Multimedia Đọc Báo in

Xã Yang Mao phát huy nội lực xây dựng nông thôn mới

09:44, 22/09/2014

Sau hơn 3 năm triển khai phong trào xây dựng nông thôn mới (XDNTM), đến nay, xã Yang Mao (huyện Krông Bông) đã có những tuyến đường giao thông nông thôn được nhựa hóa, các công trình trường học, nhà văn hóa, hệ thống điện đường được đầu tư… góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nơi đây.

Yang Mao là một xã vùng sâu đặc biệt khó khăn, với tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 80%. Mặc dù đời sống người dân còn nhiều khó khăn, số hộ nghèo chiếm trên 32%, nhưng khi phong trào XDNTM được triển khai, bà con rất nhiệt tình hưởng ứng. Nhờ đó, đã có nhiều công trình được xây dựng, hình thành từ nguồn sức dân như hệ thống điện đường chiếu sáng ở các thôn, buôn; nhà văn hóa cộng đồng thôn 2, trường mẫu giáo thôn 3, đường giao thông nông thôn buôn Hang Năm…

Nhiều tuyến đường  trong  xã  Yang Mao  đã được nhựa hóa  và đầu tư hệ thống điện đường.
Nhiều tuyến đường trong xã Yang Mao đã được nhựa hóa và đầu tư hệ thống điện đường.

Dọc các tuyến đường xã giờ đây đã không còn cảnh tối tăm như trước, thay vào đó là ánh sáng từ hệ thống điện trên các trục đường quanh thôn, buôn được lắp đặt nhờ sự đóng góp của người dân địa phương. Năm 2007, UBND xã đầu tư kinh phí xây lắp hệ thống điện đường tại khu vực trung tâm, đến năm 2011, khi chương trình XDNTM được triển khai thì năm 2012, nhiều thôn buôn đã tự nguyện góp tiền kéo điện đường trong khu vực của mình. Nổi bật trong đó phải kể đến các hộ dân thôn 2 đã đóng góp gần 40 triệu đồng (mỗi hộ 700.000 đồng) để kéo điện thắp sáng đường nội thôn dài hơn 1,3km. Ngoài ra, bà con trong thôn còn tự nguyện đóng góp 1 triệu đồng/hộ để mua đất xây dựng nhà văn hóa cộng đồng.  Anh Trần Bá Minh, Trưởng thôn 2 phấn khởi nói: Thông qua các buổi họp dân và hệ thống loa truyền thanh, Ban tự quản thôn đã tập trung tuyên truyền, giải thích để bà con hiểu rõ về ý nghĩa, sự cần thiết của chương trình XDNTM. Qua đó, bà con đã hiểu ra và tham gia rất nhiệt tình. Hay như các hộ dân ở buôn Kiều cũng tự nguyện đóng góp 25 triệu để đồng kéo điện nội buôn. Đến nay  toàn xã đã có 6/11 thôn, buôn xây dựng hệ thống điện đường. Từ ngày có điện thắp sáng trên các tuyến đường nội buôn, tình hình an ninh trật tự ở đây cũng được bảo đảm hơn, hạn chế tình trạng trộm cắp vặt và tai nạn giao thông thường xảy ra do trời tối. Anh Y Phú Êban, một người dân ở buôn Kiều cho biết, trước đây khi trời bắt đầu tối, hầu như mọi hoạt động kinh doanh, buôn bán của người dân trong buôn đều ngưng lại, nhưng từ khi có điện đường, hàng quán ven đường cũng nhộn nhịp khách ra vào.

Với các hộ dân thôn 3, dù đời sống của họ chẳng khá giả gì, nhưng từ đầu năm 2014, ngoài góp tiền kéo điện đường, bà con còn tự nguyện góp 15 triệu đồng tiền mặt, huy động 10 xe công nông chở đá và hơn 50 ngày công lao động sửa chữa 600 m đường thôn bị xuống cấp. Trước đó, năm 2013, các hộ dân trong thôn cũng đã góp gần 100 triệu đồng mua đất xây dựng trường mẫu giáo... Ngoài ra, đồng bào dân tộc thiểu số ở buôn Hang Năm cũng đóng góp 10 triệu đồng để tu sửa 100 m đường nội buôn, đặc biệt một hộ dân buôn Tul đã tự nguyện hiến 1.000 m2 đất để xây dựng công trình cấp nước sạch...

Thực hiện tiêu chí môi trường trong phong trào XDNTM, đến nay, trên địa bàn xã không còn xuất hiện những điểm đen về ô nhiễm, vào mùa vụ thu hoạch nông sản, người dân cũng không còn xả rác bừa bãi như trước đây; các hộ chăn nuôi gia súc không còn thả rông mà theo mô hình chuồng trại... Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng đã thành lập tổ thu gom rác thải nhằm bảo đảm vấn đề vệ sinh môi trường và đầu tư xây dựng nhiều công trình cấp nước sạch phục vụ bà con...

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.