Triển khai Phương án quản lý tại gốc kinh doanh cà phê nông sản: Công tác cán bộ đóng vai trò quyết định
Từ 1-8-2013, Cục Thuế triển khai Phương án quản lý tại gốc (cấp xã, phường,thị trấn…) đối với hoạt động kinh doanh cà phê, nông sản…
Với Phương án quản lý tại gốc, “đường đi” của hạt cà phê sẽ được kiểm soát chặt chẽ (ảnh minh họa). |
Theo đó, có khá nhiều biện pháp tương đối mới được đưa vào áp dụng trong quản lý hoạt động kinh doanh cà phê nói riêng, nông sản nói chung. Trước hết để nắm được sản lượng cà phê, nông sản của từng huyện, thị xã, thành phố, chi cục thuế phối hợp với phòng nông nghiệp, phòng thống kê sở tại để cập nhật về diện tích, năng suất, sản lượng của từng nơi, sau đó rà soát, đối chiếu lại số liệu theo thực tế năm bắt tại xã, phường, thị trấn, nhằm xác định sản lượng cà phê, nông sản thực tế của từng địa phương để bố trí nhân lực quản lý thuế cho phù hợp. Cùng với đó, thành lập ở cấp huyện ban chỉ đạo quản lý tại gốc, cấp xã có tổ kiểm tra quản lý tại gốc do chủ tịch hoặc phó chủ tịch UBND cùng cấp đứng đầu; đại diện cơ quan thuế cùng cấp đảm nhận cấp phó trực; thành viên tham gia cùng là đại diện của cơ quan thuế, công an; đại diện các xã, phường, thị trấn, thôn, buôn, tổ dân phố… Ban chỉ đạo (hoặc tổ kiểm tra) tổ chức chỉ đạo, khảo sát vùng nguyên liệu và nắm diện tích cà phê, nông sản; rà soát, thống kê DN, chi nhánh DN, đại lý, hộ kinh doanh cà phê, nông sản trên địa bàn. Trên cơ sở đó, chi cục thuế các địa phương sẽ tiến hành đối chiếu với bộ thuế đang quản lý để kịp thời đưa vào quản lý những trường hợp còn sót, chưa lập bộ nếu có. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát tại DN lẫn hồ sơ khai thuế cũng được tăng cường, đội kê khai và kế toán thuế tại các chi cục thuế được giao nhiệm vụ nắm rõ ngành nghề kinh doanh, nơi cư trú của chủ DN, trụ sở kho hàng, số lao động và vốn đăng ký của DN… để cảnh báo đến đội kiểm tra thuế tiếp tục triển khai các biện pháp giám sát tiếp theo ngay từ khi DN được cấp mã số thuế. Đối với việc giám sát hồ sơ khai thuế của DN tại cơ quan thuế, sẽ thực hiện kiểm tra, giám sát ngay khi nhận được hồ sơ khai thuế nhằm kịp thời phát hiện và xử lý những trường hợp có dấu hiệu bất thường. Ngoài ra, ban chỉ đạo huyện, thị xã, thành phố triển khai cho các DN kinh doanh cà phê, nông sản lập bản cam kết, trong đó chính quyền địa phương bảo vệ, tạo mọi điều kiện cho DN, hộ kinh doanh trên địa bàn chấp hành đúng chính sách, pháp luật thuế, khi mua nông sản của nông dân phải sử dụng bảng kê theo mẫu do ngành thuế phát hành, không sử dụng hóa đơn của các DN có trụ sở ở những địa phương không có vùng nguyên liệu. Chế tài xử lý các trường hợp vi phạm cũng được quy định rõ, tùy theo mức độ và số lần vi phạm mà có thể bị xử lý cảnh cáo, phạt hành chính về hành vi trốn thuế, đình chỉ sử dụng hóa đơn, đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh…
Theo các DN hoạt động trong lĩnh vực cà phê, nông sản: việc một số DN “ma” gây khuynh đảo thị trường cà phê, chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước xảy ra trong thời gian qua bắt nguồn từ nguyên nhân chính là cơ quan quản lý chuyên ngành thiếu biện pháp quản lý, giám sát phù hợp; công tác phối hợp giữa các cấp, ngành trong hệ thống chính trị chưa chặt chẽ. Chính vì thế, việc ngành thuế triển khai phối hợp với các ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương các cấp tổ chức lực lượng trực tiếp quản lý tận gốc theo hai hướng: quản lý chặt chẽ sản lượng và sự dịch chuyển của sản phẩm cà phê, nông sản ngay tại cơ sở; kiểm tra, giám sát DN từ khi thành lập đến suốt quá trình hoạt động là biện pháp được đông đảo DN đánh giá cao. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu quản lý tận gốc như đã đặt ra, nhiều ý kiến đề nghị cơ quan thuế cần đặc biệt quan tâm đến công tác bố trí cán bộ phụ trách, vì đây là nhân tố rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến kết quả triển khai phương án này.
Lê Ngọc
Ý kiến bạn đọc