Multimedia Đọc Báo in

Tìm phương án huy động vốn cho Dự án đường Đông - Tây thành phố Buôn Ma Thuột

10:38, 28/12/2013

Buôn Ma Thuột là đầu mối giao thông quan trọng kết nối các địa phương trong tỉnh cũng như các tỉnh Tây Nguyên và miền Đông Nam bộ; nơi có những tuyến đường trọng điểm đã và đang được chủ đầu tư triển khai xây dựng như đường Hồ Chí Minh, đường vành đai phía Tây thành phố.

Cùng với 2 tuyến đường nói trên, xa lộ Đông – Tây Buôn Ma Thuột cũng góp phần thiết thực trong việc hoàn thiện mạng lưới giao thông đô thị. Chính tầm quan trọng như vậy nên hiện nay địa phương và chủ đầu tư đang nỗ lực tìm giải pháp về huy động vốn để sớm triển khai thực hiện dự án.

Việc đầu tư xây dựng đường Đông – Tây TP.Buôn Ma Thuột có ý nghĩa thiết thực trong việc hoàn thiện mạng lưới giao thông đô thị, là tuyến chính của khu đô thị mới của thành phố về phía Đông Nam, nối thẳng trung tâm thành phố với Cảng hàng không Buôn Ma Thuột. Tuyến đường hình thành sẽ góp phần phát triển các quy hoạch dọc hai bên đường như quy hoạch khu đô thị mới Đồi Thủy Văn (phường Tân Lập), quy hoạch hồ Ea Tam (phường Ea Tam), thu hút các nhà đầu tư vào các khu công nghiệp, từ đó khai thác tốt tiềm năng đất đai vùng có dự án đi qua. Bên cạnh đó, công trình sẽ đáp ứng nhu cầu giao thông, bảo đảm vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị và tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng của khu vực nội thị nói riêng, toàn tỉnh nói chung... Đường Đông – Tây Buôn Ma Thuột có tổng chiều dài 7km, bắt đầu từ km0 tại nút giao Lê Duẩn – Đinh Tiên Hoàng, điểm cuối tại km6+900 tại nút giao quốc lộ 27 với đường vào Cảng hàng không Buôn Ma Thuột). Dự án được lập từ năm 2008 theo công văn số 5466/UBND-CN của UBND tỉnh, do UBND TP.Buôn Ma Thuột làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư 996 tỷ đồng. Theo quy mô thiết kế hoàn chỉnh, chỉ giới đường đỏ của đường rộng 70m, riêng đoạn qua đường Đinh Tiên Hoàng chỉ giới đường đỏ rộng 58m; tổng số 10 làn xe, trong đó mặt đường chính gồm 6 làn xe, rộng 24,5m (mỗi bên rộng 12,25m), mặt đường gom gồm 4 làn xe, mỗi bên rộng 7m; dải phân cách trung tâm 15,5m, dải phân cách 2 bên, mỗi bên rộng 2m; cầu bằng bê tông cốt thép rộng 52m. Đường được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp II khu vực đô thị, vận tốc thiết kế làn đường chính 80km/h. Theo phương án bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư của dự án dự kiến 229,3 tỷ đồng, trong đó bồi thường diện tích đất thổ cư gần 18.000m2, đất nông nghiệp và các loại đất khác trên 482,5m2; có khoảng 40 hộ thuộc diện giải tỏa cần bố trí quỹ đất tái định cư.

Đường Đông - Tây thành phố Buôn Ma Thuột được bắt đầu tại nút giao Lê Duẩn - Đinh Tiên Hoàng.
Đường Đông - Tây thành phố Buôn Ma Thuột được bắt đầu tại nút giao Lê Duẩn - Đinh Tiên Hoàng.

Theo nhận định của tỉnh, việc triển khai dự án này bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương sẽ đối mặt với nhiều khó khăn. Cụ thể, theo Nghị quyết số 12/2011/QH13 của Quốc hội, nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ trong giai đoạn 2011-2015 sẽ không bố trí cho các dự án xây dựng cơ bản có tổng mức đầu tư lớn. Tình hình kinh tế khó khăn, việc xin nguồn vốn Trung ương hỗ trợ sẽ mất nhiều thời gian, khó khả thi, trong khi việc tiếp cận nguồn vốn ODA cũng rất hạn chế. Mặt khác, nếu chọn giải pháp sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương theo hình thức đầu tư BT (xây dựng-chuyển giao) cũng không mấy khả thi, bởi theo quy định tại Quyết định số 06/2007/QĐ-UBND ngày 30-1-2007 của UBND tỉnh: thời gian bố trí ngân sách tỉnh thanh toán công trình là 3 năm (tính từ ngày công trình đưa vào sử dụng). Như vậy, với một dự án lớn như đường Đông – Tây thì thời gian trả nợ 3 năm là quá ngắn, do đó rất khó thực hiện.

Để dự án sớm được triển khai, UBND tỉnh đã đưa ra phương án kêu gọi nhà đầu tư có đủ nguồn lực tài chính, tự ứng vốn trước để thực hiện đầu tư theo hình thức BT. Theo hình thức này, địa phương sẽ trả dần cho nhà đầu tư trong thời gian 10-15 năm, với lãi suất <5%/năm. Theo đánh giá của UBND tỉnh, thời gian trả nợ kéo dài và mức lãi suất thấp, khả năng trả nợ bằng nguồn vốn từ quỹ đất có tính khả thi rất cao. Theo báo cáo về phương án triển khai thực hiện dự án đường Đông – Tây, chủ đầu tư sẽ tạo vốn từ quỹ đất bằng hình thức lập dự án, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các khu quy hoạch và thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, cho thuê đất trên vùng dự án để trả nợ nguồn vốn vay. Cụ thể, chủ đầu tư sẽ bán đấu giá quyền sử dụng đất, cho thuê đất đối với các khu quy hoạch như: quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu đô thị mới Đồi Thủy Văn, với diện tích trên 466ha; quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 phía Nam đường Đông – Tây, diện tích 142ha; quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu đô thị Tây Nam dọc theo đường vành đai phía Tây, với diện tích 120ha và quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 phía Bắc đường Đông – Tây, diện tích 188ha. Theo tính toán sơ bộ của chủ đầu tư, nguồn vốn thu được từ đấu giá quyền sử dụng đất và cho thuê đất tại 4 dự án nêu trên gần 2.600 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, chủ đầu tư xét thấy đây là các dự án có tính khả thi, lợi nhuận cao, tạo được nguồn thu cho địa phương để tiếp tục đầu tư cho các công trình phục vụ cộng đồng, trong đó có dự án đường Đông – Tây thành phố.

Qua phân tích, so sánh về giải pháp nguồn vốn đầu tư, UBND tỉnh đã kiến nghị với HĐND tỉnh xem xét, cho phép đầu tư dự án đường Đông – Tây thành phố giai đoạn 2013-2018 theo hình thức BT, thời gian trả nợ 10-15 năm, đồng thời đề nghị HĐND tỉnh cho phép chủ đầu tư sử dụng 100% vốn bán đất và  cho thuê đất của các dự án phân khu quy hoạch để thanh toán vốn đầu tư cho dự án đường Đông – Tây.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.