Nâng cao giá trị hàng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp: Chú trọng đến chế biến sâu và đa dạng hóa sản phẩm
Lâu nay, các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của Dak Lak đã từng bước xây dựng được tên tuổi trên thị trường. Tuy nhiên, lợi nhuận của ngành này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng do sản phẩm đơn điệu, chất lượng chưa cao và thiếu tính chuyên nghiệp trong quy trình sản xuất, phân phối, tiêu thụ.
Làm phong phú thêm các chế phẩm từ cà phê
Chế biến và xuất khẩu cà phê là thế mạnh của Dak Lak, với 23 cơ sở chế biến cà phê nhân, 47 cơ sở chế biến cà phê bột. Niên vụ 2012 – 2013, tổng số lượng cà phê xuất khẩu đạt 224.243 tấn, kim ngạch hơn 493 triệu USD. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2013, chế biến cà phê nhân xuất khẩu là 134.000 tấn, cà phê bột và cà phê hòa tan 1.100 tấn, và xuất khẩu gần 770 tấn cà phê hòa tan. Cà phê Dak Lak đã xuất khẩu đến 58 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có những thị trường nhập khẩu lớn nhất là Đức, Nhật Bản, Mỹ, Italia, Thụy Sỹ, Hàn Quốc… Đặc biệt, một số doanh nghiệp đã khẳng định được vị thế trên thị trường thế giới như: Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9, Công ty TNHH Dak Man Việt Nam, Công ty TNHH Anh Minh, Công ty TNHH cà phê Hà Lan – Việt Nam, Công ty cà phê Thắng Lợi…
Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu cà phê Dak Lak chưa tương xứng với tiềm năng, bởi, sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là cà phê nhân thô, các loại sản phẩm chế biến sâu mới chỉ chiếm 10% khối lượng. Để nâng cao giá trị cà phê địa phương, vấn đề quan trọng là cần tăng cường các sản phẩm chế biến sâu, có chất lượng cao và đa dạng hóa. Kinh nghiệm một số địa phương khác cho thấy, từ một loại sản phẩm chủ lực có thể sản xuất ra nhiều loại hàng hóa khác nhau để đáp ứng thị hiếu các thị trường nội địa và quốc tế. Ví dụ, tỉnh Bến Tre nổi tiếng với trái dừa và họ đã sản xuất được rất nhiều loại sản phẩm công nghiệp từ dừa như: kẹo dừa, thạch dừa, nước cốt dừa, dầu dừa…; tỉnh Ninh Thuận tạo ra được nhiều sản phẩm chất lượng cao từ trái nho như: mật nho, rượu nho…; hay Lâm Đồng đã khẳng định thương hiệu chè nổi tiếng với hàng chục loại sản phẩm chè xanh, chè đen… Nhờ đó, sản phẩm chủ lực của các địa phương trên có thể thâm nhập nhiều thị trường, không bị ép giá nên giá trị thương mại được nâng cao.
Với tiềm năng sẵn có, cà phê Dak Lak còn có thể tăng giá trị thêm nhiều nếu chất lượng tốt, các sản phẩm đa dạng. Theo đó, bên cạnh một số sản phẩm cà phê nhân, bột, hòa tan truyền thống thì cũng có thể tạo ra những hàng hóa khác giá trị cao từ cà phê như kẹo cà phê, sôcôla cà phê… Một chuyên gia người Đức phát biểu tại Hội thảo chuyên ngành cà phê trong khuôn khổ Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 4 – 2013 tổ chức vào tháng 3 vừa qua rằng: các nước châu Âu thường nhập khẩu cà phê từ Việt Nam để làm nguyên liệu và chất phụ trợ chế biến nhiều loại thực phẩm, bánh kẹo, đồ uống. Điều đó cho thấy, cà phê Dak Lak vẫn còn bỏ ngỏ nguồn lợi rất lớn nếu ngành công nghiệp địa phương không tạo ra được thêm nhiều sản phẩm từ cà phê.
Chú trọng đến chất lượng và tính chuyên nghiệp
Bên cạnh chế biến cà phê, Dak Lak còn có lợi thế phát triển các ngành công nghiệp chế biến khác như cao su, tiêu, sản xuất cơ khí… Tuy nhiên quy mô tổ chức, phân bố sản xuất những ngành này vẫn còn mang tính tự phát, quy mô nhỏ. Cụ thể, các nông sản như tiêu, cao su tuy có sản lượng nằm trong tốp đầu cả nước nhưng xuất khẩu phần lớn là hạt thô hoặc sơ chế ban đầu. Trên địa bàn tỉnh chưa có nhà máy chế biến quy mô lớn với hệ thống dây chuyền đồng bộ nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đa dạng. Do vậy, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt mức khiêm tốn so với tiềm năng sẵn có. Trong khi đó công nghiệp cơ khí tuy cũng đã có “tiếng tăm” nhưng các sản phẩm chủ yếu vẫn chỉ là máy bơm, máy xay xát, cối xay cà phê… với một số nhãn hiệu quen thuộc lâu nay là Đăng Phong, Văn Thể, Quốc Huy…, các sản phẩm cơ khí chế tạo đòi hỏi kỹ thuật cao rất ít. Các cơ sở chế biến, lắp ráp phần lớn là quy mô nhỏ, dây chuyền công nghệ đơn giản. Bởi vậy, các mặt hàng cơ khí phần lớn vẫn tiêu thụ ở thị trường Dak Lak và các tỉnh Tây Nguyên. Để các ngành công nghiệp này phát triển vấn đề cơ bản là cần có những nhà máy sản xuất, chế biến, lắp ráp quy mô lớn, dây chuyền, trang thiết bị đồng bộ, nhưng doanh nghiệp địa phương có tiềm lực hạn chế, cần được hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn ưu đãi và các tiến bộ khoa học, công nghệ tiên tiến.
Được cho là có thế mạnh, nhưng cơ khí Dak Lak vẫn còn thiếu những sản phẩm giá trị cao. |
Ngoài các sản phẩm công nghiệp, hàng tiểu thủ công nghiệp của Dak Lak cũng đã hình thành được những sản phẩm đặc trưng như thổ cẩm, rượu cần, gỗ mỹ nghệ... Đây là những hàng hóa dễ tiêu thụ đối với các thị trường ngoại tỉnh và khách du lịch, bởi nó mang tính độc đáo của đồng bào các dân tộc bản địa. Thế nhưng, việc sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm này còn thiếu tính chuyên nghiệp, nhỏ lẻ, chất lượng chưa cao và khả năng tiếp cận thị trường hạn chế. Cụ thể, với sản phẩm rượu cần tuy có hàng chục loại nhãn hiệu, nhưng sản xuất phần lớn bằng men hóa học nên loại nào cũng có mùi vị na ná nhau nên không gây được ấn tượng với khách hàng. Trong khi đó, hàng thổ cẩm chủ yếu do các hợp tác xã sản xuất, nhưng chất liệu thường làm bằng hàng công nghiệp, mẫu mã đơn điệu, hoa văn và đường nét chưa tinh xảo. Tương tự, đồ gỗ và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác cũng còn sản xuất theo kiểu nghiệp dư, thiếu tính thị trường. Có một tình trạng chung là loại sản phẩm này có nhiều hàng giả, hàng nhái tràn lan trên thị trường, khiến khách hàng lúng túng khi chọn mua… Bên cạnh đó, hình thức tiêu thụ chủ yếu là bán lẻ cho khách du lịch tại các cửa hàng lưu niệm, nhà sách, thậm chí là cửa hàng tạp hóa nên giá trị, lợi nhuận còn ít. Tại Hội nghị khuyến công khu vực miền Trung – Tây Nguyên tổ chức mới đây, các đại biểu cho rằng: để các sản phẩm tiểu, thủ công nghiệp đặc trưng của địa phương phát triển mạnh và mang lại giá trị cao thì vấn đề cốt lõi là phải có tính chuyên nghiệp từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, tổ chức sản xuất quy mô lớn, chất lượng cao, xây dựng được thương hiệu, nhãn mác hàng hóa và thị trường tiêu thụ ổn định.
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc