Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ doanh nghiệp

10:04, 17/03/2014

Dak Lak hiện có hơn 5.700 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động, trong đó, phần lớn là DN vừa và nhỏ. Thời gian qua, địa phương đã có nhiều chương trình hỗ trợ thiết thực giúp DN nâng cao năng lực, đổi mới công nghệ, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh…

Nhằm hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển của các DN, HĐND tỉnh khóa VIII đã ban hành Nghị quyết số 43/2011/NQ - HĐND, ngày 22-12-2011 về phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2015, trong đó nội dung quan trọng là Chương trình hỗ trợ DN nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh trong hội nhập quốc tế; hỗ trợ DN tăng cường nghiên cứu, đầu tư đổi mới công nghệ, tiết kiệm năng lượng, giảm ô nhiễm môi trường theo hướng sản xuất sạch; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; xây dựng, bảo hộ phát triển thương hiệu và xác lập quyền sở hữu công nghiệp; tham gia các giải thưởng chất lượng quốc gia cũng như các hội chợ công nghệ thiết bị và nghiên cứu tạo ra công nghệ mới phục vụ sản xuất. Trên cơ sở này UBND tỉnh đã phê duyệt “Chương trình hỗ trợ DN nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh đến năm 2015” (sau đây gọi là Chương trình) và thành lập Ban chủ nhiệm chương trình do ông Vương Hữu Nhi, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ làm trưởng ban để thực hiện và giám sát chương trình một cách hiệu quả.
Công ty TNHH MTV Cao su Ea H’leo thường xuyên vệ sinh nhà xưởng nhằm nâng cao tuổi thọ thiết bị và hiệu quả sản xuất.
Công ty TNHH MTV Cao su Ea H’leo thường xuyên vệ sinh nhà xưởng nhằm nâng cao tuổi thọ thiết bị và hiệu quả sản xuất.

Qua hơn 2 năm triển khai, Chương trình đã hỗ trợ kinh phí cho 15 DN trên địa bàn tỉnh đạt giấy chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng phù hợp tiêu chuẩn ISO 9001:2008, hệ thống quy phạm thực hành sản xuất tốt đối với vệ sinh thực phẩm theo HACCP, hệ thống quản lý an toàn thực phẩm phù hợp ISO 2000:2005 và đoạt giải thưởng chất lượng quốc gia… Bên cạnh đó, Chương trình cũng hỗ trợ các DN đầu tư đổi mới, nâng cao dây chuyền, công nghệ sản xuất, đáng kể như dây chuyền nghiên cứu, hoàn thiện liên hoàn sản phẩm chế biến bơ, bột ca cao và chocolate (kinh phí 1,7 tỷ đồng), dây chuyền sản xuất thử nghiệm bơm điện thả chìm áp lực cao công suất 5 HP, 10 HP và 15 HP (kinh phí gần 300 triệu đồng)… Mới đây, Chương trình đã hỗ trợ đợt 1 năm 2014 cho các đơn vị: Công ty TNHH Thu Nhơn, với chứng nhận đạt Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) và chứng nhận Quy trình thực hành sản xuất tốt (GMP) đối với quả bơ tươi, Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn với chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng phù hợp TCVN ISO 9001:2008 và chứng nhận hệ thống quản lý an toàn thực phẩm phù hợp TCVN ISO 22000:2007, Công ty TNHH Cơ khí Viết Hiền với chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng phù hợp TCVN ISO 9001:2008. Đánh giá về hiệu quả của chương trình, đại diện Công ty TNHH Cơ khí Viết Hiền - một trong những đơn vị được hưởng lợi từ các nội dung hỗ trợ cho biết, thông qua chương trình, được tiếp cận, xây dựng và ứng dụng các tiêu chuẩn quản lý, đơn vị đã từng bước khắc phục những tồn tại ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm. Cùng với việc vệ sinh nhà xưởng sạch sẽ, bố trí sản xuất hợp lý và sử dụng nguyên vật liệu tiết kiệm được chú trọng để xây dựng hình ảnh cơ sở sản xuất trở nên đẹp hơn đồng thời, ý thức của nhân viên được nâng cao, đặc biệt chất lượng sản phẩm được nâng lên rõ rệt, góp phần giúp DN phát triển và kinh doanh hiệu quả theo hướng bền vững.

Ông Vương Hữu Nhi cho biết, chương trình là sự hỗ trợ thiết thực và hiệu quả cho các DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ, trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật và các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đồng thời từng bước thay đổi nhận thức của DN đối với việc quản lý chất lượng, xây dựng hình ảnh DN văn minh hướng đến nền sản xuất sạch. Tuy nhiên, việc triển khai chương trình trong thời gian qua cũng gặp một số khó khăn như nguồn vốn hỗ trợ còn hạn chế nên chưa tạo được sự chuyển biến thật sự lớn cho các đơn vị thụ hưởng; nguồn lực kinh tế của các DN còn yếu nên khả năng cải tiến công nghệ và xây dựng, duy trì các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và chất lượng còn hạn chế. Để khắc phục những khó khăn trên và tạo điều kiện hỗ trợ hiệu quả hơn cho các DN, UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của DN vừa và nhỏ tỉnh Dak Lak giai đoạn 2014 – 2020”, giao cho Sở Khoa học và Công nghệ quản lý, với tổng kinh phí hơn 66 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án nhằm tạo bước chuyển biến về năng suất, chất lượng các sản phẩm, hàng hóa chủ lực và khả năng cạnh tranh của các DN trong tỉnh; xây dựng, bảo hộ và phát triển thương hiệu các sản phẩm; đồng thời, hình thành 30 – 40 sản phẩm, hàng hóa được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Về nội dung, dự án sẽ tập trung xây dựng các mô hình điểm về năng suất, chất lượng; hỗ trợ các DN tăng cường việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; thực hiện hệ thống quản lý tiên tiến và áp dụng các công cụ cải tiến năng suất, công nghệ mới và hình thành đội ngũ chuyên gia về năng suất, chất lượng. Hy vọng dự án sẽ góp phần giúp các DN trong việc đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao năng lực quản lý nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu cạnh tranh trên thị trường.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.