Multimedia Đọc Báo in

Quyết liệt giải phóng mặt bằng đường Hồ Chí Minh qua các tỉnh Tây Nguyên

10:04, 26/08/2013

Từ lâu, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) được xem là công việc phức tạp, nhạy cảm và có tính quyết định đến tiến độ triển khai dự án. Do đó, sau khi hàng loạt dự án mới trên đường Hồ Chí Minh (QL14) qua các tỉnh Tây Nguyên được khởi công, Bộ Giao thông Vận tải đã có kế hoạch tập trung triển khai quyết liệt việc GPMB cho tuyến đường này.

Đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên là công trình nằm trong danh mục dự án vừa khai thác vừa thi công mở rộng, có quy mô, độ dài toàn tuyến lớn nên lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông cao. Mặt khác, đây là tuyến đường hình thành từ lâu nên mật độ dân cư sống hai bên đường khá dày đặc, nhất là các đoạn đi qua khu vực đô thị, dẫn tới khối lượng GPMB, di dời các công trình ngầm rất lớn và hết sức khó khăn. Theo thống kê của Bộ GTVT, các dự án trên đường Hồ Chí Minh qua các tỉnh Tây Nguyên có tổng chiều dài 663km, điểm đầu từ Dak Giôn (tỉnh Kon Tum) đến Chơn Thành (Bình Phước), đến nay đã hoàn thành giai đoạn 1 (từ Dak Giôn – Tân Cảnh, chiều dài 110km); còn lại  553km, chủ đầu tư đã và đang triển khai. Về tài chính, có 12 dự án đầu tư bằng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ, tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng vào cuối năm 2014; 5 dự án đầu tư theo hình thức BOT, chiều dài 219km, kinh phí 6.087 tỷ đồng; còn lại 5 dự án, chiều dài 202km, kinh phí 6.500 tỷ đồng, Bộ GTVT đang đề nghị đầu tư tiếp bằng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ. Theo đánh giá của Bộ, khối lượng GPMB đối với các dự án đang triển khai trên tuyến đường này rất lớn, với tổng kinh phí khoảng 553 tỷ đồng, diện tích đất bị thu hồi  220 ha, số hộ phải tái định cư 620 hộ. Trong đó, đoạn từ km542 – km607+600, diện tích bị thu hồi 63ha; đoạn từ cầu 110 – km1738+148, diện tích thu hồi 58ha; đoạn km 1738+148 – km1763+610, thu hồi 20 ha; đoạn km1792+850 – km1821, thu hồi gần 30 ha…

Lát đá khu vực hành lang đường bộ trên đường Hồ Chí Minh.
Lát đá khu vực hành lang đường bộ trên đường Hồ Chí Minh.

Qua thực tế theo dõi của các bộ, ngành Trung ương và địa phương đối với các dự án xây dựng công trình giao thông, trong đó có đường Hồ Chí Minh, cho thấy có nhiều yếu tố khó khăn làm ảnh hưởng đến quá trình triển khai dự án như: sự phối hợp giữa chủ đầu tư với địa phương trong công tác GPMB chưa chặt chẽ, thậm chí chủ đầu tư còn cho rằng công tác này hoàn toàn thuộc về trách nhiệm của địa phương; giá đất bồi thường tại các vị trí giáp ranh thường có sự chênh lệch dẫn đến tình trạng khiếu kiện của người dân; địa phương không có quỹ đất để tái định cư nên công tác xây dựng khu tái định cư cho người dân trong diện giải tỏa rất chậm trễ.  Bên cạnh đó, công tác bảo đảm an toàn giao thông tại các dự án đang triển khai chưa được nhà thầu quan tâm: việc xây dựng đường tránh, cầu tạm không bảo đảm đủ làn xe, sức chịu tải cho các loại phương tiện giao thông; tập kết vật liệu xây dựng, máy móc thi công làm che khuất tầm nhìn của người tham gia giao thông; mặt đường bị hư hỏng nặng, nhưng không sửa chữa kịp thời…

Liên quan đến công tác GPMB đoạn qua địa bàn tỉnh Dak Lak, cuối tháng 7 vừa qua, Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Dak Lak. Tại buổi làm việc, tỉnh cam kết sẽ sớm bàn giao mặt bằng để chủ đầu tư thực hiện thi công. Được biết, Đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Dak Lak có chiều dài gần 130km. Dự kiến từ nay đến năm 2016, hơn 70km được nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, nền đường 12m, mặt đường bê tông nhựa 11m gồm 2 làn xe cơ giới, vận tốc thiết kế 80km/h.

Ông Phạm Quang Nghiêm, Trưởng văn phòng đại diện Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh khu vực miền Trung – Tây Nguyên khẳng định, Ban đã chuẩn bị đủ kinh phí cho công tác GPMB, nếu chính quyền các địa phương có tuyến đường đi qua có báo cáo cụ thể về áp giá đền bù, Ban sẽ chuyển khoản để địa phương thực hiện hỗ trợ, đền bù cho người dân. Hiện nay, Ban đã hoàn thiện việc cắm mốc, cọc GPMB, do đó các địa phương chậm nhất đến cuối tháng 9-2013 phải hoàn thành công tác GPMB để chủ đầu tư triển khai thi công trong tháng 10 năm nay. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, kết luận tại Hội nghị triển khai thực hiện công tác GPMB đối với Dự án đường Hồ Chí Minh qua các tỉnh Tây Nguyên: Các địa phương cần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và chính quyền các cấp để chỉ đạo, triển khai công tác GPMB; sớm thành lập Ban chỉ đạo thực hiện công tác GPMB, tái định cư, do một Phó Chủ tịch UBND làm trưởng Ban. Ban chỉ đạo trực tiếp hướng dẫn, chỉ đạo, giải thích, tuyên truyền, vận động cho người dân hiểu và chấp hành nghiêm túc chính sách, quy định của pháp luật; thực hiện công khai, minh bạch chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; tổ chức cưỡng chế nếu cần thiết đối với những trường hợp cố tình không bàn giao mặt bằng, cản trở thi công. Nghiêm cấm mọi hành vi tiêu cực, gian lận trong công tác GPMB như lập mộ giả, trồng cây xây dựng công trình mới để được đền bù..

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.