Hỗ trợ kiến thức về pháp luật thuế cho người nộp thuế : Yêu cầu cấp thiết
Công tác tuyên truyền, hỗ trợ (TTHT) người nộp thuế (NNT) đã được ngành thuế Dak Lak triển khai bằng nhiều hình thức, song nhìn chung chưa đáp ứng được đòi hỏi thực tiễn nên vẫn còn trường hợp NNT vi phạm vì không nắm rõ pháp luật thuế.
Mang nợ vì không nắm luật
Ông Lê Bá Kiệu, chủ doanh nghiệp tư nhân thương mại Thanh Kiệu (buôn Đrây Huê, xã Cư Pơng, huyện Krông Buk); kinh doanh xăng dầu cho biết: Tháng 10-2012, Chi cục Thuế huyện Krông Buk đã tiến hành kiểm tra quyết toán thuế tại trụ sở DN (thời gian từ tháng 1-2008 đến 31-12-2010). Kết quả kiểm tra đã kết luận DN có một số sai phạm: năm 2008 mở sổ, ghi sổ kế toán không đầy đủ; giai đoạn 2009-2010 mở sổ sách kế toán đầy đủ nhưng việc ghi chép, cập nhật còn một số sai sót như: chi phí quản lý DN cao hơn số kiểm tra thực tế, giá vốn hàng hóa không đúng với số kiểm tra thực tế; từ tháng 3-2009 đến tháng 12-2010, DN thanh toán tiền mua hàng cho bên bán bằng hình thức nộp tiền mặt vào tài khoản của bên bán với các hóa đơn có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên, tức không đúng với các quy định của pháp luật. Từ kết quả kiểm tra này, Chi cục Thuế Krông Buk đã ấn định thuế thu nhập DN năm 2008 hơn 13 triệu đồng; truy thu thuế GTGT từ năm 2008 đến 2010 gần 1,1 tỷ đồng; phạt khai sai và nộp chậm gần 750 triệu đồng, tổng cộng hơn 1,8 tỷ đồng.
TTHT NNT thông qua đối thoại được NNT đánh giá mang lại hiệu quả cao.(Trong ảnh: Cán bộ thuế (bìa trái) tiếp nhận, giải đáp thắc mắc của NNT tại “Tuần lễ lắng nghe ý kiến người nộp thuế” năm 2013). |
Theo Chi cục Thuế huyện Krông Buk, Thông tư 129/2008/TT-BTC, ngày 26-12-2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế GTGT có quy định rõ về điều kiện khấu trừ thuế GTGT là: “Có chứng từ thanh toán qua ngân hàng đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào, trừ trường hợp tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào từng lần theo hóa đơn dưới 20 triệu đồng theo giá đã có thuế GTGT”. Cũng liên quan đến vấn đề này, ngày 20-7-2009, Bộ Tài chính có Công văn số 10220/BTC-TCT hướng dẫn về điều kiện chứng từ thanh toán qua ngân hàng để khấu trừ, hoàn thuế GTGT giải thích: “có chứng từ thanh toán qua ngân hàng được hiểu là có chứng từ chứng minh việc chuyển tiền từ tài khoản của bên mua sang tài khoản của bên bán mở tại các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán theo các hình thức thanh toán phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành như séc, ủy nhiệm chi hoặc lệnh chi, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các hình thức thanh toán khác theo quy định…”. Công văn này cũng nêu: “chứng từ bên mua nộp tiền mặt vào tài khoản của bên bán” không đủ điều kiện để được khấu trừ, hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào từ 20 triệu đồng trở lên. Vì vậy, việc DN Thanh Kiệu thực hiện thanh toán tiền mua hàng cho bên bán (Công ty xăng dầu Nam Tây Nguyên) bằng hình thức nộp tiền trực tiếp vào tài khoản bên bán là không đúng quy định nên bị xử lý. Còn ông Lê Bá Kiệu thì cho rằng, DN ông vi phạm là do nhận thức pháp luật còn hạn chế chứ không có ý định gian lận thuế. Cụ thể, DN đã trả tiền mua hàng đầy đủ cho bên bán nhưng chỉ khác một điều là nộp tiền mặt trực tiếp vào tài khoản của người bán chứ không thực hiện ủy nhiệm chi từ tài khoản người mua sang người bán theo quy định. Được biết, hiện DN Thanh Kiệu đang gửi “đơn xin cứu xét” lên các cơ quan có thẩm quyền đề nghị xem xét lại.
Cần chủ động trong tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế
Từ vụ việc của DN Thanh Kiệu đặt ra nhiều vấn đề cần được “mổ xẻ” một cách nghiêm túc, khoa học. Xét về lý, DN này đã vi phạm quy định về hình thức thanh toán nên bị xử lý là điều đương nhiên, nhưng cũng cần phải xem lại trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế trực tiếp DN này như thế nào, bởi diễn biến sự việc trên (DN Thanh Kiệu trả tiền cho bên bán hàng bằng hình thức nộp tiền mặt trực tiếp vào tài khoản của bên bán hàng) diễn ra trong thời gian dài, hàng tháng DN đều phải thực hiện việc nộp, kê khai thuế và hàng năm cũng phải nộp quyết toán thuế, nhưng tại sao các loại hồ sơ này vẫn được chấp nhận mà không ai phát hiện ra sai sót của DN (?!)
Cửa hàng xăng dầu của DN TNTM Thanh Kiệu. |
Qua sự việc trên cũng cho thấy, công tác TTHT NNT của cơ quan thuế hiện còn nhiều bất cập, chưa theo kịp yêu cầu. Trên thực tế, vài năm trở lại đây, ngành thuế Dak Lak đã có nhiều nỗ lực nhất định trong việc đa dạng hóa công tác TTHT NNT như tiếp nhận, trả lời thắc mắc của DN qua điện thoại, văn bản…, mỗi năm đều có tổ chức nhiều lớp tập huấn chính sách thuế cho DN, tính riêng trong năm 2013, ngành thuế đã tổ chức hơn 15 lớp tập huấn, đối thoại giữa ngành và DN, thu hút hàng ngàn lượt người tham dự, nhưng vẫn chưa theo kịp những đòi hỏi từ thực tiễn. Theo ý kiến nhiều DN, bên cạnh việc duy trì các hình thức TTHT NNT đã thực hiện, ngành thuế cũng cần phải cập nhật, tìm hiểu những vấn đề mà DN thường mắc sai phạm, sau đó phân loại và chủ động tiếp cận, hướng dẫn, hỗ trợ tập huấn cho DN. Xin lưu ý thêm, để người được tập huấn không cảm thấy “xấu hổ” về sự nhận thức hạn chế về pháp luật thuế của mình, đồng thời cán bộ phụ trách tập huấn có đủ thời gian giải đáp cặn kẽ những thắc mắc của DN, ngành thuế nên tổ chức tập huấn trong phạm vi hẹp, không nên mời quá nhiều DN tham dự cùng lúc. Cùng với đó nên mở rộng phạm vi và thời gian tổ chức “Tuần lễ lắng nghe ý kiến người nộp thuế” để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho NNT.
Hoàn toàn không sai khi nói rằng, trách nhiệm của DN là phải nghiên cứu, tìm hiểu chính sách pháp luật để áp dụng vào thực tiễn nhằm bảo đảm hoạt động của DN đúng pháp luật, nhưng để giúp các DN phát triển, tránh được những sai sót không đáng có thì việc chủ động tìm hiểu, TTHT NNT kịp thời cũng là điều ngành thuế Dak Lak cần quan tâm nhiều hơn.
Lê Ngọc
Ý kiến bạn đọc