Vốn tín dụng đã “chảy”
Chủ động giảm lãi suất cho vay, tích cực tiếp cận khách hàng, cùng khách hàng tìm biện pháp tháo gỡ những khó khăn trong vay vốn tín dụng… là những biện pháp đã và đang được các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh chú trọng triển khai nhằm đẩy nhanh tốc độ đưa vốn ra nền kinh tế.
Khách hàng giao dịch tại Dongabank Dak Lak - một trong những NH có tốc độ tăng trưởng dư nợ cao trong những tháng đầu năm 2013. |
Số liệu tổng hợp từ Chi nhánh NHNN Dak Lak cho thấy, tốc độ tăng trưởng tín dụng trong những tháng gần đây liên tục được cải thiện, thoát dần tình trạng “ì ạch” trước đây. Nếu như những tháng đầu năm 2013, tăng trưởng tín dụng chỉ “nhích” nhẹ, thì trong thời gian gần đây, tốc độ này đã được cải thiện đáng kể. Tính đến giữa tháng 7-2013, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của các TCTD đã hơn 36.800 tỷ đồng, tăng 6% (tương đương gần 2.100 tỷ đồng) so với đầu năm. Xét theo ngành kinh tế, dư nợ cho vay ngành thương mại và dịch vụ tăng trưởng mạnh nhất, khoảng 9% so với đầu năm; tiếp đến là dư nợ ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng hơn 7%; chỉ có dư nợ ngành công nghiệp và xây dựng giảm xấp xỉ 3%. Nhìn chung, dư nợ cho vay của các khối ngân hàng (NH) đều có sự tăng trưởng, trong đó khối NH thương mại cổ phần và hệ thống quỹ tín dụng nhân dân cơ sở có tỷ lệ tăng trưởng đạt con số vài chục phần trăm. Chẳng hạn như Quỹ tín dụng Cao su Dak Lak, đến thời điểm hiện tại đã cơ bản hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2013, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ. Có thể nói, trong bối cảnh sản xuất kinh doanh còn trì trệ, nợ xấu gia tăng như hiện nay, nhưng dư nợ cho vay vẫn tiếp tục tăng là nhờ nỗ lực đáng kể của các TCTD. Ngoài việc triển khai các giải pháp chung của toàn ngành, như: làm việc với khách hàng nhằm đánh giá lại khoản vay để cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ cho phù hợp với thực tế và điều kiện của khách hàng, tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, triển khai các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi…, từng TCTD còn triển khai các biện pháp riêng. Chẳng hạn, Dongabank Dak Lak phối hợp với UBND và các tổ chức hội đoàn thể của nhiều xã, phường để tổ chức các buổi gặp khách hàng trên địa bàn nhằm giới thiệu, hỗ trợ khách hàng tiếp cận vốn tín dụng NH; Quỹ tín dụng Cao su Dak Lak chủ động tiếp cận, tìm hiểu nhu cầu và hỗ trợ khách hàng ngay từ thời điểm khách hàng có ý định vay vốn. Một số NH lớn như Vietcombank Dak Lak, BIDV Dak Lak đã chủ động điều chỉnh giảm lãi suất đối với các khoản vay cũ có lãi suất trên 13% năm về tối đa 13%/năm… Từ những nỗ lực của các TCTD, đã có thêm nhiều khách hàng được kéo dài thời gian vay vốn, vay được các khoản vay mới với lãi suất thấp, qua đó có thêm điều kiện về vốn phục vụ phục hồi hoặc mở rộng sản xuất kinh doanh một cách hiệu quả.
Các TCTD cho biết, việc hạ lãi suất cho vay, tháo gỡ khó khăn về vốn tín dụng cho khách hàng sẽ tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Hiện tại, các TCTD đang tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ; xem xét cơ cấu lại các khoản vay trên cơ sở đánh giá các biện pháp khắc phục khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm bảo đảm thời hạn cho vay phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng; xem xét miễn giảm lãi vốn vay; ưu tiên thu nợ gốc trước, thu nợ lãi sau đối với các khoản nợ đến hạn mà khách hàng gặp khó khăn trong việc trả nợ vốn vay; xem xét cho vay mới đối với các nhu cầu vay vốn có hiệu quả; rà soát dư nợ các khoản vay cũ trên cơ sở khả năng tài chính, xem xét điều chỉnh giảm lãi suất cho vay để chia sẻ khó khăn với khách hàng; chuẩn bị sẵn sàng lượng vốn cần thiết phục vụ nhu cầu khách hàng trong niên vụ cà phê 2013-2014 sắp tới…. Về phần mình, nhiều khách hàng cho biết, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế tính đến thời điểm này đã có sự tăng trưởng đáng ghi nhận. Tuy nhiên, việc tiếp cận vốn tín dụng NH của các DN vẫn chưa hoàn toàn thông suốt. Đành rằng, việc cho vay phải bảo đảm các quy định, điều kiện cụ thể nhưng trong bối cảnh hiện nay, khách hàng nói chung, DN nói riêng rất cần sự giải quyết cho vay linh hoạt của các TCTD.
Lê Ngọc
Ý kiến bạn đọc