX, thì khó nhất là tìm kiếm và đào tạo được đội ngũ cán bộ có tâm huyết, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và khả năng xây dựng phương án sản xuất kinh doanh phù hợp, quản lý điều hành có hiệu quả.

Nguyên Hoa 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.