Vốn “làm giàu” cho thanh niên
Những năm qua, cùng với việc vận động đoàn viên thanh niên (ĐVTN) tích cực tham gia các phong trào tình nguyện “Vì cuộc sống cộng đồng”, Tỉnh Đoàn còn làm tốt công tác quản lý, phát triển các nguồn vốn vay, tạo điều kiện cho ĐVTN vay vốn để phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.
Với sức trẻ và quyết tâm không cam chịu đói nghèo, cùng sự đồng hành của các tổ chức Đoàn, Hội, nhiều thanh niên nông thôn đã vươn lên làm giàu chính đáng từ nguồn vốn vay. Theo thống kê của Tỉnh Đoàn, đến nay đã có trên 19 nghìn ĐVTN trong tỉnh được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi thông qua nhiều kênh như: Vốn vay giải quyết việc làm của Trung ương Đoàn (vốn 120), vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH), vốn “Khởi nghiệp” … với tổng dư nợ hơn 301 tỷ đồng. Trong đó đáng chú ý là nguồn vốn hỗ trợ thanh niên “Khởi nghiệp” được trích từ “Quỹ khởi nghiệp” do Hội LHTN Việt Nam tỉnh vận động các doanh nghiệp đóng góp, triển khai từ năm 2008 đến nay. Nếu có nhu cầu vay vốn để phát triển kinh tế, ĐVTN lập đề án gửi Hội LHTNVN tỉnh; đề án có tính khả thi được Hội đồng thẩm định “Quỹ khởi nghiệp” phê duyệt, cho vay tối đa 20 triệu đồng (không tính lãi) và phải hoàn trả vốn đúng thời hạn quy định. Các nguồn vốn trên đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, giúp hàng nghìn hộ gia đình thanh niên nông thôn, trong đó có nhiều thanh niên vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Anh Y Be Du (buôn Triêk, xã Dak Nuê, huyện Lak) - một trong những thanh niên được vay vốn đang chăm sóc vườn cà phê của gia đình. |
Nhìn chung, các hộ được vay vốn đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, phát huy hiệu quả. Tiêu biểu như hộ anh Y Be Du (buôn Triêk, xã Dak Nuê, huyện Lak). Là một ĐVTN xông xáo trong các hoạt động xã hội, anh Y Be Du luôn ấp ủ ý tưởng gây dựng mô hình kết hợp vườn-ao-chuồng một cách quy mô, nhưng chưa thể thực hiện do khó khăn về vốn. Tháng 6 năm 2012, anh vay 20 triệu đồng từ quỹ Khởi nghiệp, cộng thêm vốn vay mượn từ bạn bè, người thân được gần 100 triệu đồng để đầu tư trồng mới 3 ha cà phê, 0,8 ha lúa nước và đào ao thả cá. Anh chia sẻ: “Hiệu quả kinh tế trong giai đoạn đầu chưa cao, nhưng điều quan trọng là mình đạt được ước mơ, được khẳng định sức trẻ, đam mê và cống hiến”. Cùng xã còn có hộ gia đình các chị H’Dek Phôk (buôn Dơn) và chị H’Diêm Phôk (buôn Dhăm) được Đoàn xã tín chấp cho vay 15 triệu đồng/người từ nguồn vốn hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế đã đầu tư nuôi bò sinh sản và trồng lúa nước, đem lại nguồn thu nhập gần 100 triệu đồng/hộ/năm. Hay như mô hình trang trại tổng hợp của anh Nông Văn Việt, dân tộc Tày - một triệu phú trẻ ở xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn (được giải thưởng Lương Định Của năm 2012). Từ nguồn vốn vay, anh đã mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đến nay, gia đình anh có 1.000 trụ tiêu, 7 sào cà phê, 1,7 ha cây công nghiệp ngắn ngày, 8 sào ruộng, ao cá… cho tổng thu nhập bình quân hằng năm hơn 200 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động và hơn 150 lao động thời vụ. Anh Lê Trung Tuyến, Bí thư Chi đoàn thôn 4, xã Băng ADrênh (huyện Krông Ana) cũng vay vốn ủy thác 20 triệu đồng, từ đó có điều kiện thực hiện đề án “nuôi gà thả vườn” với quy mô 1.000 con gà, mang lại thu nhập bình quân khoảng 132 triệu đồng/năm. Các anh K’sơr Y Hiên, K’sơr Y Chik và Kpă Y Joanh (ở buôn Tir, xã Dlie Yang, huyện Ea H’leo) vay vốn mua phân bón cho cây trồng. Nhờ biết cách chăm sóc đúng kỹ thuật, bón phân đúng liều lượng nên vườn cà phê cho năng suất cao vượt trội, sản lượng tăng gấp đôi, từ 2 tấn/ha lên 4 tấn/ha. Trừ chi phí đầu tư, mỗi năm vườn cà phê cho thu lãi khoảng 80 triệu đồng, góp phần cải thiện đời sống gia đình, nâng cao chất lượng cuộc sống. Với 20 triệu đồng được hỗ trợ, chị H’Kam Rya ở xã Ea Huar (Buôn Đôn) đã mua 2 con bò mẹ, 2 bò con, đến nay bò mẹ đã sinh được thêm 2 con bê, trừ vốn đầu tư chị có lãi gần 10 triệu đồng…
Anh Y Nhuân Byă, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội LHTNVN tỉnh cho biết: “Mức hỗ trợ từ vốn “Khởi nghiệp” tuy không cao nhưng đã góp phần giải quyết tình trạng thiếu vốn ban đầu cho những thanh niên mới tách hộ gia đình, có hoàn cảnh khó khăn biết vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công tác trợ vốn cho thanh niên lập nghiệp vẫn chưa đủ "lực" để họ phát triển kinh tế. Số lượng được vay vốn còn khá khiêm tốn so với tổng số 600 nghìn thanh niên trong toàn tỉnh. Với mức vay tối đa mỗi kênh vốn không quá 30 triệu đồng thì rất khó để thanh niên nghèo xây dựng mô hình phát triển kinh tế hoàn chỉnh. Một trong những nguyên nhân của thực trạng này là do thanh niên không có tài sản để thế chấp. Vì vậy, thời gian tới, Tỉnh Đoàn, Ủy ban Hội LHTNVN tỉnh sẽ kiến nghị NHCSXH, các tổ chức tín dụng, các ngành chức năng sớm có giải pháp, tạo điều kiện cho ĐVTN, nhất là thanh niên vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn đầu tư phát triển sản xuất…
Hùng Nguyễn
Ý kiến bạn đọc